Việt Nam đang có quá nhiều “trí ngủ” chứ không phải “trí thức”, vì có tới hàng trăm ngàn đề án tiến sỹ, hàng trăm ngàn bộ hồ sơ nghiên cứu sinh nằm trong kho và vì 1 lý do nào đó đã không đến được với xã hội.
Chúng ta có quá nhiều “trí ngủ” thay vì “trí thức”…, “Chúng ta đang có những cơ hội vàng, nhiều người giỏi, nhưng vấn đề là các startup có nắm bắt được hay không?”. Đó là những chia sẻ khá bất ngờ từ ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Chủ tịch hội đồng Tư vấn chiến lược tập đoàn VNPT về vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay. Đó là cơ hội nào dành cho các startup Việt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên toàn cầu?
Startup không cứ là phải đi bán phở hay bán cà phê…
“Nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu nằm ở tri thức, ở sự thay đổi về tư duy ở mỗi người. Thế nhưng hiện nay, ở Việt Nam, hàng loạt chương trình khởi nghiệp dường như đang lùa các em sinh viên ra đường và bỏ học để đi bán cà phê, bán phở, bán quần áo, bán đủ mọi thứ… Chúng tôi không đồng tình với cách làm này. Cái quan trọng nhất là tri thức của các em thì lại không được chú trọng”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa nhấn mạnh. Đây cũng là một trong những cách hiểu, cách làm sai lầm đang khá phổ biến hiện nay về startup.
Bên cạnh đó, việc có quá nhiều chuyên gia, quá nhiều chương trình thi nhau “chém gió” về những mục tiêu “chúng ta sẽ dẫn dắt thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Thực tế, khi chúng ta đang nghe, nói về trí tuệ nhân tạo (AI), về thực tế ảo (VR) và tương tác thực tại ảo (AR)… thì thế giới đã lại tiến xa hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta đang đi sau thế giới ở tất cả các quá trình. Việc “chém gió” này sẽ tạo nên những ảo tưởng tai hại cho cả một thế hệ trẻ đang hăm hở với các chương trình khởi nghiệp.
Theo lý giải của ông Hòa, Việt Nam đang có quá nhiều “trí ngủ” chứ không phải “trí thức”, vì có tới hàng trăm ngàn đề án tiến sỹ, hàng trăm ngàn bộ hồ sơ nghiên cứu sinh nằm trong kho và vì 1 lý do nào đó đã không đến được với xã hội?. Thiếu chất kết dính, không thể đưa những tri thức đó lên online, biến thành những giá trị được cộng đồng tiếp nhận rộng rãi.
Ông Hòa dẫn chứng thêm, trước đây, nhiều sinh viên than rằng không có tiền để đầu tư cho các dự án, nhưng đến khi các tập đoàn, các công ty dành ra hàng trăm tỷ thì lại không có dự án nào đạt yêu cầu. Để có tiền, họ chỉ cần một ý tưởng tốt và trình bày tính khả thi của nó cho những nhà đầu tư tiềm năng, thế nhưng rất tiếc, ngay từ vòng nộp hồ sơ đã bị loại. Đây là câu chuyện về quả trứng và con gà. Nếu không có sự thay đổi về tư duy, về phương thức, chưa nói đến việc chúng ta có thể vượt các nước khác mà đến bắt kịp cũng khó.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa: Cả thế giới đang thu gọn trong chiếc smartphone |
Thực tế, theo phân tích của các chuyên gia, bên cạnh những hạn chế kể trên thì các startup Việt lại đang có những cơ hội “vàng” mà không phải quốc gia nào cũng có được. Cụ thể, trong khoảng 10-15 năm qua, sự đầu tư vào internet và công nghệ viễn thông của Viettel, VNPT, FPT đã tạo ra một môi trường công nghệ thông tin (CNTT) không thể dễ dàng hơn để làm IT.
Hiện, không một đất nước nào cho Free wifi như ở Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao khi Uber vào Myanmar thì không phát triển được, nhưng vào Việt Nam thì ngược lại. Phát triển của họ hoàn toàn dựa trên những nền tảng công nghệ mới. “Thứ đang thành công nhất sau Uber và CNTT ở Việt Nam là cá độ bóng đá. Nhờ internet, CNTT mà hàng đêm kết quả bóng đá được cập nhật đều ở khắp mọi nơi, trong đó không loại trừ những mục đích về cá độ. Dù không muốn nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng họ đang kiếm tiền nhờ smartphone. Smartphone là để kiếm tiền chứ không phải để selfie, để chơi game?”, câu hỏi này, ắt hẳn khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Có quá muộn cho các startup Việt?
“Cách đây ít lâu, ý tưởng của một bạn gái ở TP.HCM khiến chúng tôi bất ngờ là làm một hệ thống tương tự như Uber để đánh giày. Theo đó, mỗi em bé đánh giày chỉ cần phát 1 chiếc smartphone giá rẻ là có thể vào được hệ thống. Thay vì đánh 1 đôi giày 10-20 nghìn đồng thì các em có thể kiếm tới 30 nghìn đồng khi mang giày đến phục vụ tại nhà khách hàng có nhu cầu. Điều đơn giản vậy tại sao chúng ta không làm trong khi hạ tầng quá tốt. Phải chăng vì tư duy của chúng ta không tới?”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Thị trường Việt Nam vẫn đang có biên độ mở rất rộng, với gần 100 triệu dân, đặc biệt tốc độ tăng trưởng internet và điện thoại diễn ra rất nhanh chóng. Số lượng smartphone bán ra liên tục tăng nhanh từ 2012 đến nay đã là 81% với 1 tỷ thiết bị (năm 2017), kéo theo hàng ngàn tỷ giao dịch mỗi ngày. Thế giới hiện nay nằm gọn trong chiếc smartphone và kết nối. Trong thời gian tới, việc bùng nổ thông tin, kết nối internet sẽ còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đây là cơ hội lớn mà các startup Việt, nếu không nắm bắt được thì thật sự lãng phí.
“Trong 12 giờ bay, nếu đặt tâm là Hà Nội thì Việt Nam đang phủ xung quanh mình 40% dòng tiền của toàn cầu. Từ Hà Nội, chúng ta chỉ mất một khoảng thời gian vừa đủ đi về trong ngày, giải quyết các vấn đề quan trọng ở Hồng Kông, Bắc Kinh, Dubai… Tiền đang chạy quanh Việt Nam nhưng tiền không dừng lại bởi chúng ta không biết tiếp cận dòng tiền. Vấn đề mà các startup cần phải đặt ra là bạn có ý tưởng hay không, có đủ tài, đủ sản phẩm, đủ “đóng gói” để thuyết phục đối tác hay không? Chúng tôi đang vẽ ra những cơ hội vàng cho các bạn, còn việc có bắt nhịp với xu hướngtoàn cầu, có “đóng dấu” về quyền lực tri thức được hay không còn phụ thuộc vào sự tư duy của các bạn”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa trăn trở.
Thành công không khó
“Mức đầu tư và các chính sách của Chính phủ hiện nay đang mở ra sự phát triển mạnh cho CNTT ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Bài học từ các nước trên thế giới, không cần câu nệ chúng ta đang đứng ở vị trí nào, chỉ cần bám sát và áp dụng CNTT thì đã có thể rút ngắn được quãng đường dành cho các kế hoạch 5 năm lần nhất, 5 năm lần hai, 5 năm lần ba… Cơ hội dành cho các Starup thành công cũng không khó, đơn cử như bài toán giao thông, hiện đang rất cần một giải pháp. Bạn có ý tưởng khả thi, bạn trình bày tốt, ý tưởng của bạn được thực hiện, khi đó bạn thành công rồi”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ. |
Đỗ Huệ
Nguồn: nguoiduatin.vn