Trao đổi về thực tiễn và thách thức mà các nhà đầu tư (NĐT) đang đối mặt trong quá trình tham gia cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước (TVNN) trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các chuyên gia từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho rằng: Những hạn chế trong cung cấp, minh bạch thông tin; quy định về định giá doanh nghiệp (DN)… là rào cản đối với NĐT.

Việc định giá DNNN trước khi CPH là một trong những nội dung còn nhiều lo ngại

Chậm và chưa thực chất

Tại Hội thảo “Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và AmCham phối hợp tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Duy Long – Trưởng phòng Nghiệp vụ I, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) – cho biết: Hệ thống DNNN của nước ta đã và đang được đổi mới, sắp xếp, từ gần 1.500 DN năm 2010 xuống còn khoảng 600 DN năm 2016 và trong 8 tháng năm 2017, có 33 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị thực tế trên 80,6 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước gần 21 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo PGS -TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những con số trên chưa phản ánh đúng thực chất vì trong giai đoạn vừa qua, mặc dù có tới 96,5% số DNNN đã được CPH theo kế hoạch nhưng chỉ 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. “Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là tỷ lệ vốn nhà nước được phép bán rất hạn chế, may lắm cũng chỉ là 49%”- ông Thiên nhấn mạnh.

Tình trạng CPH kiểu “bình mới, rượu cũ” này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu. Điển hình, tại Diễn đàn kinh tế 2017 (tháng 12/2016), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Vũ Tiến Lộc – đã đưa ra con số, từ năm 2012 đến tháng 10/2015, số vốn nhà nước thoái ra chỉ tương đương khoảng 2% tổng giá trị sổ sách của các DNNN. Đáng lo ngại hơn là tình trạng sở hữu chéo lẫn nhau.

Mở thêm “cửa” cho nhà đầu tư

“Với tỷ lệ nắm giữ cổ phần hạn chế, các NĐT tư nhân bị loại khỏi quyền tham gia điều hành chứ chưa nói đến quyền chi phối DN. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các NĐT ít mặn mà với việc mua cổ phần tại các DNNN”- PGS-TS. Trần Đình Thiên đánh giá.

Giám đốc điều hành AmCham tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff cho rằng, phải để các NĐT thấy được sự minh bạch trong quá trình CPH và thoái vốn thông qua việc cung cấp đầy đủ thông tin trước, trong và cả sau quá trình CPH DNNN.

Ông Tony Foster – Luật sư điều hành Công ty luật Freshfields (Anh quốc) – đề xuất: Các cơ quan Chính phủ cần xem xét sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng cho phép NĐT nước ngoài nắm giữ trên 49% cổ phần trong các DN CPH hay thoái vốn.

Việc định giá DNNN trước khi CPH cũng là một trong những nội dung còn nhiều lo ngại. Ông Johnathan Ooi – chuyên gia về mua bán, sáp nhập DN Công ty PriceWaterhouse Coopers (một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) – chỉ rõ, giữa các NĐT và các DN CPH đang có sự khác biệt trong cách hiểu về định giá. Do đó, cần có một đơn vị đánh giá độc lập tiến hành việc định giá dựa trên các chuẩn mực quốc tế được chấp nhận bởi các NĐT quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Các bộ, ngành và DNNN cần thường xuyên trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của các NĐT; học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước.

Hoàng Châu

Nguồn:baocongthuong.com.vn

BÌNH LUẬN