Là nhân viên kiểm toán giỏi cho nhiều công ty lớn, nhưng cô gái 8x quyết định thử sức kinh doanh và hiện “kết duyên” với nghề viết lách

Phạm Thị Phương Mai, quê Vũng Tàu đã khiến bố mẹ rất tự hào khi tự mua cho mình chiếc xe máy đầu tiên lúc còn trên giảng đường đại học bằng tiền học bổng. Nằm trong top 30 sinh viên của Đại học Kinh tế TP HCM, Mai được nhận vào một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới có văn phòng tại Việt Nam khi chưa tốt nghiệp.

“Bước chân vào Big 4 là niềm mơ ước của sinh viên khoa Kế toán – Kiểm toán. Mình đã từng nghĩ Big 4 chính là điểm đến cuối cùng trong sự nghiệp”, Phương Mai tâm sự.

nu-kiem-toan-gioi-tro-thanh-nguoi-viet-sach

Phạm Thị Phương Mai muốn được tự do khi bỏ việc lương cao để đi khởi nghiệp.

Thế nhưng sau 2 năm làm việc với áp lực rất cao trong ngành kiểm toán, Mai bắt đầu suy nghĩ lại khi không thể thực hiện các sở thích cá nhân như hoạt động xã hội, du lịch, nhiếp ảnh, khiêu vũ, thư pháp, nấu ăn, chơi đàn… Vậy là cô quyết định xin nghỉ việc, nhằm thực hiện kế hoạch kinh doanh chỉ với ý nghĩ đơn giản sẽ được tự do hơn, muốn làm lúc nào thì làm, nghỉ lúc nào thì nghỉ. Không còn chuyện phải đến công ty từ 8h sáng đến 5h chiều hàng ngày, thậm chí 10h đêm….

Suy nghĩ đầu tiên của cô là mở quán trà sữa – một phong trào đang nổi lên lúc bấy giờ. Nhưng mẹ cô không ủng hộ vì cho rằng trà sữa không tốt cho sức khỏe. Cô lại nghĩ đến chuyện mở siêu thị mini – nhưng không có kinh nghiệm, vốn lại cao nên cuối cùng chọn xin vào làm Kiểm toán nội bộ tại một hệ thống siêu thị của Đức với mục đích… học hỏi thêm kinh nghiệm.

Sau một năm, tiếp tục chứng kiến sự phức tạp và khó khăn của ngành này, cô lại tắt ngấm ý định. Lúc này, Phương Mai lập gia đình với người bạn học thời cấp 3. Cô xin nghỉ việc để kết hôn, chuyển về sinh sống ở thành phố Vũng Tàu và muốn khởi nghiệp lại.

Thế nhưng, bố mẹ 2 bên muốn cô có công việc ổn định và không ủng hộ việc kinh doanh, nên Mai lại phải xin vào làm việc ở Ban quản lý Dự án đóng mới giàn khoan (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí) với vị trí Chuyên viên kế hoạch – hợp đồng.  Khi làm việc ở đây, Phương Mai vẫn không thôi nung nấu ý định khởi nghiệp nhưng loay hoay không biết bắt đầu từ đâu.

Cô tự nhủ, không ai thành công mà chưa từng thất bại, nên quyết định thử sức lần lượt ở 3 lĩnh vực: sản xuất, thương mại và dịch vụ, song song với việc đi làm công. Cô chọn mặt hàng khăn để thử sản xuất vì nghĩ mặt hàng này đơn giản, ít vốn, ít rủi ro. Nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Kiếm được một ít lợi nhuận, Mai quyết định dừng lại.

Sau đó, cô gái trẻ tiếp tục lĩnh vực thương mại bằng cách mở shop quà tặng. Lúc đầu cô lấy hàng từ các nhà cung cấp trong nước. Thấy công việc thuận lợi, cô sang tận Trung Quốc để tìm nguồn hàng và vận chuyển về Việt Nam. 6 tháng sau, cô mở cửa hàng thứ 2.

Lúc này Phương Mai bắt đầu tham gia các khóa học marketing để phát triển việc kinh doanh của mình. Một trong những điều mà cô nhớ nhất là “nếu sản phẩm không tốt thì đừng marketing”.

Cô nhìn lại các sản phẩm của mình, mặc dù khách hàng rất thích nhưng đúng là có những sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng (ví dụ: quả cầu ma thuật khi bể có thể gây giật điện, mực thần kỳ có thể chứa hóa chất gây hại…). Cô cũng nhận ra những điểm bất lợi của kinh doanh truyền thống so với kinh doanh online mà chính bản thân cô đang gặp phải. Do đó, mặc dù lợi nhuận cao nhưng Mai vẫn quyết định đóng 2 cửa hàng trước sự ngạc nhiên của nhiều người.

Sau đó, cô xin nghỉ việc ở công ty dầu khí mặc cho người thân và bạn bè khuyên can chỉ vì lý do “nếu không thể là một nhân viên tốt thì nên dành lại công việc này cho ai đó đam mê nó hơn”.

Cũng trong giai đoạn này, Mai lại gặp khó khăn trong cuộc sống hôn nhân khi hai vợ chồng ly hôn. Cô quyết định sang New Zealand sống và khởi nghiệp lại. Muốn sản phẩm mình tạo ra mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, thế là ý tưởng về một cuốn sách bắt đầu nhen nhóm. Năm 2016, cuốn sách có tên “Bí mật quyến rũ” do cô là tác giả được Hội Nhà văn Việt Nam cấp giấy phép xuất bản 2.000 cuốn.

Mai từng nghe một diễn giả nối tiếng nói: “Việt Nam là một trong những nơi hiếm hoi định giá một cuốn sách dựa trên số trang giấy”, và sách của cô cũng bị định giá rất rẻ – 30.000 đồng mỗi cuốn…

Phương Mai nghĩ rằng chính điều này đã làm nhụt chí rất nhiều cây bút tài năng. Họ muốn được cống hiến, sống với đam mê, nhưng đành phải làm các nghề khác vì áp lực “cơm áo gạo tiền”. Việc viết lách chỉ còn là sở thích trong lúc rảnh rỗi. Và hơn ai hết, cô muốn thay đổi điều này. Sau khi được cấp phép xuất bản, Mai đã “táo bạo” định giá lại sản phẩm trí tuệ của mình là 197.000 đồng mỗi cuốn.

Ngoài việc xin giấy phép xuất bản, Mai tự mình lên kế hoạch mọi thứ để cuốn sách có thể đến được với nhiều độc giả đang cần. Cuốn sách của cô chia sẻ tất cả những quan niệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình; cách để người phụ nữ Việt có được hạnh phúc vì họ xứng đáng…

Theo Mai, viết được sách đã khó, tìm nhà xuất bản để được cấp phép xuất bản lại càng khó hơn. Cô gửi bản thảo và tiêu đề nguyên bản của sách – Sự thật trần trụi về tình yêu, nhưng tất cả đều từ chối vì chữ “trần trụi” không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Không bỏ cuộc, Mai nghĩ ra cách chỉnh sửa lại tiêu đề sách sao cho truyền đạt được nội dung đúng nhất mình mong muốn, cuối cùng cũng được Hội Nhà văn đồng ý cấp phép.

Cô rất tự hào vì đây là cuốn sách đầu tiên có chính sách hoàn tiền cho độc giả nếu không hài lòng về nội dung. “Nếu độc giả không hài lòng, mình cũng không vui vẻ để giữ tiền của họ, do đó nếu độc giả không thích nội dung cuốn sách, chỉ cần gửi lại trong vòng 30 ngày, tôi sẽ hoàn tiền lại 100%”, Mai chia sẻ.

Có lẽ, nhờ cách bán hàng khá đặc biệt ấy, cộng với nội dung sách hấp dẫn mà Mai đã bán ra được hơn chục nghìn cuốn (trung bình mỗi tháng 3.000 cuốn). Nữ tác giả tâm sự “có thể với các tác giả nổi tiếng, con số này không là gì, nhưng với cô là cả một sự thành công lớn”.

Cô gái sinh năm 1985 đúc kết, khởi nghiệp ở bất kỳ ngành nghề gì cũng vậy, cần cái tâm, sự nhiệt huyết và lòng kiên trì đi đến cuối cùng để nhìn thành quả mình gặt hái được. Và cô luôn tâm niệm như thế trên hành trình tìm kiếm đam mê khởi nghiệp đầy thăng trầm của bản thân.

Hạnh Nguyễn

Nguồn: vnexpress.net

BÌNH LUẬN