“Sự thật là chúng ta nợ anh ấy – cũng như tất cả những ai đã từng phải tự kết liễu đời mình – một bài báo tử tế, thấu đáo hơn”.

Bài học cho báo chí sau cái chết của thủ lĩnh Linkin Park: Không có lượng view nào đủ để đổi lấy tính mạng con người

LA Times mới đây đã đăng tải một bài góc nhìn của nhà báo Melissa Warnke về sự thiếu trách nhiệm của báo chí khi đưa tin về cái chết của ca sĩLinkin Park – Chester Bennington. Dưới đây là nội dung bài viết.

Trước đây, có một người thân trong gia đình tôi từng tự vẫn, nhưng cha mẹ tôi không nói cho tôi biết ông ấy đã tự vẫn bằng cách nào. Họ muốn tôi nhớ đến hình ảnh của ông khi còn sống, như thế cũng tốt hơn cho cả tôi và ông.

Bấy giờ tôi không hiểu tại sao cha mẹ lại không nói cho tôi biết, nhưng giờ tôi nhận ra đó là một quyết định cho thấy họ thực sự quan tâm đến tôi. Và sau khi đọc cái cách mà truyền thông đưa tin về cái chết của Chester Bennington, tôi càng biết ơn sự suy nghĩ thấu đáo của cha mẹ tôi.

Tự vẫn là một vấn đề khó nói đối với nhiều người, và do đó truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách nhận thức của công chúng về người đã tự lấy đi sinh mạng của mình.

Nhưng thật đáng buồn, đa phần truyền thông khi đưa tin về cái chết của Bennington đã không nhìn nhận nghiêm túc trách nhiệm của họ. Họ đưa tin một cách cẩu thả và nhẫn tâm.

Có rất nhiều bản hướng dẫn đưa tin về một vụ tự sát, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong đó, có 3 yếu tố tối quan trọng:

– Không được viết “commit suicide”, mà phải dùng “die by suicide”: trong tiếng Anh, động từ “commit” thường được dùng trong cụm “commit a crime” (phạm tội). Nhưng tự vẫn đâu phải là một tội danh, do đó không nên dùng từ “commit”.

– Không được mô tả chi tiết cách thức tự vẫn: Việc mô tả chi tiết sẽ dẫn đến gia tăng số người tự vẫn, và gây tổn thương sâu sắc về tinh thần cho những ai có người thân đã tự vẫn.

– Luôn cung cấp thông tin khuyên nhủ không tự vẫn: Dù là báo mạng hay báo in, người viết nên dành ra một dòng để nhắn nhủ những người đọc đang nghĩ đến chuyện tự vẫn hoặc biết ai đó đang có suy nghĩ này, và cung cấp cho họ những nguồn tư vấn cần thiết.

Đưa tin về cái chết của Bennington, chỉ có E!News, BBC, và Rolling Stone dùng những từ ngữ phù hợp, trong khi Billboard, Complex, hay TMZ (nguồn đầu tiên đưa tin) đều dùng “committed suicide”, không những vậy còn nói Bennington đã “treo cổ” ngay trên tiêu đề, và mô tả chi tiết về cách Bennington đã tự kết liễu đời mình trong bài viết.

Chris Cornell, ca sĩ của nhóm Soundgarden và cũng một người bạn của Bennington, đã tự vẫn hồi tháng 5, và khi đó truyền thông cũng đưa tin một cách hết sức thiếu cân nhắc.

Vậy tại sao truyền thông lại đưa tin về các vụ tự vẫn một cách vô cảm và thậm chí nguy hiểm đến vậy?

Nguyên nhân thứ nhất có thể kể đến cách giáo dục, bởi cách đưa tin về tự vẫn rất ít khi được hướng dẫn tại các trường báo chí hay tòa soạn. Chỉ đến năm 2015, Associated Press (AP) mới cập nhật vào bản hướng dẫn (style guide) của họ những cách thức đưa tin về tự vẫn thể hiện suy nghĩ thấu đáo hơn.

Nguyên nhân thứ hai, nguyên nhân khó tha thứ hơn, là việc các phóng viên và quản lý mạng xã hội chỉ muốn theo đuổi mục đích “câu view”.

Con người ai cũng tò mò, và chúng ta đều cho rằng việc được tiếp cận với các thông tin về đời tư hay cái chết của những người nổi tiếng là đương nhiên. Nhưng không có lượng view nào đủ để đổi lấy tính mạng của một người đang có suy nghĩ tự vẫn quyết định chọn con đường này sau khi đọc một bài báo.

Các phóng viên thường hay áp đặt những cách lý giải đơn giản cho những cuộc đời phức tạp. Như trong việc Bennington và Cornell tự vẫn, truyền thông đã lập tức kết nối cái chết của hai ngôi sao này với những sự kiện nhất định trong cuộc đời họ.

Nhưng các chuyên gia nghiên cứu về tự vẫn cảnh báo rằng, việc một cá nhân đi đến quyết định tự kết liễu đời mình không bao giờ xuất phát từ một yếu tố duy nhất, mà là một tập hợp các yếu tố phức tạp. Do đó, thay vì tự “phán” lý do, các phóng viên nên dành công việc này cho những người có chuyên môn.

Một vài phóng viên cho rằng việc thông tin chi tiết về tự vẫn nhằm phục vụ nhu cầu công chúng, và rằng nhiệm vụ của báo chí là phản ánh sự thật chứ không phải che giấu sự thật.

Nhưng tôi cho rằng không phải thông tin nào đưa ra cũng phục vụ việc “phản ánh sự thật”, chúng ta luôn loại bỏ một số thông tin trong mọi tin bài đăng hàng ngày nếu thấy chúng không cần thiết.

Trong trường hợp này, thông tin quan trọng nhất là một ca sĩ đáng mến đã ra đi. Và sự thật là chúng ta nợ anh ấy – cũng như tất cả những ai đã từng phải tự kết liễu đời mình – một bài báo tử tế, thấu đáo hơn.

Trí thức trẻ

BÌNH LUẬN