Tình trạng thiếu nhà để bán đã khiến những người muốn mua nhà tại Mỹ điêu đứng trong những năm gần đây, vậy tại sao các công ty không xây thêm nhiều nhà hơn nữa? Một vấn đề tại đây là họ đã hết quỹ đất để xây dựng, ít nhất là tại những địa điểm mà nhiều người muốn sinh sống.

Sau khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, các thành phố vùng biên vốn được hưởng lợi nhờ bùng nổ kinh tế trước đó quay trở lại tình trạng uể oải ban đầu.

Thực tế này khiến các nhà phát triển bất động sản hướng sự chú ý tới các thành phố trung tâm, nơi có các tòa nhà cao ốc chen chúc với mật độ xây dựng dày đặc. Tại đây, các dự án xây mới yêu cầu mức đầu tư rất lớn và vì vậy, giá nhà tại khu vực này ngày càng có xu hướng đi lên.

Issi Romem, nhà kinh tế trưởng tại BuildZoom cho biết, các ngôi nhà, căn hộ trống tại khu vực đô thị đang dần cạn kiệt.

ảnh 1
“Nếu bạn chỉ còn khẩu phần ăn trong 3 ngày, bạn sẽ ổn trong thời gian đó. Nhưng tới ngày thứ tư, vấn đề của bạn sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tình trạng tương tự đang xảy ra với những người có mong muốn sở hữu nhà tại các thành phố của nước Mỹ”, Romem cho biết.

Trong lịch sử, quá trình phát triển của các thành phố là từ trong ra ngoài. Tức là, từ một khu vực trung tâm, các nhà phát triển bất động sản theo bước chân mở rộng của khu vực đô thị để tạo nên các công trình nhà ở ở phạm vi ngày càng mở rộng. Do đó, khi các thành phố phía Nam và Tây Nam nước Mỹ hết quỹ đất để xây dựng, doanh nghiệp bất động sản sẽ tìm tới các vị trí xa hơn để tiến hành công việc kinh doanh của mình.

Tại các thành phố như Austin và Nashville, xu hướng xây dựng các tòa nhà thường theo vòng sóng lan tỏa ngày càng rộng hơn. Đây là lý do trong giai đoạn 2000 – 2015, doanh số bán nhà mới tại khu vực có bán kính 30 dặm kể từ trung tâm thành phố đi xuống, trong khi khu vực ngoài phạm vi này tăng hơn 50%.

ảnh 2
Xu hướng này cũng đóng vai trò chủ đạo nhưng có mức độ khác nhau tại các thành phố như Phoenix, Atlanta và San Antonia.

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều thành phố đang chứng kiến thực tế trái ngược, khi xu hướng xây dựng lại chỉ tập trung ở các khu vực trung tâm, thị trấn. Tại những thành phố đắt đỏ bậc nhất nước Mỹ, động lực tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản không phải từ trong ra ngoài mà từ ngoài vào trong. Các công trình xây dựng mới tại các thành phố như New York thường tập trung vào một khu vực trung tâm chật hẹp, nơi giới chức buộc phải cho phép mật độ xây dựng rất dày đặc.

Các thành phố này đã ngừng mở rộng theo truyền thống địa lý từ cách đây cả thập kỷ, khiến các nhà phát triển bất động sản chỉ tập trung tìm được một chỗ trống khả dĩ nơi trung tâm, với các giới hạn cũ và không vươn ra ngoài phạm vi này nữa.

ảnh 3
Trong bối cảnh này, các khu đất trống hoặc có thể cải tạo ngày càng hiếm hoi, giá đất tăng lên, nhà phát triển bất động sản ít cơ hội thu về lợi nhuận tốt hơn.
Theo Romem, doanh nghiệp bất động sản có 2 sự lựa chọn, cố gắng chêm thêm dự án vào các khu vực chật chội hoặc chỉ tập trung vào phân khúc căn hộ hạng sang, với kỳ vọng biên lợi nhuận tốt hơn.
Trong trường hợp này, chỉ những cư dân giàu có mới đủ khả năng mua nhà mới và rồi vòng tròn khắc nghiệt với những người dân muốn mua nhà tại các thành phố đông đúc của nước Mỹ lại quay đều với sức nặng ngày càng lớn hơn.

Hiện tại, một số thành phố của nước Mỹ như New York và San Francisco đang diễn ra tình trạng nguồn cung căn hộ hạng sang dư thừa, buộc các nhà phát triển bất động sản phải hạ giá xuống. Tuy nhiên, mức giá này vẫn không phù hợp với túi tiền của số đông và đa phần doanh nghiệp bất động sản sẽ chuyển hướng sang cho thuê với mức giá cao hơn phân khúc trung bình.

Romem cho biết, những gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào cử tri và những quan chức mà họ bỏ phiếu trong việc thay đổi các quy định về mật độ xây dựng, đặc biệt tại khu vực trung tâm, cũng như hạn chế số nhà ở cá nhân hiện tại.

Còn với các quy định hiện hành, những dự án nhà ở mới với mức giá hợp lý ít khả năng được thúc đẩy, khiến các thành phố đắt đỏ ngày càng trở nên đắt đỏ, nơi chỉ những người giàu mới có thể sinh sống.

Theo Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

BÌNH LUẬN