“Tại rất nhiều hội chợ triển lãm quốc tế, những gian hàng trưng bày thực phẩm của Trung Quốc gần đây rất vắng khách. Rõ ràng những vấn đề về thực phẩm độc hại, thực phẩm bẩn từ Trung Quốc đối với thế giới đã ảnh hưởng đến thương hiệu, làm giảm danh tiếng của họ. Thực phẩm Việt cũng nên lấy đây làm bài học”.
Đây là chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hội thảo Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản xuất khẩu Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng 23-5.
Bài học lớn: Nước mắm “cầm tay” của Tây
Theo bà Hạnh, 20 năm qua, Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao đã kiên trì hỗ trợ DN để họ quan tâm hơn tới việc tuân thủ tiêu chuẩn, qui chuẩn VN và quốc tế, chú trọng thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế để đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn ổn định.
Tôm xuất khẩu là mặt hàng thủy sản có kim ngạch cao của Việt Nam (ảnh minh hoạ)
Bà Hạnh cho biết: Chúng ta phải thừa nhận thực tế, hiện có rất ít tên, thương hiệu nông sản, thực phẩm đóng gói từ Việt Nam, của DN Việt xuất hiện trong các siêu thị loại 1, loại 2 của Mỹ, EU, ngoại trừ các siêu thị chuyên dành cho người Việt. Tuy nhiên, hiện khá nhiều nông sản Việt được các DN nước ngoài đặt hàng, mua lại khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình cam kết, để đóng bao bì, nhãn mác và thương hiệu của Thái Lan, Nhật Bản.
“Nông sản, thực phẩm Việt Nam rất được nhiều nước thích, thị trường rất tốt nhưng do chúng ta thiếu 2 vấn đề cốt tử là: tuân thủ chất lượng và xây dựng thương hiệu. Thay vì tìm hiểu thị hiếu thị trường, người tiêu dùng, luật và quy định của các nước nhập khẩu, chúng ta có gì sản xuất, nuôi trồng chế biến lấy. Điều đó khiến hàng Việt lệch pha so với nhu cầu. Ví dụ nước mắm Việt Nam rất được ưa chuộng nhưng nước ngoài không mua chai mắm to như người Việt, họ chỉ mua chai nhỏ dùng trong ngày, bữa ăn. Vì vậy, ta cũng phải nghiên cứu làm sao để có bao bì, chai đóng gói phù hợp với kiểu nước mắm cầm tay của họ”, đại diện Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao nói.
Trên thực tế, theo bà Hạnh, các DN, cơ sở sản xuất nông sản Việt Nam thời gian qua mới chỉ quan tâm đến tiêu chuẩn Việt Nam, rất ít DN đáp ứng và coi Chứng nhận sạch toàn cầu Global Gap để làm tiêu chí xuất khẩu ra các thị trường quốc tế. Hiện EU và Mỹ đều có những luật vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn so với tiêu chuẩn của Global Gap, chính vì vậy việc không tuân thủ theo các quy chuẩn quốc tế, hàng nông sản, thực phẩm Việt rất khó có thể vào các thị trường cực kỳ tiềm năng là Mỹ, EU
Nông sản Việt ngày càng khó ở thị trường Mỹ
Trên thực tế, theo các chuyên gia của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Việt Nam, mặc dù những cảnh báo về dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ít hơn nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, gần đây nhiều cảnh báo của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan kiểm dịch thực phẩm Mỹ vẫn nêu hàng Việt Nam có nhiều nguy hại về sinh vật. Điều đó có nghĩa hàng Việt bảo quản không tốt, xử lý tiệt trùng không tốt dễ nảy sinh dịch bệnh cây trồng.
Từ năm 2016, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) đã ban bố nhiều quy định mới của Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm năm 2011 (đã được hoàn tất năm 2016), trong đó có nhiều điều khoản rất khắt khe đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Cánh cửa đối với hàng nông sản nhập khẩu từ các nước có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân sẽ bị giám sát, trả về, xử phạt rất mạnh.
Đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Tốc độ cải thiện về các chỉ số cảnh báo của hàng Việt tại Mỹ rất chậm. Nhiều cảnh báo của cơ quan kiểm dịch của Mỹ từ năm 2009, nhưng đến nay họ vẫn còn nhắc lại, còn treo tại website. Điều này khiến việc quảng bá, giới thiệu nông sản, thực phẩm Việt vào Mỹ khá khó khăn dù thị trường Mỹ rất mở cửa cho nông sản, thực phẩm Việt.
Bên cạnh đó, vị đại diện này cho hay: “Các tiêu chí Global Gap, DN đáp ứng đã khó khăn rồi, hiện Mỹ mới thông qua một bộ Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm hoàn toàn mới, với rất nhiều tiêu chí về: bao bì, đóng gói, truy suất, kiểm dịch, lấy mẫu, giám định liên tục, ngặt nghèo… đối với hàng nhập từ thị trường bị cảnh báo. Điều này khiến cánh cửa hàng Việt sang Mỹ ngày càng eo hẹp, khắt khe”.
Thực tế, theo bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia về chuỗi cung ứng và an toàn thực phẩm thế giới: Đối với thị trường châu Âu, đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo an toàn thực phẩm và phải được thực hiện theo chuỗi “từ trang trại tới bàn ăn”. Do đó, đòi hỏi người bán hàng phải tích cực hơn trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, họ còn quan tâm đến trách nhiệm của người sản xuất.
Bà Thanh nói: Nếu nông sản, thực phẩm Việt vẫn chỉ coi Trung Quốc là thị trường lớn, dễ khai thác. Chỉ cung ứng tại thị trường trong nước thì rất khó có thể cải thiện được chất lượng và hình ảnh thương hiệu nông sản thô, xuất khẩu dưới dạng bán tài nguyên, thậm chí dưới tên thương hiệu của các nước khác, như trường hợp của cà phê, chè chẳng hạn.