Cũng như ở trên họ đã nói, trong đời mỗi người đều có 3 lần kết hôn, hoặc 3 lần yêu được khác biệt, với chỉ cùng một người: cuộc hôn nhân của những kẻ tiệc tùng hoang dại tuổi 20, những kẻ mong có con tuổi 30 và hai ông bà già mua nhà tuổi 40.

Vài năm trước đây, thật lạ kỳ là tất cả những ai quen biết với tôi đều đang trên bờ vực của sự đổ vỡ ly hôn.

“Anh ta không còn là người đàn ông tôi đã cưới nữa”, một người bạn nói với tôi.

“Cô ấy không thay đổi, tôi mới là người thay đổi”, một người nữa nói.

Và tiếp theo đó, một câu kinh điển, phù hợp với mọi cốt truyện hay tình huống đời thường: “Chúng tôi dần trở nên xa lạ”.

Sự chai sạn về cảm xúc, hay những xung đột về mặt tâm lý, thân thể là những lý do rõ ràng nhất dẫn đến sự đổ vỡ của mọi cuộc hôn nhân, nhưng không phải là lý do quen thuộc, ít nhất là với những trường hợp mà tôi từng biết. Vậy kẻ thủ ác điển hình là gì?

Sự thay đổi.

Cảm giác nhàm chán vì thiếu sự thay đổi, hay choáng ngợp vì thay đổi qua nhiều, đúng là chuyện xưa xửa xừa xưa mà đến bây giờ vẫn chẳng trở nên cũ kỹ. Ở một giai đoạn nào đó của mối quan hệ dài hạn, mỗi người trong đó lại có xu hướng phát triển, biến hoá từ con người làm ta say đắm, trở thành một cá thể mới mẻ hoàn toàn – và tất nhiên, thường không theo chiều hướng đáng yêu hơn, thông minh hơn, sôi động hơn.

Nó sẽ bi kịch lắm, kiểu như từ một gã tiệc tùng ham vui trở thành ông lợn ngủ đông cả thập kỷ, hay một cô gái nổi loạn cá tính biến hình thành mẹ bỉm sữa khó tính hay cằn nhằn, hoặc một vận động viên đẹp trai phóng khoáng trở thành gã làm vườn hói đầu có sở thích kỳ quặc là dán mắt vào màn hình TV 24/7, mặc kệ vợ mình mốc meo mà chả thèm đoái hoài tới.

Trong đời mỗi người đều có 3 lần kết hôn, với cùng chỉ một người... - Ảnh 1.

(Ảnh: New York Times)

Có những người cảm thấy bản thân bị phản bội trước sự thay đổi này. Họ dâng hiến trái tim cho một con người, để rồi khi con người ấy không còn thân thuộc như trước đây, họ cho rằng người ta đã bội phản lời thề hôn nhân, thay đổi thành một giống loài yêu quái nào đó không còn thuộc hệ sinh quyển ngôi nhà này.

Thế là tôi bắt đầu phân vân, có khi nào cái vấn đề ở đây không phải là do người kia đã thay đổi, mà là vì chúng ta quá ám ảnh với khái niệm “kết thúc một thời kỳ” của hai người.

“Con người đang có xu hướng cả nghĩ rằng bản thân họ đã thực sự kết thúc”, giáo sư đại học Harvard Daniel Gilbert đã phát biểu như vậy trong một buổi thuyết trình TED năm 2014 có tên gọi “Tâm lý về bản thân bạn trong thì tương lai”.

Ông cùng các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu trong năm 2013 với đối tượng tuổi từ 18 đến 68 và rút ra kết luận: các đối tượng ấy đã thay đổi rất nhiều so với mong đợi của họ qua một thập kỷ.

Trong năm 2015, tôi cũng cho ra mắt cuốn sách về nơi mà tôi sinh sống, con đường St. Marks Place nằm tại phía đông Manhattan. Trong nghiên cứu của tôi, tôi lắng nghe từng người quả quyết rằng con đường này giờ chỉ còn là bóng ma của một nơi chốn cũ, bởi tất cả những cửa hàng, doanh nghiệp phát triển đều đã đóng cửa, còn những người tốt thì rời đi hết mất rồi. Thực ra điều này cũng đúng, mặc cho người ta tranh cãi với nhau xem doanh nghiệp nào là phát triển còn người nào mới là người tốt.

Tôi có thể đổ lỗi cho sự hoài niệm. Đây chính là cái đã và đang ngăn chúng ta tiếp nhận sự thay đổi, và nó là bản năng tự nhiên của con người. Nhưng muốn được hạnh phúc mãi mãi với một người, hay một con phố nào đó, bạn cần tìm ra cách để hài lòng với từng phiên bản theo thời gian của con người kia, hay cái khu vực ấy.

Bởi vì tính của tôi là thích sửa chữa những thứ hư hỏng một cách nhanh chóng, tạm bợ, tôi thường xuyên được nhận một lời khuyên từ mọi người: “Đừng có làm gì hết, làm ơn đứng yên đó dùm”.

Có lẽ cách tốt nhất để đối phó với sự thay đổi quá lớn, hay khi có quá ít sự thay đổi, là mặc kệ nó đi. Kể cả chúng ta có muốn, hay không muốn người khác đổi khác, thời gian cũng sẽ bằng cách nào đó bơm vá cho người ta biến hình dần dần trước khi bạn kịp nhận ra thôi.

Vậy đấy, nếu bạn thực sự không đủ tự tin để có thể thích ứng với sự thay đổi của đối phương, hay những thứ xung quanh bạn, hoặc bạn không đủ bao dung để tiếp nhận một “con người mới hoàn toàn chẳng giống kẻ trước đây bạn từng yêu”, thì cách tốt nhất là hãy bơ nó đi.

Trong đời mỗi người đều có 3 lần kết hôn, với cùng chỉ một người... - Ảnh 2.

(Ảnh: New York Times)

Mà bơ ở đây là gì?

Là rời bỏ nó đi. Đừng làm gì cả. Không gào thét, không khóc lóc, không thút thít hay bất cứ cảm xúc tiêu cực nào. Kệ nó, và bạn sẽ ổn vì bạn mãi cứ ở yên với con người không thay đổi của mình.

Cách đây một năm rưỡi, tôi và Neal – chồng tôi, mua một căn nhà ở khu vực miền quê. Chúng tôi chưa từng nhảy vào thị trường bất động sản để mua nhà, nhưng căn hộ ở thành phố của cả hai chỉ gói gọn trong 46m2, trong khi hai vợ chồng rất thích căn nhà màu xanh đáng yêu của bố mẹ mỗi khi đến thăm ông bà.

Thế đấy, giờ chúng tôi có một căn nhà nè. Chúng tôi lúi húi đi sắm đồ nội thất, đặt khung ảnh, căng lưới cầu lông. Chúng tôi giật mình trước sự thay đổi của chính mình. Đâu ra cái cặp đôi thích BBQ sân vườn, trả thuế bất động sản mỗi năm và thể dục thể thao tại gia thế này?

Ngày chúng tôi gặp nhau ở độ tuổi đôi mươi, Neal không phải là gã đàn ông thích lọ mọ cắt tỉa đống cây cỏ, còn tôi là loại đàn bà chưa một lần thấy kiểu đàn ông gia đình ấy có chút hấp dẫn nào. Thế mà giờ đây, hai vợ chồng này mỗi ngày lại ra làm đầy cái máng thức ăn và điểm danh lũ chim sau vườn.

Neal, người đàn ông chưa từng đụng tay đóng một cái đinh trong suốt thời gian mà tôi quen biết, nay lại có hứng thú với đống giá sách, màn cửa, lại còn có đam mê khó ngờ với cửa hàng bán dụng cụ. Anh ta huýt sáo mỗi khi bận bịu làm cái gì đấy. Anh ta là một sinh vật xa lạ đối với Neal tôi từng biết. Nhưng ở trường hợp này, tôi cũng là một sinh vật xa lạ chả kém gì, một kẻ trồng rau tại gia, biết cách dùng nồi áp suất, có chứng chỉ sơ cứu hồi sức và đi tình nguyện ở một trại hè địa phương. Hai sinh vật xa lạ này tương hợp với nhau một cách lạ kỳ.

Có kha khá các cặp vợ chồng lâu năm mà tôi biết đến đều nói chính xác một câu thế này: “Tôi từng có ít nhất 3 cuộc hôn nhân trong đời, và đều cùng chung với một người duy nhất”. Đối chiếu ra, tôi và Neal cũng đã trải qua 3 cuộc hôn nhân rồi: cuộc hôn nhân của những kẻ tiệc tùng hoang dại tuổi 20, những kẻ mong có con tuổi 30 và hai ông bà già mua nhà tuổi 40.

Con người thì vẫn luôn là giống loài theo đổi chóng mặt qua thời gian, mặc cho người ta có thừa nhận hay không. Cũng như ở trên họ đã nói, trong đời mỗi người đều có 3 lần kết hôn, hoặc 3 lần yêu được khác biệt, với chỉ cùng một người.

Trong đời mỗi người đều có 3 lần kết hôn, với cùng chỉ một người... - Ảnh 3.

Nói sơ qua về cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi nhé. Nick và tôi quen nhau lúc đi học Đại học và hẹn hò vài tháng trước khi bỏ học, cùng nhau rong ruổi khắp nước Mỹ. Vài năm sau đó, tôi và anh cùng nhau quay cuồng trong hàng chuỗi những công việc lương thấp để mưu sinh. Trong một số cuộc trò chuyện hiếm hoi giữa hai đứa, Nick nói rằng anh vẫn chưa sẵn sàng để ổn định, bởi có một ngày, anh ta nói rằng anh thực sự thích đi lang thang và “gieo hạt giống” khắp nơi anh ta đặt chân đến. Tôi cảm thấy ý tưởng này của anh ta thật buồn cười và nông cạn làm sao.

Khi tôi chia sẻ câu chuyện này với Neal, anh lại nói rằng: “Có lẽ em cảm thấy nó trẻ con, buồn cười bởi em đã từng trải qua việc đó rồi.”

Cũng đúng, trong khoảng từ năm 16-19 tuổi, tôi từng có rất nhiều bạn trai. Nhưng với Nick, bỗng dưng tôi trở thành một cô gái thích cảm giác hạnh phúc gia đình. Chúng tôi nuôi mèo nữa đấy. Bản thân tôi thay đổi, thay đổi theo cái kiểu rất hài lòng khi ở bên chỉ-1-người-duy-nhất mà thôi. Tôi thay đổi, và tôi cũng mong người tôi yêu thay đổi. Rõ ràng là tôi không muốn anh ta biến thành cái gã thích đi rải giống lung tung rồi.

Khi chúng tôi kết hôn tại toà án, chỉ để Nick có được thẻ xanh vì anh là người Canada, tôi chẳng thấy có gì khác lạ vài ngày sau đó cả. Chúng tôi vẫn cứ say ngủ trong mối quan hệ giữa hai đứa cùng lũ mèo, như chúng tôi đã từng trước đó.

Chúng tôi chia sẻ với bạn bè rằng cuộc hôn nhân ấy cũng chả là gì to tát cả, chỉ là một thủ tục để hợp thức hoá chuyện bên nhau và khiến cho chính phủ không có lý do nào để chia cắt hai đứa. Nhưng để nhìn sâu vào đấy, thì tôi không thấy cái sự khác biệt giữa cuộc hôn nhân của chúng tôi với chuyện hai đứa ở chung với nhau.

Trong đời mỗi người đều có 3 lần kết hôn, với cùng chỉ một người... - Ảnh 4.

(Ảnh: New York Times)

Mấy tháng sau đó, dần tôi trở nên trầm cảm. Tôi hiểu rằng chính Nick và cuộc hôn nhân giả tạo chính là một phần của vấn đề. Sau 3 năm sống trong cảm giác là một người sẵn sàng cam kết, tôi hết chịu nổi và kêu Nick chuyển đi. Khi anh ta rời khỏi nhà, tôi thấy buồn, nhưng cũng thấy khá háo hức với khái niệm hẹn hò lại lần nữa. Dăm ba năm sau, tôi gặp được Neal.

Gần đây tôi có hỏi lại Nick xem liệu chúng tôi có thể trò chuyện lại, cả hai đã nghỉ chơi nhau được nguyên một thập kỷ rồi. Giờ đây Nick sống tại London, thế nên chỉ có cách là nói chuyện qua Skype. Tôi thấy anh ta vẫn giống hệt như cái thời 22 tuổi ấy, có điều là râu dài hơn nhiều. Chúng tôi trò chuyện khá thoải mái. Cuối cùng tôi hỏi anh, liệu cuộc hôn nhân của chúng tôi có được tính là một câu chuyện?

“Có. Anh nghĩ là nó vẫn được tính”, Nick trả lời.

Chúng tôi thực sự đã kết hôn, chỉ có điều là không êm đẹp. Cuộc hôn nhân ấy chả có ý nghĩa gì nhiều với cả hai đứa, thế nên khi mọi chuyện trở nên khó khăn thì chúng tôi tan vỡ. Tôi quá trẻ con để dự liệu được mình sẽ va vấp những gì. Tôi từng nghĩ rằng điều quan trọng nhất là hai đứa yêu nhau mà tôi. Khi cảm giác lãng mạn trong tôi rời bỏ, tôi cũng theo nó mở cửa chạy đi. Chẳng khác gì những cuộc chia tay bình thường, chỉ có điều là thêm lắm thủ tục giấy tờ để hợp pháp hoá việc đường ai nấy bước.

Giờ đây Nick đang làm việc tại một trung tâm nghệ thuật Châu Âu, chẳng cưới ai cả. Tôi chưa bao giờ tiên đoán được về cuộc sống của anh, hay đơn giản là bộ râu kia đã nhảy bổ lên mặt anh từ lúc nào. Tôi không hối tiếc về sự chia lìa giữa hai đứa, nhưng nếu bây giờ chúng tôi vẫn còn là vợ chồng, chắc tôi cũng thích Nick của bây giờ.

Ở thời điểm hiện tại, tóc tôi vàng và dài. Khi tôi và Neal quen nhau, nó được nhuộm đen, ngắn tới cằm. Nếu đi nhuộm tẩy, tôi thường làm màu cam, bởi tôi chả biết nên nhuộm gì cả. Tôi giờ nặng hơn 70kg. Lúc ra viện sau khi điều trị viêm ruột thừa tôi nặng cỡ 63kg. Lúc tôi mang bầu, đói trên từng giây phút, tôi nặng 95kg. Tôi từng trải qua đủ size quần áo, từ XS đến XXL. Tôi từng là một đứa con gái tiệc tùng, và cũng là một bà nội trợ. Tôi từng không xu dính túi, và cũng đã từng giàu như triệu phú. Từng tuyệt vọng chán chường và cũng đã hạnh phúc trào dâng. Nhiều năm trôi qua, tôi rõ ràng là tổ hợp của mọi thứ trên đời, lên voi xuống chó, hôm trước là bà hôm sau đã là con ở.

Trong đời mỗi người đều có 3 lần kết hôn, với cùng chỉ một người... - Ảnh 5.

Một ngày nọ ở căn nhà ngoại ô đó, tôi và Neal nghe thấy tiếng sóc chuột nheo nhéo đâu đây. Hoá ra cu cậu chui vào nhà và nấp dưới ghế sofa. Cứ vài phút, con tiểu yêu ấy lại ré lên một hồi kinh hãi, đều đặn theo chu kỳ như kim đồng hồ quay. Tôi đã cố gắng xua nó ra ngoài bằng cái chổi, nhưng cái giống loài khôn lỏi ấy cứ nhảy tưng tưng rồi vọt qua chân tôi lúc nào không biết, quay về cố thủ ở cái ghế sofa.

“Cái con vật ngớ ngẩn”, tôi bực dọc mắng nhiếc nó.

“Để đấy cho anh”, Neal bước đến, hiên ngang như một vị thần, tay cầm cái bát nhựa rồi thì thầm với tôi: “Em lùa nó ra nhé”.

Trận chiến lại bắt đầu, con sóc chuột điên rồ chạy loăng quăng khắp phòng khách và Neal, như một vận động viên ném đĩa thời xa xưa, nhẹ nhàng ném cái bát nhựa theo đường vòng cung tuyệt mỹ, đáp xuống úp lên con yêu nghiệt mồm to kia một cách hoàn hảo. Sau đó anh lấy tấm bìa đút xuống bên dưới, bưng cái tổ hợp bìa-bát-tiểu yêu đủng đỉnh bước ra ngoài vườn, phóng sinh con sóc chuột ở bụi cỏ ngoài ấy.

“Chà, ấn tượng đấy”, tôi khen anh.

“Chứ sao”, Neal của tôi bắt đầu tự mãn.

Người đàn ông mà tôi tưởng rằng mình đã thấu hiểu hoàn toàn, nay khiến tôi há hốc mồm kinh ngạc. Điều này khiến tôi cảm thấy choáng ngợp chứ, bao nhiêu năm ở với nhau tôi nào biết đến khía cạnh này của Neal. Thế là cái động tác phi bát ấy nhẹ nhàng đem lại thêm 5 năm chung sống hạnh phúc cho hai vợ chồng.

Đấy, rốt cục là trong một mối quan hệ dài hơi, nếu không muốn bị bỡ ngỡ, hay đứt gánh giữa đường, hãy tập cho mình một thói quen chuẩn bị: luôn sẵn sàng để “làm quen” với những phiên bản khác nhau của cùng một con người bên cạnh bạn. Thay đổi là tất yếu, là thứ không mời mà cũng đến, lại còn không báo trước và chẳng biết đường nào lần. Chống lại thay đổi là không thể, nhưng tập làm quen với nó, và cũng chấp nhận thay đổi cùng nó, thì lại là thượng sách.

Muốn hôn nhân của bạn được bền vững, hãy làm quen với sự thay đổi.

Theo kenh14.vn

BÌNH LUẬN