Livestream đã thúc đẩy nhiều ngành đi kèm, như môi giới người dẫn chương trình, cho vay tiêu dùng hay thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ.
Dẫn chương trình livestream đang là nghề hái ra tiền tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Jing Qi (27 tuổi) làm nghề dẫn chương trình bán thời gian tại nền tảng livestream (phát video trực tiếp) Huajiao. Cô đã phẫu thuật thẩm mỹ hồi tháng 3, để tăng cơ hội nổi tiếng trên Internet. Jing chỉ là một trong hàng chục nghìn người đang hy vọng trở thành người nổi tiếng trong làn sóng livestream đang càn quét Trung Quốc.
Ngành này mới xuất hiện tại Trung Quốc cách đây 3 năm, nhưng năm ngoái đã tạo ra doanh thu hơn 30 tỷ NDT (4,3 tỷ USD). Theo ước tính của China Renaissance Securities, con số này sẽ tăng gấp 3 vào năm 2020.
“Tôi muốn nhiều người theo dõi mình hơn và chi tiền cho tôi”, Jing cho biết. Nếu được người xem mua các món quà ảo, cô có thể đổi chúng ra tiền mặt về sau.
Tốc độ phát triển livestream tại Trung Quốc đã thu hút nhiều khoản đầu tư từ các đại gia công nghệ, như Tencent Holdings, Alibaba và Baidu. Họ hy vọng livestream có thể thúc đẩy các dịch vụ hiện tại, như thương mại điện tử, mạng xã hội và game.
Ngành công nghiệp này có quy mô hơn 4 tỷ USD năm ngoái. Ảnh: Reuters
Tencent hiện là hãng game online và mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Họ đã hỗ trợ rất nhiều công ty giải trí tương tác, như nền tảng game Douyu. Taobao của Alibaba năm ngoái cũng đã ra mắt nền tảng livestream, cho phép người bán quảng cáo sản phẩm cho khách hàng theo thời gian thực.
Tháng 12 năm ngoái, 344 triệu người Trung Quốc đã xem các trang livestream. Đó mới chỉ tương đương 47% người dùng Internet tại đây. Nước này hiện có khoảng 150 trang livestream, chủ yếu có nội dung giải trí.
Tầm quan trọng của livestream tại các thành phố cấp thấp hơn tại Trung Quốc khá quan trọng. Do việc truy cập Internet tại đây chủ yếu qua điện thoại di động. Đây cũng gần như là cách duy nhất để họ mua sắm và giải trí, Karen Chan – nhà phân tích chứng khoán tại Jefferies Hong Kong cho biết.
Livestream cũng thúc đẩy các ngành đi kèm, như môi giới người dẫn chương trình, cho vay tiêu dùng hay thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ.
Deng Jian – Chủ tịch Three Minute TV – một công ty cung cấp người dẫn chương trình cho hàng chục website livestream cho biết họ có một cỗ máy sản xuất để phục vụ ngành này.
Tại một tòa nhà văn phòng ở ngoại ô Bắc Kinh, hàng chục người dẫn chương trình nữ của Deng đang làm việc theo ca. Mỗi người ngồi trong một buồng nhỏ trang trí như phòng ngủ, đối diện màn hình máy tính.
Nhiệm vụ của họ là hát và trò chuyện với người hâm mộ, khuyến khích họ mua quà ảo, như hoa hồng, xe thể thao hay biệt thự. Số tiền mua quà sẽ được phân chia giữa website, công ty môi giới và người dẫn chương trình.
Three Minute TV còn sắp xếp phẫu thuật thẩm mỹ cho người dẫn chương trình, lo các thủ tục vay để làm phẫu thuật, chụp ảnh quảng cáo người dẫn và giúp họ tìm kiếm cơ hội, Deng cho biết.
Giới chuyên gia nhận định, với sự tham gia của các đại gia công nghệ, sự phát triển của ngành này sẽ chuyển sang giai đoạn sáp nhập. “Livestream luôn là ngành công nghiệp đốt tiền. Sau thời kỳ tăng trưởng bùng nổ, rất ít nền tảng có thể tồn tại tiếp”, lãnh đạo Douyu nhận xét.
Giới chức Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt trang livestream cung cấp nội dung phi pháp, Tina Zhang – nhà phân tích tại iResearch cho biết. Hồi tháng 7 năm ngoái, Bộ văn hóa Trung Quốc cho biết đã đóng cửa hàng nghìn phòng livestream, và phạt nhiều kênh lớn vì nội dung “bạo lực, khiêu dâm, không phù hợp thuần phong mỹ tục”.
Dù vậy, triển vọng của ngành này vẫn rất hấp dẫn với hàng nghìn người trẻ Trung Quốc muốn nổi tiếng. Jin Xing – người sáng lập ứng dụng môi giới phẫu thuật thẩm mỹ Soyoung ước tính khoảng 95% người dẫn chương trình đã trải qua phẫu thuật để cải thiện ngoại hình.
Jing thì cho biết mục tiêu của cô là trở nên nổi tiếng, đủ để mở cửa hàng thương mại điện tử riêng. “72 giờ phẫu thuật để đổi lấy 3-5 năm ngoại hình đẹp là hoàn toàn xứng đáng”, cô nói.