Hàng trăm tiểu thương ở chợ Phó Sinh (tỉnh Bạc Liêu) cho rằng chính quyền địa phương gây khó dễ, không cho họ thuê mặt bằng của tư nhân để buôn bán.

Các tiểu thương lao đao

Ngày 11/4, bà Huỳnh Tuyết Mai (59 tuổi, ngụ xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu), tiểu thương kinh doanh tại chợ Phó Sinh thay mặt những hộ kinh doanh khác viết đơn cầu cứu khẩn cấp tới các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu, lãnh đạo huyện Phước Long vào cuộc xử lý để bà con tiểu thương ổn định việc kinh doanh.

Theo đơn phản ánh của các tiểu thương, khoảng tháng 2/2016, họ có thuê mặt bằng của chị Khương Thị Thủy, tại khu vực chợ Phó Sinh để kinh doanh, buôn bán các mặt hàng như: thịt heo, cá, tôm, cua, rau củ và các mặt hàng gia dụng khác phục vụ nhu cầu người dân tại xã. Việc thuê mướn mặt bằng đều có hợp đồng, cũng như giấy tờ liên quan.

Thế nhưng, mấy tháng gần đây, các tiểu thương liên tục bị cán bộ UBND xã và Công an xã Phước Long cản trở và bắt ký biên bản cam kết dời đi chỗ khác để kinh doanh buôn bán. Việc làm này của chính quyền địa phương sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng trăm tiểu thương. Thời gian gần đây, cán bộ xã còn cho xây gạch chắn, dùng cây rào chắn ngang không cho người dân vào mua hàng tại khu chợ các tiểu thương đang buôn bán.

Khu vực kinh doanh buôn bán của các tiểu thương bị che chắn. (Ảnh: Lành Nguyễn)

“Chính quyền xã cho rằng chúng tôi kinh doanh khu vực ngoài chợ gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu chúng tôi di dời vào chợ Phó Sinh. Việc này sẽ khiến hoạt động buôn bán của chúng tôi khó khăn hơn. Cụ thể, nhiều năm trước chúng tôi từng thuê mặt bằng khu chợ lồng Phó Sinh, với mức thuê hàng tháng thấp hơn nhiều so với thuê của tư nhân. Tuy nhiên, việc kinh doanh không mang lại thu nhập, buôn bán trong chợ triền miên ế ẩm, thua lỗ đã khiến nhiều tiểu thương bỏ chợ”, các tiểu thương cho biết.

Theo các tiểu thương, họ thuê mặt bằng của tư nhân, gần mặt tiền đường, thuận lợi việc bán buôn, phù hợp nhu cầu mua bán của người dân hơn. Trước khi thuê, các tiểu thương đã tìm hiểu kỹ, mặt bằng thuê cũng đã có giấy phép kinh doanh đầy đủ, về mặt pháp lý như vậy là đã đạt yêu cầu. Họ cam kết không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh. Vậy mà, chính quyền vẫn liên tục cho người đến cản trở, còn cho tuyên truyền trên phương tiện phát thanh của xã, yêu cầu tiểu thương vào chợ cũ, nếu không vào sẽ bị tháo gỡ…

Cho “không” cũng “không” vào chợ?

Sau khi nhận được đơn cầu cứu của các tiểu thương, PV báo Người Đưa Tin đã tìm về địa phương để tìm hiểu và xác minh thông tin thực tế, phản ánh khách quan vấn đề. Ghi nhận tại chợ Phó Sinh, PV nhận thấy, khu vực này có chợ lồng Phó Sinh được chính quyền địa phương xây dựng sạch sẽ, cao ráo. Thế nhưng, chợ không có nhiều tiểu thương buôn bán nhộn nhịp như ở khu chợ mà họ tự thuê mặt bằng của tư nhân gần đó.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Loan, tiểu thương bán rau khu chợ cho biết: “Chúng tôi buôn bán trong chợ được 3 năm, chi phí đóng hàng tháng thấp hơn nhiều so với thuê mặt bằng bên ngoài. 3 năm nhưng tôi chỉ đóng 9,6 triệu đồng. Chi phí thuê mặt bằng trong chợ lồng rẻ nhưng việc kinh doanh lại không hiệu quả. Bây giờ xã có vận động vô, giảm chi phí, chúng tôi cũng không vào chợ bán hàng. Trong chợ buôn bán ế ẩm làm sao chúng tôi kinh doanh”.

Một tiểu thương bán thịt khẳng định: “Chúng tôi bán hàng đều mong mỏi có lãi để nuôi con. Bây giờ, chính quyền chắn rào không cho người dân vào chợ, khác nào cản trở chúng tôi làm ăn. Nếu chúng tôi tự ý mở chợ tự phát thì có thể ngăn cấm. Thế nhưng, chủ mặt bằng của chúng tôi đều có giấy tờ hợp pháp do nhà nước cấp. Vì vậy, việc làm của chính quyền xã là không phù hợp”.

Nhiều người dân không vào mua hàng khi thấy rào chắn cản trở (Ảnh: Lành Nguyễn)

PV cũng liên hệ với chủ cho các tiểu thương thuê mặt bằng, đại diện cho chủ mặt bằng là anh Quách Văn Thọ, con bà Thủy trả lời: “Hiện người đứng tên giấy tờ nhà đất khu vực này là mẹ tôi. Bà ấy đang nằm viện cấp cứu vì quá sốc trước việc chính quyền cho người cản trợ hoạt động kinh doanh buôn bán trên đất của gia đình. Chúng tôi có đầy đủ giấy tờ pháp lý như giấy phép kinh doanh, chủ quyền đất, giấy tờ đóng thuế hàng tháng… Tôi mong là chính quyền làm rõ việc này để chúng tôi yên ổn làm ăn, chứ không thể ngày nào cũng cho một lực lượng lớn công an, dân phòng, bảo vệ, cán bộ đến canh chừng tại khu đất nhà tôi”.

Tại khu vực chợ, PV cũng ghi nhận hàng rào mà các tiểu thương khẳng định do chính quyền xã lập ra có rất đông lực lượng công an, dân phòng luôn “túc trực” khu vực xung quanh chợ…

Chính quyền khẳng định không làm khó!

Trao đổi với PV, ông Đặng Tiến Út, Bí thư huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Thực hiện chủ trương của tỉnh vì môi trường xanh, sạch đẹp, thời gian gần đây, chúng tôi có tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng trên toàn tỉnh. Việc vận động những tiểu thương vào buôn bán tại khu lồng chợ Phó Sinh để không ảnh hưởng chuyện ô nhiễm môi trường cũng nằm trong chương trình đó. Tuy nhiên, việc làm khó, cản trở dân là hoàn toàn không có? Đó chỉ là hình thức vận động, nếu các hộ tiểu thương không vào, có thể chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo từ lãnhđạo tỉnh để có hướng xử lý”.

Ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu khẳng định: “Vấn đề này thuộc thẩm quyền của huyện Phước Long, chúng tôi bàn giao vụ việc cho huyện tự giải quyết, cụ thể huyện sẽ chủ động đưa ra giải pháp thực hiện để làm sao có lợi cho người dân”.

Theo nguoiduatin

BÌNH LUẬN