Sau một năm “ẩn mình” hoạt động, startup giá trị nhất thế giới đã chính thức công bố sự hiện diện tại Việt Nam.

Vào thị trường Việt Nam cuối năm ngoái, nhưng ứng dụng mạng xã hội video ngắn TikTok của Bytedance vừa mới có những chia sẻ chính thức đầu tiên sau một năm “ẩn mình” tập trung phát triển người dùng và gây sốt trong giới trẻ.

Khác với Youtube, Facebook chưa có văn phòng tại Việt Nam, TikTok đã lập văn phòng đại diện tại TP HCM với đội ngũ nhân sự trên dưới 70 người. Bà Diệp Quế Anh – Giám đốc Truyền thông của TikTok tại Việt Nam và các thị trường mới nổi cho biết, số nhân sự sẽ tiếp tục phát triển lên vài trăm người. Đó là chưa kể lực lượng tại các nước khác nhưng phục vụ cho thị trường Việt Nam.

Bà Diệp Quế Anh (đứng góc trái) cho biết Việt Nam đang là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của Tik Tok.

Bà Diệp Quế Anh (đứng góc trái) cho biết Việt Nam đang là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của Tik Tok.

“Chỉ sau một năm, Việt Nam đang là thị trường lớn nhất của chúng tôi tại Đông Nam Á”, bà Quế Anh nói TikTok đã phủ được Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Không tiết lộ lượng người dùng nhưng bà lạc quan về số liệu trung bình mỗi người dùng Việt dành 28 phút mỗi ngày để xem TikTok. Trong đó, khung giờ 18h – 20h mỗi thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần là “giờ vàng” với lượt truy cập nhiều nhất.

Với việc hàng loạt ứng dụng tranh nhau níu chân người xem để bán quảng cáo thì đây lợi thế khá lớn. Tuy nhiên, đại diện TikTok cho biết nền tảng vẫn đang trong giai đoạn không bán quảng cáo và chạy những chiến dịch tiếp thị mang tính thương mại. “Đã có các nhãn hàng đặt vấn đề quảng cáo nhưng chúng tôi chưa có ý định kinh doanh trong thời điểm hiện tại”, bà Quế Anh nói chờ “độ chín” của thị trường.

Với không ít người dùng, TikTok có ấn tượng ban đầu là ứng dụng chia sẻ video ngắn (15 giây mỗi video với tài khoản thường) dành cho giới trẻ. Các nội dung lúc sơ khởi chủ yếu là hát nhép, nhảy múa, trêu đùa cùng các sticker dễ thương, hiệu ứng lạ mắt. Do đó, ứng dụng này nhanh chóng được người dùng độ tuổi học sinh, sinh viên hưởng ứng nhưng chưa gây thiện cảm với người trưởng thành hơn.

Bà Quế Anh thừa nhận ứng dụng đang cố gắng “già hóa” nội dung để có độ phủ người dùng rộng hơn. Nhiều suy đoán cho rằng, có thể đây là mục tiêu TikTok phải hoàn tất để trở thành nền tảng quảng cáo hài lòng được nhiều nhãn hàng.

Nguồn gốc của TikTok vốn là một đề tài gây chú ý. Công ty sở hữu ứng dụng này là Bytedance, thành lập năm 2012. Tờ The Telegraph cho biết, hồi tháng 10, sau vòng gọi vốn thêm 3 tỷ USD từ SoftBank, KKR & Co và General Atlantic, giá trị Bytedance đã đạt 75 tỷ USD, chính thức vượt Uber để trở thành startup công nghệ giá trị nhất thế giới.

The Telegraph và nhiều tờ báo khác gọi Bytedance là công ty công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, trả lời báo giới Việt Nam, bà Quế Anh cho rằng “TikTok có phải là startup Trung Quốc không thì rất khó nói vì văn phòng chính tại Los Angeles (Mỹ) và sản phẩm đã có mặt tại 150 thị trường”.

Sức mạnh của TikTok trong thị trường quảng cáo toàn cầu đang tăng nhanh. Danh sách “Best of 2018” của Google mới đây cho biết, TikTok là ứng dụng mạng xã hội duy nhất có tên trong top 5 ứng dụng được yêu thích nhất, trong khi Facebook, Instagram hay Youtube không còn vào top. Một số báo cáo ước tính lượng người dùng ứng dụng này toàn cầu đến giữa năm nay khoảng 500 triệu người.

Tại Việt Nam, trào lưu nội dung thành công nhất của ứng dụng năm 2018 thu hút được hơn 10.000 video với 32 triệu lượt xem. Riêng chỉ trong 2 tuần chung kết AFF Cup 2018, có hơn 120.000 video nội dung liên quan đến trận chung kết được đăng tải, thu hút 54,8 triệu lượt xem.

Viễn Thông

Theo VnExpress

BÌNH LUẬN