Cụ Nguyễn Đường hiện đã 90 tuổi vẫn ngày ngày gánh nước ở giếng Bá Lễ, phố cổ Hội An.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thông tin & Du lịch Quảng Nam, giếng Bá Lễ được người Chăm xây dựng từ trước thế kỷ 10, có độ sâu khoảng 12 m, diện tích khoảng 10 m2. Hiện tại, giếng nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Phan Chu Trinh (phường Minh An, TP Hội An), gần lối vào phố cổ.

Giống như thánh địa Mỹ Sơn, chất kết dính các mảng gạch của giếng cũng được làm từ chất liệu bí ẩn. Hàng thế kỷ đã đi qua, giếng không hư hỏng, mạch nguồn nước vẫn trong vắt, dồi dào và trở thành điểm thu hút du khách khắp nơi với sự kỳ bí này.

Giếng cổ Bá Lễ. Ảnh: Sophia.

Giếng cổ Bá Lễ còn lại ngày nay. Ảnh: Sophia.

Chiếc giếng không bao giờ cạn

Thoạt nhìn, giếng sâu hun hút, có rêu phong phủ xanh ở các mảng thành tường bên trong. Khác với những giếng tròn thường thấy, miệng giếng Bá Lễ được thiết kế theo kiến trúc của người Chăm, có hình vuông.

Trước đây, giếng là nguồn cung cấp nước cho các thuyền buôn từ Ba Tư, Nhật Bản… Sau này, có một nữ thương gia trong làng đã bỏ ra một số tiền lớn để trùng tu lại giếng như ngày nay. Theo những bậc cao niên ở đây kể lại, giếng từ đó mang tên nữ phú hộ này.

Nước trong giếng nổi tiếng quanh năm vẫn cứ đầy ắp mà không cạn, thả gàu xuống khoảng ba sải tay là chạm mặt. Giếng nằm trong ngõ nhỏ nhưng người dân vẫn hàng ngày đến giếng lấy nước rất đông.

Nước giếng Bá Lễ có thể uống trực tiếp rất mát, Ảnh: Sơn Thủy.

Nước giếng Bá Lễ có thể uống trực tiếp rất mát, Ảnh: Sơn Thủy.

Nhờ không có phèn mà hầu hết các quán ăn ở Hội An đều dùng nước giếng này để nấu nướng. Theo một người Hội An, các món ăn đã trở thành thương hiệu ẩm thực ở phố Hội như cao lầu hay mì Quảng đều được làm từ nước giếng Bá Lễ. “Không làm từ nước giếng này là không thể cho ra vị chuẩn của món ăn”.

Chị Bé, chủ một quán ăn đã mở hơn 20 năm ở gần giếng cũng dùng nước ở đây để làm nước pha trà phục vụ khách. Chị Bé cho hay: “Nguồn nước này nó nằm trung tâm, càng múc càng ra mà không biết lý do”.

Nếu muốn thử uống nước, du khách có thể tìm đến một gia đình ở đường Nguyễn Thái Học. Dấu hiệu để nhận biết là chum nước giếng với dòng chữ “Nước giếng dành cho du khách”.

Người gánh nước giếng thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam

Tháng 12/2014, người dân quanh giếng cổ vui mừng bởi tin về một cụ ông sớm hôm lúc nào cũng gắn bó với giếng.

Ngày 4/12/2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tới Hội An để trao quà và bằng xác lập Kỷ lục ý chí với cụ ông Nguyễn Đường – Người gánh nước thuê lâu năm nhất Việt Nam. Đến nay, dù đã 90 tuổi, cụ vẫn cần mẫn, vui vẻ với công việc đặc biệt này.

Bắt đầu công việc từ sau năm 1975, cụ Đường gánh nước cho các nhà hàng, quán ăn hay khách sạn, các hộ gia đình có nhu cầu. Công việc này đem lại nguồn thu nhập chính cho ông để nuôi vợ và đứa con bị bệnh tâm thần suốt mấy chục năm qua. Nhiều người còn gọi ông là “Người giữ hồn phố cổ”.

Từ sáng sớm, cụ đã đem nguồn nước giếng ngọt lành tới cho các quán trong khu phố cổ. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Từ sáng sớm, cụ đã gánh nước tới cho các quán trong khu phố cổ. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Chuyện về một cụ ông gánh nước suốt mấy chục năm để nuôi gia đình sau này được nhiều hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước tìm đến để ghi nhận. Hình ảnh của cụ Đường không chỉ thể hiện một nghị lực, lạc quan trong cuộc sống mà còn làm giàu thêm nét văn hóa truyền thống ở Hội An.

Cho đến bây giờ, giếng cổ Bá Lễ và những câu chuyện xung quanh vẫn được người dân lưu giữ và truyền lại. Không chỉ đem lại nguồn nước quý cho người dân mà còn giếng còn trở thành điểm dừng chân cho du khách ưa thích khám phá lịch sử phố Hội.

Phong Vinh

vnexpress

BÌNH LUẬN