Hai khu rừng ma mị, cây mọc kỳ lạ chưa lời giải đáp thu hút sự tò mò của cả du khách lẫn các nhà khoa học trên thế giới.
Khu rừng nhảy múa (Dancing Forest)
Được tìm thấy ở phía nam mũi đất Curonian trên lãnh thổ Kaliningrad, nước Nga, “khu rừng nhảy múa” nổi tiếng với hàng trăm cây thông có hình dáng kì dị, không theo quy luật nào. Ảnh: Anna Pronenko/Panoramio
Những cây thông này trồng từ năm 1961 gần một ngôi làng để giữ cát, chống sạt lở. Tuy nhiên nguyên nhân khiến thân cây ở đây trở nên kì lạ ở phần gốc đến nay vẫn là dấu chấm hỏi đối với các nhà khoa học. Ảnh: Nikater
Nhiều nghiên cứu cho rằng thân cây xoắn quẩy là do một loài bướm đêm có tên Rhyacionia buoliana phá hoại, hoặc đất đai ở đây nghèo chất dinh dưỡng kèm gió mạnh khiến thân cây xiêu vẹo. Tuy nhiên chưa ai có thể chứng minh được điều đó là đúng. Ảnh: park-kosa.ru
Một nhà ngoại cảm từng đến Dancing Forest để trò chuyện với các loài cây. Người này cho rằng khu rừng nằm ở một nơi hội tụ năng lượng tích cực và tiêu cực khiến thân cây mọc trông như nhiều người đang nhảy múa. Ảnh: park-kosa.ru
Khu rừng quanh co (Crooked Forest)
Nằm gần Gryfino, phía tây bắc Ba Lan, khu rừng kỳ lạ với khoảng 400 cây thông có phần gốc mọc cong 90 độ, phần trên, thân cây vẫn mọc thẳng đứng. Điều ngạc nhiên là những cây này được bao quanh bởi rừng thông bình thường, không có gì đặc biệt. Ảnh: foreignersinpoland
Tất cả các cây đều cong về hướng Bắc nên nghi ngờ do con người tạo ra. Lời giải thích được nhiều người tin nhất là vào năm 1930, khi khu vực này vẫn thuộc về lãnh thổ của nước Đức, một nhóm người trồng cây rồi uốn cong phần gốc từ năm cây 10 tuổi với mục đích đóng thuyền và làm đồ nội thất từ phần thân bị uốn. Ảnh: Kengi
Tuy nhiên, trước khi thu hoạch thì chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ khiến kế hoạch của họ thất bại. Thế nhưng cây vẫn phát triển cho đến bây giờ, dù không có bàn tay con người nhúng vào thêm. Ảnh: 7alaskan/Panoramio
Vi Yến