43.000 tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước sử dụng kém hiệu quả bị “ngâm” ở 72 dự án trên khắp cả nước tại 11 bộ ban ngành, 39 địa phương, 2 tập đoàn kinh tế, 9 tổng công ty. Những con số biết nói chỉ mới là phần nổi về hiệu quả đầu tư công hàng thập kỷ qua.

Đầu tư - 43.000 tỷ đồng và nguy cơ thua lỗ: Phần nổi của tảng băng

Bộ Công Thương chưa gửi báo cáo về 12 dự án thua lỗ.

Điểm mặt những “vũng lầy” nghìn tỷ

Theo báo cáo mới đây của bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), qua tổng hợp số liệu về hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cho thấy, có 72 dự án trên cả nước đang có dấu hiệu hoạt động không hiệu quả. Theo bộ KH&ĐT, các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng cảng biển, nông lâm thủy sản và nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy. Trong tổng số 72 dự án kém hiệu quả đã có báo cáo gửi bộ KH&ĐT, có tới 27 dự án thuộc quản lý của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tình trạng tạm dừng hoạt động hoặc sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Danh sách điểm tên những “ông lớn” tai tiếng như: Tổng công ty Lương thực Miền Nam (11 dự án), tổng công ty Cà phê (13 dự án), công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long (3 dự án). Nguyên nhân thua lỗ, kém hiệu quả được bộ KH&ĐT đánh giá do năng lực của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lập, triển khai và quản lý dự án; trong công tác dự báo biến động của thị trường nông sản trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp có suất đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian hoàn vốn dài; phải chịu nhiều rủi ro.

Tổng mức đầu tư phê duyệt cuối cùng đối với 27 dự án kém hiệu quả của bộ NN&PTNT kể trên là 909 tỷ đồng. Con số này quá “bèo bọt” khi so sánh với “vũng lầy” mà bộ Giao thông Vận tải phải đối mặt cả thập kỷ qua.

Về phần bộ GTVT, chỉ 2 doanh nghiệp có dự án mang dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, nhưng số tiền đầu tư lại lớn nhất. Đó là tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), với tổng vốn đầu tư được phê duyệt cuối cùng lên đến gần 15.000 tỷ đồng, chưa bao gồm dữ liệu của SBIC do đơn vị này đang thực hiện đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng.

Đối với Vinalines, dự án Đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (6.177 tỷ đồng), dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam (6.490 tỷ đồng) có tổng mức đầu tư lớn nhất và cao gấp đôi so với số phê duyệt ban đầu. Hiện, Vinalines đã thoái hết vốn tại dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, thu về vỏn vẹn… 82 tỷ đồng. Còn cảng Vân Phong đang làm thủ tục bàn giao cho cục Hàng hải Việt Nam.

Một số dự án khác như dự án đầu tư xây dựng công trình cảng Cái Cui giai đoạn 2 (830 tỷ đồng) có lợi nhuận đạt thấp hơn nhiều so với dự án phê duyệt. Các dự án thua lỗ kéo dài từ năm 2009 tới nay là dự án đầu tư xây dựng kho bãi container Vinalines tại Hải Phòng, dự án đóng mới tàu container 610 TEU và 1016 TEU thuộc sự quản lý của công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông. Tổng số lỗ lũy kế tại hai dự án này đã lên tới hơn 1.600 tỷ đồng.

Đối với nhóm tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, trường hợp đáng chú ý nhất là tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) với 8 dự án có tổng vốn trên 11.080 tỷ đồng.

Đầu tư - 43.000 tỷ đồng và nguy cơ thua lỗ: Phần nổi của tảng băng (Hình 2).
Tổng công Giấy Việt Nam (Vinapaco) có 8 dự án với tổng
vốn trên 11.080 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Cần nhìn thẳng vào sự thật

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả, theo bộ KH&ĐT, do năng lực chủ đầu tư yếu kém trong quá trình đề xuất, lập, thẩm định, triển khai và quản lý, dẫn đến tình trạng đầu tư kéo dài, có dự án trên 10 năm. Bên cạnh đó, công tác lập dự án còn yếu kém. Năng lực và trách nhiệm quản lý dự án của các chủ đầu tư còn hạn chế, yếu kém ở hầu hết các khâu gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư…

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược phát triển (bộ KH&ĐT) cho hay, tất cả chuyên gia kinh tế đều cảnh báo về hiệu quả hoạt động của DNNN. Nhưng có bộ ngành vẫn chạy theo thành tích, để xảy ra tình trạng này. “Tôi đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hiệu quả khi đầu tư vốn Nhà nước cách đây cả chục năm. Bây giờ, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đừng úp mở, phải làm rõ tình hình từng dự án mới giải quyết được. Có bệnh mà cứ giấu bệnh, đến lúc nó phát ra, thành ung nhọt sẽ không chữa được nữa”, ông Hồ nói.

Một vấn đề cũng được các chuyên gia mổ xẻ đó là nguyên nhân chủ quan, khách quan của việc thua lỗ trên. Theo đó, ngay từ khâu đề xuất triển khai các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước phải gắn cụ thể với trách nhiệm của người đại diện vốn tại doanh nghiệp Nhà nước để đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả. Ngoài ra, phải công khai, minh bạch và đấu thầu rộng rãi để lựa chọn được tư vấn có chất lượng trong các khâu lập dự án, thẩm định dự án đến triển khai thực hiện, quản lý… Từ đó ràng buộc trách nhiệm với mỗi khâu nếu sử dụng nguồn vốn không hiệu quả.

Ai chịu trách nhiệm?

Câu hỏi trên đã làm nóng nghị trường Quốc hội khi ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ chất vấn: “Cơ quan nào chịu trách nhiệm theo dõi chính về nguồn vốn đầu tư Nhà nước?”. Theo ông Hạ, luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 phải xác định rõ trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào. Ông Hạ cho rằng vì không rõ trách nhiệm nên việc kiểm tra giám sát buông lỏng, chưa thực hiện hết trách nhiệm. “Cứ phân bổ là xong, còn đồng vốn đi đến đâu, hiệu quả thế nào lại không rõ ràng, không đi đến cùng. Đây cũng là nguyên nhân của 72 dự án (gần 43 nghìn tỷ) đầu tư không hiệu quả”, ông Hạ nói.

Nguồn: nguoiduatin

BÌNH LUẬN