Đó là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, diễn ra sáng 15/10.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ; Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đại diện lãnh đạo các chi nhánh NHNN, các ngân hàng thương mại.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 của Chính phủ được xem là đã tạo ra giải pháp đồng bộ, tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) và phát triển ngành ngân hàng. Đến nay, về cơ bản, các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần. Chất lượng quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Chất lượng tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31/8/2019 là 1,98%).
Thông tin kỹ hơn về công tác xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra NHNN cho hay, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. “Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”- ông Nguyễn Văn Du khẳng định.
Mặc dù vậy, lãnh đạo NHNN cho rằng, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngành ngân hàng. Để xử lý nợ xấu triệt để hơn, theo NHNN, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, quy định về quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng… Đặc biệt, ngành ngân hàng tập trung xử lý phương án tái cơ cấu một số ngân hàng mua bắt buộc trên cơ sở bảo đảm; tuân thủ đúng quy định và tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém, cũng như phối hợp với các bộ, ngành chủ quản xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là công ty con của tập đoàn trực thuộc…
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án đã được phê duyệt để chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đặc biệt, NHNN sẽ bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tham mưu xử lý về vấn đề tăng vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần hóa Agribank; cũng như tập trung xử lý phương án cơ cấu lại một số ngân hàng mua bắt buộc. Tập trung chỉ đạo các rà soát việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định; chủ động nhận diện các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu để có các giải pháp ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.