Đôi khi lạm dụng cách gọi tên những bộ phận sinh dục theo cách dễ thương không phải là điều tốt (Ảnh minh họa).Đôi khi lạm dụng cách gọi tên những bộ phận sinh dục theo cách dễ thương không phải là điều tốt (Ảnh minh họa).

 Nhiều cha mẹ vẫn có thói quen sử dụng những từ ngữ theo kiểu trẻ con dễ thương để thay thế tên gọi chính xác các bộ phận sinh dục. Nhưng hóa ra, đây lại là việc làm “hại nhiều hơn lợi”.

Với con cái mình, cha mẹ chẳng bao giờ thiếu những cuộc đối thoại nghiêm túc, đề cập tới những vấn đề thiết thực, liên quan tới sức khỏe, an toàn và cả tương lai trẻ. Trong số đó, một bài học nền tảng mà cha mẹ cần dạy con chính là tầm quan trọng của cơ thể cũng như quyền tự chủ của trẻ với cơ thể mình.

Chuyên gia giáo dục giới tính Melissa Carnagey cho biết: “Trò chuyện với con để nâng cao nhận thức về cơ thể là những cuộc đối thoại sớm nhất cha mẹ có thể thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của trẻ”.

Nói về các bộ phận của cơ thể và về quyền tự quyết định tới cơ thể mình sẽ đặt nền móng vững chắc cho trẻ khi tiếp xúc với các vấn đề khó hơn, quan trọng hơn đó là hiểu về sự đồng thuận, về những hành vi tình dục sai trái.

Cha mẹ có thể tham khảo chỉ dẫn dưới đây của hai chuyên gia giáo dục giới tính: Melissa Carnagey và Lydia M. Bowers để biết cách tốt nhất cần nói với trẻ khi bàn về chủ đề bộ phận sinh dục, quyền tự quyết với cơ thể.

Sử dụng thuật ngữ chính xác gọi tên các bộ phận cơ thể

Chuyên gia Bowers nhấn mạnh: “Bộ phận cơ thể là những phần trên cơ thể. Vì thế những từ như “dương vật”, “tinh hoàn”, “âm hộ”, “âm đạo” không phải là những từ xấu. Cha mẹ nên cảm thấy thoải mái khi sử dụng những thuật ngữ này”.

“Thông thường, một cách tự nhiên và dứt khoát, người chăm sóc trẻ sẽ sử dụng các thuật ngữ chính xác chỉ bộ phận cơ thể như khuỷu tay, đầu gối, mũi… Do đó, những bộ phận như dương vật, âm hộ, âm đạo, hậu môn cũng nên được đối xử như vậy”, chuyên gia Carnagey đưa ra lời khuyên.

Có nhiều lý do trẻ nên học thuật ngữ phù hợp chỉ các bộ phận sinh dục thay vì cách gọi kiểu trẻ con dễ thương. Một trong số đó là sử dụng ngôn từ đúng trong đúng hoàn cảnh sẽ giúp trẻ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc hơn về cơ thể mình.

Điều này cực kỳ quan trọng trong trường hợp trẻ cần nói với bác sĩ hay người chăm sóc mình về những chỗ trên cơ thể đang bị đau hoặc ngứa.

Chuyên gia Carnagey bổ sung: “Sử dụng thuật ngữ chính xác cũng giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn và nói chuyện một cách tự tin về những thay đổi trên cơ thể mà trẻ có thể trải qua khi lớn lên, đặc biệt với nhân viên y tế hoặc trong bối cảnh trẻ được học về sức khỏe của mình”.

“Khi chúng ta ngại ngần sử dụng thuật ngữ chính xác, chúng ta đã truyền vào trí óc trẻ cảm giác về sự xấu hổ, ngượng ngùng, về một thứ gì đó cần phải tránh đề cập hoặc cần phải giấu kỹ” – chuyên gia Bowers lý giải. Theo cô, việc dùng tên gọi chuẩn còn giúp dạy trẻ cách chăm sóc, giữ gìn cơ thể một cách sạch sẽ, khỏe mạnh.

Tránh ngôn từ dễ thương kiểu trẻ con

Mặc dù nhiều phụ huynh có xu hướng thường dùng uyển ngữ hoặc ngôn từ dễ thương kiểu trẻ con khi trò chuyện với trẻ nhỏ về cơ thể chúng nhưng việc này có thể dẫn tới những rắc rối đáng lo ngại.

Chuyên gia Carnagey chỉ ra rằng: “Một rắc rối có thể gặp phải là có quá nhiều thuật ngữ thay thế và phần nhiều trong số đó lại mang ý nghĩa khác. Nguy cơ tiềm ẩn ở đây bởi nó có thể dẫn tới tình trạng trẻ bị người khác hiểu nhầm, đặc biệt nếu trẻ vừa trải qua tình huống bị động chạm không an toàn tại bộ phận sinh dục và cần báo lại sự việc”.

Trẻ em cũng nên được dạy cách để biết phân biệt các bộ phận được coi là riêng tư trên cơ thể và cách gọi tên chính xác các bộ phận đó. Nhờ vậy, trẻ có thể giao tiếp rành mạch nếu chẳng may bị đụng chạm một cách không phù hợp.

Chuyên gia Bowers giải thích rõ hơn: “Đôi khi, chúng ta đặt những tên gọi thân mật cho các bộ phận cơ thể. Ví dụ, dương vật là “chim”, âm vật là “bướm”. Nhưng giống như khi chúng ta dạy trẻ về các bộ phận cơ thể khác như ‘ngón chân’ thực sự được gọi là ‘ngón chân’, ‘đầu’ thì được gọi đúng là ‘đầu’, trẻ cũng cần biết thuật ngữ chính xác cho các bộ phận riêng tư trên cơ thể.

Nếu chúng ta sử dụng tên gọi kiểu dễ thương chỉ bởi cảm thấy ngượng ngùng, chúng ta đã gieo vào đầu con cái ý niệm rằng một số bộ phận cơ thể là bẩn thỉu, xấu xa hoặc đáng xấu hổ”.

Dạy trẻ về quyền tự chủ đối với cơ thể trong các tình huống thường ngày

Chuyên gia Carnagey khẳng định: “Tạo nên một nền tảng văn hóa gia đình, nơi ranh giới của mọi người đều được tôn trọng là một bước đi quan trọng”.

Cha mẹ có thể thực hiện việc này bằng cách không ép trẻ chia sẻ tình cảm với người khác và hình thành thói quen đề nghị trẻ, xin phép trẻ trước khi thực hiện hành vi gần gũi, thân mật. Ví dụ, bạn có thể nói với con “Mẹ ôm con được chứ?” thay vì “Ôm mẹ nào”.

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể dạy trẻ về quyền tự chủ đối với cơ thể trong mọi tình huống thường ngày, như trong bữa ăn chẳng hạn. Chuyên gia Carnagey mô tả một tình huống: “Khi một đứa trẻ nói rằng, con đã no hoặc đã ăn xong, thì hãy tránh nguy cơ xảy ra một cuộc đối đấu giữa cha mẹ – con cái bằng cách không ép trẻ ăn thêm một vài miếng hay phải ăn hết bát cơm. Làm được như vậy là cha mẹ đã thể hiện sự trân trọng đối với tín hiệu cơ thể được gửi đến từ trẻ – đã no, không thể ăn nữa”.

Còn chuyên gia Bowers bày tỏ, có nhiều cơ hội dạy trẻ những bài học về quyền tự chủ với cơ thể, như khi đọc sách cho con, xem phim cùng con, cha mẹ có thể nói những câu như: “Hoàng tử có nên hôn công chúa khi nàng đang ngủ như vậy không con? Đang ngủ thì làm sao công chúa có thể nói đồng ý hay không đồng ý được”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia giáo dục giới tính này, có những thời điểm cha mẹ không nên cứng nhắc áp dụng việc phải hỏi xin ý kiến trẻ trước. Ví dụ, khi thay tã cho trẻ, đưa trẻ tới bác sĩ để khám sức khỏe hay nhận sự chăm sóc y tế, tắm cho trẻ nhỏ. Việc xin phép trẻ trong những trường hợp này khi trẻ chưa thể tự mình làm được là không cần thiết.

Chuyên gia Bowers lý giải: “Nếu chúng ta hỏi một đứa trẻ: ‘Mẹ có thể thay tã cho con không?’ và trẻ đáp ‘Không’, vậy là chúng ta chỉ có 2 lựa chọn: hoặc là vi phạm mong muốn ‘tự chủ’ của con, hoặc để con mặc tã bẩn – vốn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe và sự an toàn của trẻ.

Thay vào đó, chúng ta nên báo trước và giải thích cụ thể cho trẻ. ‘Đã đến lúc thay tã cho con rồi. Cơ thể con đã hoàn thành công việc đưa chất thải ra bên ngoài rồi. Giờ chúng ta sẽ cởi bỏ tã bẩn ra nhé. Mẹ sẽ dùng khăn lau này…’.

Bằng cách này, chúng ta vẫn có thể chỉ cho trẻ thấy, cơ thể chúng xứng đáng được tôn trọng và rằng chúng ta đã rất rõ ràng, chu đáo khi thông tin đầy đủ cho trẻ về quá trình thực hiện”.

Theo afamily.vn

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN