Phó thống đốc Đào Minh Tú đề nghị Agribank sớm đưa ra gói cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Thời gian qua, dù Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an và các địa phương đã cảnh báo rất nhiều, tín dụng đen vẫn bùng phát mạnh ở khắp các tỉnh thành, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.

Số liệu thống kê chưa chính thức của Bộ Công an được ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cho biết tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116 của Chính phủ ngày 26/12, trong 4 năm qua, cả nước có tới 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo…

Ông Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an thông tin thêm, tín dụng đen thường gắn với một số hoạt động của các công ty đòi nợ thuê sử dụng những thành phần lưu manh, côn đồ… Hiện, lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi, quản lý 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi.

Quảng cáo cho công nhân vay tiền dán ở khu nhà trọ. Ảnh: Tất Định.

Quảng cáo cho công nhân vay tiền dán ở khu nhà trọ. Ảnh: Tất Định.

Trước thực trạng diễn biến phức tạp, ước tính tín dụng đen đang cho vay khoảng 2.500 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tung ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng giao cho Agribank triển khai để phục vụ nhu cầu vay cấp bách của người dân, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc của tín dụng.

Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) sớm triển khai gói cho vay này để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là khu vực nông thôn.

Đồng thời, ông Tú đề nghị Agribank cần đưa ra điều kiện, thủ tục hết sức đơn giản, thời gian xét duyệt khoản vay nhanh. Bởi theo đánh giá của ông, nếu những trường hợp có người thân ốm đau phải đi viện cấp cứu mà 3-5 ngày sau mới vay được vốn thì không ổn. “Do đó, cơ chế cho vay phải nhanh, có thể xét duyệt trong một ngày và mức cho vay tối đa khoảng 30 triệu đồng. Còn lãi suất cho vay cũng tính toán hợp lý”, ông Tú nói.

Phó thống đốc nhấn mạnh, để phối hợp ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, ngoài các giải pháp, chính sách phối hợp của ngành ngân hàng vẫn cần có giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong năm 2019, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó, Bộ Công an và các bộ, ngành khác, chính quyền các tỉnh, thành sẽ vào cuộc.

Ngoài ra, ông Tú cũng giao Ngân hàng Chính sách xã hội trình ngay Ngân hàng Nhà nước để báo cáo Chính phủ cho bổ sung chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống của hộ cận nghèo, hộ nghèo. Có chương trình này thì chắc chắn hạn chế được tín dụng đen ở vùng quê, vùng sâu vùng xa.

Lệ Chi

Theo VnExpress

BÌNH LUẬN