Xuất khẩu dầu là nguồn thu chủ chốt của Venezuela nhưng lượng dầu họ sản xuất ra lại ngày một ít đi.
Theo số liệu của S&P Global Platts, Venezuela chỉ sản xuất được 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 12. Tổng sản lượng tháng trước cũng xuống thấp nhất gần 3 thập kỷ. So với năm 2014 – thời điểm cuộc khủng hoảng tại đây mới bắt đầu, con số này giảm tới 27%.
Hoạt động sản xuất dầu mỏ đi xuống chỉ càng khiến cuộc sống của 30 triệu người Venezuela thêm khổ sở. Xuất khẩu dầu đóng góp 95% thu ngân sách của nước này. Tuy nhiên, giá dầu giảm và quản lý kinh tế yếu kém nhiều năm qua đã khiến lương thực, thuốc men dần trở nên khan hiếm tại đây.
Xuất khẩu dầu là nguồn thu chủ yếu của Chính phủ Venezuela. Ảnh: AFP |
Người dân Venezuela sụt trung bình 9 kg năm 2016 vì thiếu thức ăn. Bệnh nhân cũng chết mòn trong các bệnh viện không đủ thiết bị và dược phẩm. Các số liệu chính thức còn cho thấy số ca sốt rét, trẻ sơ sinh tử vong hoặc tử vong khi mang thai đã tăng chóng mặt.
Tệ hơn nữa, là Venezuela đã vỡ nợ và còn nhiều khoản nợ khác sắp đáo hạn. Theo Caracas Capital, Venezuela đã quá hạn trả tổng cộng 1,2 tỷ USD. Con số này khá nhỏ so với thị trường trái phiếu thế giới. Tuy nhiên, nó mới chỉ là sự khởi đầu
Venezuela và hãng dầu quốc doanh hiện nợ các trái chủ hơn 60 tỷ USD. Đến nay, Wall Street vẫn đang đợi được hoàn lại, thay vì tham gia một cuộc chiến pháp lý dài hơi với Chính phủ Venezuela.
Họ đã quen với việc Venezuela chậm thanh toán. Bên cạnh đó, trái phiếu nước này trả lãi tới 12,75%. Còn trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chỉ trả 2,5%.
Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư bỏ cuộc, họ có quyền lấy dầu của Venezuela để làm tài sản đảm bảo. Việc này sẽ khiến Venezuela càng khó kiếm được tiền và bóp nghẹt thêm cuộc sống vốn đã rất ngột ngạt với người dân nước này.
Hà Thu (theo CNN)