Sau gần một thập kỷ suy thoái kinh tế, tương lai của Hy Lạp đã bắt đầu tươi sáng, nhưng người dân không còn mơ mộng về tương lai của chính mình.

GDP Hy Lạp đã tăng liên tiếp 3 quý gần đây và chạm 1,6% năm nay, theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC). Việc này đã giúp họ thoát khỏi nhiều năm suy thoái. Năm tới, nền kinh tế này được dự báo tiếp tục tăng trưởng, với tốc độ khoảng 2,5% và chương trình cứu trợ của quốc tế sẽ chấm dứt vào hè 2018.

Tuy nhiên, trên khắp các đường phố ở Athens, nhiều người vẫn không cảm thấy hài lòng và ngờ vực khả năng tương lai của mình sẽ cải thiện trong ngắn hạn.

“Chúng tôi không mơ mộng nữa. Chúng tôi vẫn ổn, vẫn tiếp tục sống cuộc sống của mình. Chúng tôi biết mình không còn quá nghèo nữa. Nhưng nếu bạn muốn học thêm ngôn ngữ mới, muốn làm gì đó cho bản thân, cải thiện kỹ năng, bạn đều không thể, hoặc bị hạn chế rất nhiều”, Eva Pavlopoulo – một sinh viên 29 tuổi ở Plaka, Athens cho biết.

gan-10-nam-khung-hoang-nguoi-hy-lap-da-khong-con-mo-mong

Một quầy bán hàng rong trên đường phố Athens. Ảnh: AFP

Pavlopoulo đang học văn bằng hai, với kỳ vọng tăng cơ hội việc làm trong ngành môi trường. Gần đây, cô được chào mời một công việc với lương tháng 1.000 euro (1.178 USD). Pavlopoulo sẽ nhận việc làm này, nhưng vẫn phải tiếp tục sống với cha mẹ.

Tình trạng thất nghiệp, đặc biệt trong giới trẻ, vẫn là một trong những thách thức lớn nhất tại Hy Lạp. Năm 2016, 47,3% người Hy Lạp dưới 25 tuổi thất nghiệp. Tỷ lệ này hơn gấp đôi trung bình tại eurozone.

Stathis Nikitopoulos – một giáo viên 38 tuổi thì ước gia đình và bạn bè của mình làm trong các công ty tư nhân sẽ ít phải lo thất nghiệp.

“Tôi làm việc cho nhà nước nên thấy khá an toàn, vì chính quyền trước đã giảm nhân sự trong lĩnh vực công rồi. Nhưng tư nhân thì khác. Phần lớn bạn bè và người thân của tôi làm việc trong lĩnh vực tư, và lương của họ không tăng. Tỷ lệ thất nghiệp thì khoảng 20, 25%”, Nikitopoulos cho biết.

Giai đoạn 2009 – 2015, số nhân viên trong lĩnh vực công đã giảm tới 26%. Thu nhập của Nikitopoulos cũng giảm 40% từ năm 2010. Anh cho biết dù là người lạc quan, anh không cho rằng tình hình kinh tế của Hy Lạp sẽ tốt lên.

“Tôi tin rằng tình hình sẽ không cải thiện trong 5 năm tới đâu, vì lương không tăng và giá cả cũng chẳng giảm. Thuế cũng cao nữa”, anh nói.

George Fonourakis – Giám đốc quản lý thực phẩm – đồ uống tại một khách sạn ở Athens thì cho biết anh phải chuyển về sống cùng cha mẹ trong đỉnh điểm khủng hoảng. Năm 2012, lương của anh giảm từ 3.000 euro xuống còn 800 euro chỉ trong một đêm. Vì thế, anh không thể tiếp tục trả góp căn nhà đang ở nữa.

Sau khi tìm được một công việc khác hè năm ngoái, George đã lạc quan trở lại. “Giờ tôi có hy vọng rồi. Tôi có một công việc tốt với 14 đợt trả lương mỗi năm, có xe, có nhà thuê. Ngành du lịch nhộn nhịp trở lại đã giúp tôi có thêm hy vọng”, anh nói.

Du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Hy Lạp. 9 tháng đầu năm nay, doanh thu ngành này đã chạm 13 tỷ euro, tăng so với chỉ 11,7 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Hy Lạp.

Một lái xe Uber cho biết anh đã kiếm được “rất nhiều tiền” trong hè này, nhờ chở khách trên đảo Santorini. “Tôi chỉ cảm thấy tiếc cho cha mẹ và ông bà mình. Họ không thể làm việc được nữa. Tôi thì vẫn mạnh khỏe và có thể làm thêm việc nữa nếu cần thiết. Còn họ thì đã ngừng và phải dựa vào tiền trợ cấp mỗi tháng. Mà khoản đó cũng bị cắt nữa”, anh cho biết.

Tuổi nghỉ hưu tại đây đã tăng lên, và tiền trợ cấp cũng bị cắt giảm hơn 10 lần kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 2010. Người nghỉ hưu đã đổ ra đường phố Athens đầu năm nay để biểu tình phản đối. Các chủ nợ quốc tế cũng cho biết Chính phủ nước này cần cải tổ sâu hơn với hệ thống lương hưu. Một vấn đề khác là người nghỉ hưu đang ngày càng trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình.

Khủng hoảng kinh tế đã khiến hàng nghìn người Hy Lạp phải rời bỏ quê hương, tìm đến nơi có điều kiện sống tốt hơn. Maria Hatzi (24 tuổi) đang học bằng thạc sĩ thứ 2. Anh cũng lên kế hoạch chuyển đi sau khi tốt nghiệp.

“Tôi đã cân nhắc rất kỹ tại thời điểm này. Tôi đã liên tục cải thiện bản thân bằng cách học tập, và muốn ứng dụng được những thứ đã học. Nếu có cơ hội, tôi sẽ rời Hy Lạp. Tôi sẽ quay lại đây trong tương lai, nhưng chưa thể nói chính xác thời điểm được”, anh nói.

Phần lớn người Hy Lạp nói rằng những chính sách cải tổ kinh tế mà Chính phủ áp dụng chưa khiến cuộc sống của họ thay đổi. “Từ năm 2010, mọi chuyện gần như vẫn thế. Hỗ trợ tài chính từ châu Âu và IMF không đủ với người dân”, Hatzi cho biết.

Hy Lạp đang tiến tới ngã tư đường. Một mặt, tăng trưởng kinh tế đã quay lại và được kỳ vọng tiếp tục, chương trình cứu trợ cũng sẽ chấm dứt vào tháng 8 tới. Nhưng mặt khác, người dân chưa cảm nhận được triển vọng tươi sáng trong ngắn hạn. Một cuộc tổng tuyển cử cũng có thể diễn ra sớm, kéo theo nhiều bất ổn.

Hiện tại, đảng Dân chủ mới là đối thủ chính của đảng Syriza – vốn điều hành Hy Lạp từ năm 2015. Họ kỳ vọng có một cuộc bầu cử năm 2018, trong khi nhiệm kỳ của Syriza kéo dài đến cuối năm 2019.

Người dân Hy Lạp dường như khá mâu thuẫn về việc chọn đảng nào lãnh đạo đất nước sắp tới. Tuy nhiên, hầu hết họ tỏ ra chán nản với hệ thống chính trị. Syriza đã khiến nhiều người thất vọng vì thực hiện các biện pháp thắt chặt. Danh tiếng của các đảng cầm quyền gần đây cũng ngày càng xuống dốc vì không thực hiện được như đã hứa.

“Tôi cho rằng Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ thất bại trong cuộc bầu cử này, vì người Hy Lạp đã chán những người hứa mà không làm”, Hatzi cho biết. Dù vậy, cô cũng không nghĩ là đảng Dân chủ mới đã thoát khỏi tai tiếng trước đây. “Tôi không hài lòng, nhưng nếu bỏ phiếu, tôi sẽ vẫn chọn Syriza. Tsipras là lựa chọn tốt nhất hiện tại rồi”, cô nói.

Hà Thu (theo CNBC)

vnexpress

BÌNH LUẬN