Tỷ lệ tiếp cận các khoản vay của người dân Việt Nam đạt gần 47%.
Theo số liệu của StoxPlus, mức độ tiếp cận tín dụng của người dân Việt Nam qua khảo sát các khoản vay đạt gần 47%, hay nói cách khác cứ 2 người sẽ có một người đang có khoản vay. Tuy nhiên, tỷ lệ có các khoản vay tại tổ chức tài chính chỉ đạt gần 18,5%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một tỷ lệ lớn người dân đang có các khoản vay qua các hình thức khác, có thể thông qua các kênh tín dụng đen, vay người thân hoặc những kênh phi chính thức.
Trung bình cứ 2 người sẽ có một người tiếp cận các khoản vay, tuy nhiên tỷ lệ người dân có khoản vay tại các tổ chức tài chính chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Nguồn: WorldBank |
Về mức độ tiếp cận tín dụng của người dân, cũng có sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng khách hàng, chia theo độ tuổi, giới tính và thu nhập.
Tỷ lệ phụ nữ có khoản vay đứng đầu trong danh sách khảo sát với tỷ lệ 48,55%, cao hơn 3,5% so với nam giới. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ vay tiền qua kênh ngân hàng cũng chiếm tỷ lệ hơn 21%, gấp 1,4 lần so với tỷ lệ nam giới vay tiền thông qua kênh này.
Về độ tuổi, tỷ lệ người lớn tuổi có các khoản vay đạt gần 47,7%, cao hơn 3,7% so với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn về mức độ tiếp cận kênh cho vay. Theo đó, chỉ có 3% người trẻ tuổi tiếp cận tín dụng thông qua kênh cho vay của các tổ chức tài chính, trên tổng số 44% có khoản vay, trong khi tỷ lệ này ở người lớn tuổi đạt hơn 23%.
Theo TS Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, thói quen của người dân Việt Nam cũng đang thay đổi, nhất là ở nhóm đối tượng giới trẻ, thay vì chủ yếu tiết kiệm sang đi vay để mua sắm nhu cầu thiết yếu. Điều này cũng là một trong các nguyên nhân khiến mức độ tiếp cận tín dụng của người dân ngày càng cao hơn, và cũng là động lực cho một loại hình tín dụng khác – tín dụng tiêu dùng phát triển.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng quy mô tín dụng tiêu dùng hiện mới đạt mức 960.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó dư nợ của nhóm công ty tài chính tiêu dùng có quy mô khá khiêm tốn, chỉ đạt mức 74.000 tỷ đồng, tương đương gần 8%. Dù vậy, kênh tín dụng này đang có dấu hiệu bùng nổ với tốc độ tăng trưởng dư nợ hơn 40% mỗi năm trong 3 năm gần đây.
“Sự khác biệt về phân khúc khách hàng hướng tới giữa các ngân hàng và công ty tài chính lý giải một phần sự tăng trưởng vượt bậc về dư nợ của nhóm các công ty tài chính”, bà Hiền nhận xét.
Theo khảo sát của Viện chiến lược ngân hàng, có sự chênh lệch khá lớn giữa độ tuổi và mức thu nhập khách hàng giữa kênh tín dụng tiêu dùng thông qua ngân hàng thương mại và công ty tài chính.
Theo đó, các công ty tài chính hướng tới nhóm khách hàng có độ tuổi từ 18-30 tuổi và có thu nhập từ 5-10 triệu đồng, trong khi khách hàng của các ngân hàng có độ tuổi phổ biến từ 31-40 tuổi và mức thu nhập 10-20 triệu đồng.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới, Tổng Giám đốc McKinsey & Company, ông Reet Chaudhuri cho rằng dư địa phát triển phân khúc này vẫn còn lớn, đến từ xu hướng chuyển từ các kênh cho vay không chính thức như các khoản vay gia đình, bạn bè sang kênh tín dụng tiêu dùng.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đang đưa ra chính sách như nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người có thu nhập thấp cũng sẽ tạo động lực cho khách hàng tiếp cận khoản vay tiêu dùng với quy mô vừa phải. Người đứng đầu McKinsey kỳ vọng lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 25-30% trong 5 năm tới.
Cùng chung nhận định, ông Tạ Quang Đôn, Phó vụ trưởng Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho rằng nhu cầu thị trường với tài chính tiêu dùng hiện còn tương đối lớn và vẫn chưa được khai thác hết. Các nhà đầu tư mới liên tục tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam thời gian gần đây cho thấy sức hấp dẫn của thị trường.
“Thông tư 39 và 43 mới ban hành giúp đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Điều này sẽ tạo động lực cho sự phát triển của thị trường tín dụng trong đó có kênh tín dụng tiêu dùng”, ông Đôn đánh giá.
Minh Sơn