Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng nhiều đơn vị khởi nghiệp thất bại vì thiếu hiểu biết thị trường, chỉ lo đầu vào mà không biết đầu ra.

Nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ quan điểm về tầm nhìn khởi nghiệp. 

Chúng ta đang khuyến khích thật nhiều tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, cái thực sự làm nền tảng cho khởi nghiệp là tinh thần doanh nghiệp.

Có không ít những câu chuyện về các doanh nghiệp có tinh thần đột phá thần kỳ với một tầm nhìn xa đáng nể khiến giá trị doanh nghiệp của họ vượt mọi kỳ vọng. Gần nhất có thể kể đến hiện tượng Tesla – hãng sản xuất xe hơi điện nổi tiếng của Mỹ. Từng mấp mé bờ vực phá sản năm 2010, vậy mà trong vòng 4 năm từ 2013-2017, từ 3,9 tỷ USD giá trị, tương đương 7% của Ford, vốn hóa của Tesla đã tăng 15 lần, đạt 58,7 tỷ USD. Giờ đây công ty này nghiễm nhiên thống trị bảng Big 3 của ngành công nghiệp ô tô Mỹ, vượt qua cả General Motors (GM) (51 tỷ USD) và Ford (41.1 USD), đứng thứ tư toàn cầu về mặt giá trị thị trường.

Nghiên cứu kỹ, thì câu chuyện của Tesla còn khá nhiều vấn đề cần phải bàn như các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, sản lượng và thị phần… Tuy nhiên, xét ở một góc độ nhất định thì đây quả là một trong những điển hình khởi nghiệp thành công, có thể gây cảm hứng cho những nhà khởi nghiệp từng nếm trải thất bại.

Góp phần làm nên kỳ tích đó là việc Tesla đã biết mạnh mẽ vươn mình đứng dậy. Đồng thời, họ khéo léo khai thác và vận dụng sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ vào quá trình sản xuất kinh doanh nhằm biến chúng thành con gà đẻ trứng vàng cho chính mình.

Hay điển hình như Yeah1 Network (Y1N), kênh giải trí số một châu Á và thứ bảy toàn cầu trên Youtube về lượng truy cập. Đơn vị có tổng hành dinh tại Singapore và chi nhánh 170 nhân viên tại Việt Nam. Chỉ chưa đầy năm kể từ khi thành lập vào 2015, doanh số của Y1N đã tăng ấn tượng với trung bình 18% mỗi tháng trong 2016 và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong các năm kế tiếp.

Thực tế là cả Tesla và Yeah1 đều kết nối với nhiều doanh nghiệp khác, bất kể đó là startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các “ông lớn” vào chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm của chính mình.

Bên cạnh sự sáng tạo, đột phá với hoài bão to lớn luôn cần có nền tảng kiến thức cơ bản. Nhờ đó, startup có thể tránh những rủi ro thất bại từ sự thiếu hiểu biết. Từng có rất nhiều bài học cho vấn đề này. Có thể lấy ví dụ từ nghiên cứu của CB Insights chỉ ra 20 nguyên nhân hàng đầu sự thất bại của các startup, trong đó phần lớn khởi nguồn từ việc thiếu kiến thức về thị trường và nhiều góc cạnh khác. Thật ra, hiểu biết thị trường là một phần của tinh thần doanh nghiệp hay lập nghiệp. Nói cách khác một doanh nhân dù mới vào nghề cũng phải tìm hiểu thị trường trước. Không hiểu thị trường đồng nghĩa bạn thất bại một nửa.

Trên thực tế, số doanh nghiệp thất bại do thiếu hiểu biết thị trường, chỉ lo đầu vào mà không biết đầu ra chiếm đến hơn 60% trong số hơn 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại. Sự thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có lúc xuất phát từ tư duy bảo thủ, dựa vào các nguồn lực không cân sức về năng lực cạnh tranh. Đây cũng chính là một trong những bài học cay đắng về “chủ nghĩa dân túy” trong thời kỳ hội nhập, đã từng gây ra những hạn chế rất lớn trong phát triển nông nghiệp.

khoi-nghiep-thieu-tam-nhin-se-khong-ton-tai-lau

Ông Phạm Phú Ngọc Trai. Ảnh: NVCC.

Tuy rủi ro trong khởi nghiệp cao nhưng cơ hội sẽ rất lớn. Khát vọng thành công trong khởi nghiệp là điều tốt đẹp, luôn song hành với tính mục đích nhưng nó phải gắn liền với các vấn đề về năng lực quản trị. Jack Ma – ông chủ của công ty thương mại điện tử Alibaba, có thể nói là một tấm gương về khởi nghiệp thế giới hiện nay. Từ một thầy giáo dạy tiếng Anh, ông đã bắt đầu với những trang web bán hàng. Nay ông là người giàu nhất Trung Quốc với tài sản gần 25 tỷ USD. Ông từng ví von quản trị là thách thức lớn nhất trong các thách thức của các nhà khởi nghiệp. Thường các quỹ mạo hiểm thích bỏ tiền vào công ty khởi nghiệp nhưng không hề muốn mạo hiểm. Họ tin vào tài năng quản trị của nhà khởi nghiệp sẽ tạo ra lợi nhuận.

Quản trị là khoa học. Vì vậy cần có cả tri thức lẫn kỹ năng dẫn dắt, tức khả năng lãnh đạo, nhằm nâng cao tính khả thi, hướng đến mục đích để đạt được sự thành công. Không ai trong chúng ta bắt đầu từ sự hy vọng để mong đợi một kết cuộc thất bại. Nhưng thất bại luôn xảy ra, thậm chí thường xuyên hơn cả thành công. Jack Ma từng nói: “Ngày nay mọi người viết về bài học thành công của Alibaba. Tôi cũng sẽ viết nhưng là ‘1001 lỗi lầm của Alibaba’. Đó là cái mà người khởi nghiệp nên học”.

Một người khởi nghiệp phải luôn tự hỏi có điều gì còn thiếu sót trong nỗ lực và năng lực của bản thân cần phải bổ sung và hoàn thiện để nắm bắt cơ hội dẫn đến thành công.

Trong tiến trình kiến tạo những giá trị chung trên các bình diện lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và lợi ích về môi trường, chúng ta luôn có thể lựa chọn. Sự lựa chọn này không chỉ đến từ khát vọng làm giàu đơn thuần mà còn từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khởi nghiệp. Đã có không ít doanh nghiệp tuy lớn và giàu có nhưng vẫn không được xã hội tôn trọng và cảm kích. Đơn giản là vì họ cố tình vi phạm luật pháp, không đồng hành cùng xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và cộng đồng, hành động phản cảm với văn hoá truyền thống…

Đặc biệt, trong tình hình báo chí trực tuyến và mạng xã hội với tốc độ lan truyền chóng mặt nhưng mù mờ về độ xác thực của thông tin như hiện nay, uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp luôn được đặt trong sự rủi ro cao. Các doanh nghiệp dù là non trẻ hay lâu năm, cũng đều rất vất vả để đổi phó. Đã có nhiều ví dụ cho thấy với sự tác động của truyền thông, tốc độ tăng trưởng của nhiều công ty đã bị suy giảm nặng nề hoặc tệ hơn là họ rơi vào khủng hoảng. Một trong những nguyên nhân chủ quan chính là sự phát triển thiếu bền vững của họ. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, các doanh nghiệp này đã chưa quan tâm đầu tư đúng mức vào lợi ích của môi trường và xã hội như là một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh dài hạn và bền vững cuả mình.

Thiếu đi sự hậu thuẫn to lớn của xã hội và cộng đồng, một khi khủng hoảng ập đến, chắc chắn bất cứ công ty nào cũng sẽ khó lòng chống đỡ.

Cũng nên nói qua về các doanh nghiệp Việt Nam thành công vượt bậc trong hơn 2 thập niên của nền kinh tế đổi mới và hội nhập. Đó là 50 doanh nghiệp dẫn đầu trong thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam với những thành quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng chiến lược phát triển bền vững vẫn luôn là thách thức đối với top 50 này. Đồng thời trực tiếp ảnh hưởng đến vị thế của họ với nền kinh tế. Việc này nằm trong vối cảnh tổng vốn hóa thị trường chứng khoán của hơn 1.300 doanh nghiệp niêm yết trên các sàn HOSE, HNX và UPCOM  hiện hơn 50% GDP, trong đó riêng Top 50 đã chiếm hơn 25%.

Giờ đây, giá trị doanh nghiệp của Top 50 sẽ không chỉ được tính từ lợi nhuận, giá trị thương hiệu mà còn là từ uy tín của họ qua các chiến lược bền vững về môi trường và xã hội. Chỉ có 19 công ty​ trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn​ liên tục được vinh danh trong năm năm liên tiếp​.​

Thực tế đã chứng minh rằng, trong nền kinh tế tri thức hiện nay, chính hành trình xây dựng sự bền vững sẽ tạo động lực cho sự sáng tạo và những đột phá đem đến những giá trị vượt bậc trong kinh doanh. Dĩ nhiên, thật không dễ để các bạn trẻ khởi nghiệp có được đầy đủ tất cả các tư tưởng đó. Tuy vậy, khởi nghiệp với tất cả các ý tưởng tốt đẹp có thể có, sẽ làm bạn tự tin hơn khi vấp ngã.

V​ì vậy, ​khởi nghiệp k​hông có​ tầm nhìn​ sẽ chỉ luôn là phong trào ​và thiếu tính bền vững.

Trương Sanh (ghi)

Nguồn: vnexpress

BÌNH LUẬN