Từ bỏ vị trí lãnh đạo tại các công ty tài chính, ba người bạn cùng tuổi bắt đầu hành trình khởi nghiệp với mô hình BeeHub về ẩm thực.

Sau 18 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đầu năm 2016, anh Lê Quý Hòa (sinh năm 1978) quyết định từ bỏ công việc để bắt đầu dự án BeeHub – KitchenHub for Bees – không gian chia sẻ cho những bạn trẻ kinh doanh ẩm thực.

Ý tưởng bắt đầu từ những trăn trở của về vấn nạn trong quản lý và giá thành thực phẩm. Nhiều bạn trẻ đam mê kinh doanh nhưng gặp khó khăn vận hành quy trình từ nguyên liệu, địa điểm, đối tác, shipper…

Không ít nhà hàng, quán bán đồ ăn online, mất nhiều thời gian nhận đơn hàng trên facebook và vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Chi phí vận chuyển lớn, đẩy giá sản phẩm lên quá cao so với giá trị sản phẩm; nhiều dự án dù có ý tưởng, tâm huyết vẫn phá sản bởi thiếu vốn, đánh giá sai nhu cầu thị trường…

“Cái họ cần là một giải pháp chia sẻ chung cùng vận hành chuỗi sản xuất với chi phí thấp nhất như mặt bằng, thuê nhân sự, đầu tư trang thiết bị, tìm đầu vào, đầu ra, vận hành đơn hàng… đồng thời kết nối với hệ thống khách hàng, nhà hàng trên thị trường. BeeHub cung cấp giải pháp toàn diện tối ưu chi phí dựa trên mô hình chia sẻ – xu hướng mới của các startup hiện nay”, anh Hòa nói.

Anh Hòa được tiếp thêm động lực hiện thực hóa dự án khi hai người bạn học cùng là Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Thị Diễm Hằng cùng tâm huyết và từ bỏ vị trí lãnh đạo tại các công ty tài chính ở Hà Nội xắn tay hỗ trợ.

Đều có kinh nghiệm gần 20 năm trong ngành tài chính – ngân hàng, rẽ ngang khởi nghiệp, anh Hòa và cộng sự gặp nhiều khó khăn khi thực hiện dự án.

Vốn kiến thức về lĩnh vực thực phẩm hạn hẹp, lòng tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm sạch khá thấp, chi phí đầu tư tìm các địa điểm lớn, nhân sự trong đó không ít lần các anh chị chật vật để xây dựng đội shipper bởi tư duy không xem đây là một nghề cố định…

nhom-ceo-7x-xay-dung-khong-gian-lam-viec-chung-cho-cac-startup-m-thuc

Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng – một trong 3 đồng sáng lập dự án.

Trong khi đó, mục tiêu ban đầu của nhóm đưa ra là mọi cách phải hạ thấp chi phí đầu tư các không gian (Hub) để thu hút các thành viên, khách hàng tham gia chuỗi. Có như vậy dự án mới có khả năng thành công. “Chúng tôi không gặp khó khăn về vốn đầu tư duy trì mà gặp vấn đề về tìm giải pháp hạ thấp chi phí cả về hình thức online lẫn offline”, chị Diễm Hằng chia sẻ.

Sau một thời gian nỗ lực, anh Hòa và cộng sự cũng liên kết được với một số đối tác để thực hiện kế hoạch chia sẻ mặt bằng. Theo đó, các thương hiệu có thể đưa sản phẩm vào địa điểm offline của BeeHub để dùng chung không gian bếp, bán hàng và  phục vụ. Do sử dụng một hệ thống đồng nhất, chi phí vận hành của khách hàng giảm đáng kể.

Ngoài ra, các thương hiệu có thể sử dụng hệ thống bán hàng online trên ứng dụng BeeHub. Việc vận hành đơn hàng hoàn toàn do trung tâm dịch vụ khách hàng và đội vận chuyển do anh chị xây dựng đảm nhiệm. Đây là “mảng” mà anh Hòa và cộng sự kỳ vọng nhiều bởi thị trường thực phẩm online có quy mô lớn so với thị trường bán tại chỗ, hứa hẹn doanh số cao cho các thương hiệu.

Dự án cũng đồng thời hỗ trợ các đơn vị đầu vào nguồn thực phẩm với giá tốt và truyền thông theo các kênh bán chéo đa dạng.

Thành viên BeeHub hướng đến chủ yếu là các startup thực phẩm có định hướng lâu dài, tạo dựng thương hiệu, chấp nhận các điều kiện kiểm soát an toàn thực phẩm và mong muốn vận hành cả kênh bán hàng online lẫn offline. Quyền lợi họ nhận được là tiết kiệm tối ưu thời gian kinh doanh và làm việc của nhân viên; giảm thiểu phí bán hàng, chăm sóc khách hàng, tiết kiệm phí vận chuyển cũng như đầu vào.

“Cơ chế thu phí của mô hình dựa trên doanh thu thực tế phát sinh; thành viên chỉ cần tập trung vào công thức chế biến để sản phẩm mang ra thị trường; lên phương án giá bán phù hợp mà không cần am hiểu nhiều về tài chính, vận hành”, nhà sáng lập dự án cho hay.

Với lợi thế chi phí thấp, khách hàng dễ dàng gia nhập cũng như rút lui… Sau hơn một năm vận hành, dự án đã có một trung tâm dịch vụ khách hàng, 4 không gian chia sẻ bếp nấu, vận hành (Hub), liên kết hàng chục nhà hàng, cửa hàng, hơn 30.000 khách hàng sử dụng dịch vụ, 80 nhân viên và hơn 30 dự án ẩm thực của các bạn trẻ tham gia.

Một trong số không gian làm việc chung cho các startup ẩm thực do Beehub cung cấp.

Một trong số không gian làm việc chung cho các startup ẩm thực do BeeHub cung cấp.

Là mô hình mới trên thị trường, theo vị đồng sáng lập (co-founder), BeeHub gần như không có đối thủ cạnh tranh. “Lúc này, chúng tôi có kinh nghiệm trong việc lượng hóa các chỉ tiêu về chi phí và doanh thu tại các địa điểm kinh doanh”, anh Trung chia sẻ.

Bộ ba CEO kỳ vọng mô hình triển khai thành công sẽ góp phần thay đổi thị trường ẩm thực online tại Việt Nam. Trong đó niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm an toàn có kiểm soát, giá thành sản phẩm giảm tối thiểu 20%, rút ngắn thời gian sản phẩm đến tay người tiêu dùng, hình thành nhiều thương hiệu ẩm thực mới trên thị trường.

Thời gian tới, dự án siếp tục mở thêm các không gian mới, gần với nhu cầu của khách hàng; nâng cấp ứng dụng và bổ sung nhiều tính năng trong bán hàng, quản lý như: đếm khách hàng vào ra, tính toán thời gian chờ đợi của khách hàng, nhận dạng khách hàng tự động …

Hiện, doanh nghiệp phối hợp với Khoa logistic trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội hoàn tất dự án phân công shipper và kho hàng tự động. Các thành viên đang tìm kiếm thêm các mặt bằng để mở rộng ra toàn Hà Nội trước khi phát triển ở các tỉnh thành khác trên cả nước.

Thanh Thư

Nguồn: vnexpress

BÌNH LUẬN