Lợi ích với người tiêu dùng, doanh nghiệp lẫn ngân hàng đã giúp mã QR trở thành xu hướng tại nhiều nước trên thế giới.
Mã QR (Quick Response Code – mã phản hồi nhanh) đã xuất hiện cách đây hơn 2 thập kỷ. Nó được công ty Nhật Bản – Denso Wave phát minh, ban đầu dùng cho ngành công nghiệp ôtô nước này, nhằm theo dõi tình trạng xe trong quá trình sản xuất.
QR là mã vạch 2 chiều, cấu tạo từ các chấm vuông nhỏ trên nền trắng, chứa thông tin đã mã hóa. Nó có thể được quét bởi một máy đọc mã vạch hoặc điện thoại thông minh.
Nhờ sự phát triển của các thiết bị di động, công nghệ này đang ngày càng được sử dụng cho nhiều mục đích. Người dùng có thể quét mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm, gửi đường dẫn đến website công ty, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, xem video, đặt mua hàng hoặc thanh toán.
Mã QR có thể chứa nhiều dạng thông tin đã mã hóa. Ảnh: AFP |
Báo cáo Thanh toán Thế giới (World Payment Report) của Capgemini và BNP Paribas năm 2017 dự báo năm 2019, một nửa số giao dịch trên thế giới sẽ là online hoặc qua thiết bị di động. Với sự phổ biến của QR Code, thanh toán di động có thể còn tăng mạnh.
Người dùng chỉ cần tải ứng dụng mobile banking của nhà băng, hoặc ứng dụng thanh toán điện tử có chức năng quét mã QR và đã liên kết với tài khoản ngân hàng. Khi thanh toán, họ chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR của cửa hàng, nhập số tiền và xác minh là có thể hoàn tất giao dịch.
Lợi ích lớn nhất của mã QR là tính linh hoạt, có lợi với cả người tiêu dùng, doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Nó có thể đại diện cho thẻ tín dụng, thẻ ATM, giúp người dùng không cần mang nhiều tiền mặt hay thẻ. Ngoài ra, việc này còn làm giảm rủi ro lộ thông tin tài khoản hay sai lệch số tiền cần thanh toán.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được tiền thuê thu ngân, hoặc lắp đặt thiết bị đọc thẻ. Việc này còn làm giảm chi phí phát sinh do tiền giả hay sai sót của con người.
Với các ngân hàng, thanh toán bằng mã QR sẽ giúp họ mở rộng mạng lưới cửa hàng chấp thận thanh toán. Do mã này có thể được sử dụng bởi các cửa hàng nhỏ hoặc thậm chí hàng vỉa hè. Tại Trung Quốc, giá trị giao dịch bằng mã QR của một hàng rong còn lên tới hàng trăm USD một tháng. Trong dài hạn, khi mã này trở nên phổ biến với tất cả khách hàng, nhà băng còn tiết kiệm được chi phí phát hành thẻ.
Mã QR có thể sử dụng theo 2 chiều, từ người bán hoặc người mua. Dạng thứ nhất hiện phổ biến hơn. Người bán sẽ dán mã QR tĩnh lên quầy thu ngân. Khách hàng chỉ cần quét mã này, nhập số tiền, mã PIN hoặc dùng vân tay xác nhận là hoàn tất giao dịch. Mã QR cũng có thể hiển thị dưới dạng động, trên một thiết bị thanh toán đầu cuối. Tuy nhiên, cách này không được ưa chuộng bằng.
Người mua cũng có thể tạo mã QR chứa thông tin thanh toán của mình. Khi giao dịch, người bán sẽ dùng máy quét kết nối với một thiết bị đầu cuối để thực hiện.
Mã QR được dùng phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh: Thenanfang |
Tại Mỹ và châu Âu, mã QR chưa thực sự bùng nổ. Chúng chỉ đang dần trở nên phổ biến trên các ứng dụng truyền thông xã hội. Snapchat, Facebook và Spotify đang khuyến khích người dùng quét mã để thêm bạn bè hay truy cập playlist.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, mã QR lại xuất hiện khắp mọi nơi, từ các cửa hàng bán lẻ lớn, chợ truyền thống đến người hát rong. Trên CNN, Shen Wei – Phó Giám đốc một viên nghiên cứu chuyên về QR ước tính năm ngoái, hơn 1.650 tỷ USD giao dịch tại đây được thực hiện qua mã QR, chiếm khoảng một phần ba tổng thanh toán trên thiết bị di động.
CNBC nhận định ít quy định quản lý và hệ thống tài chính kém phát triển rõ ràng đã cho phép Trung Quốc vượt mặt các nước phát triển về thanh toán di động. Quy mô thị trường này tại đây đã tăng hơn gấp đôi, lên 5.570 tỷ USD năm 2016.
WeChat Pay (Tenpay) của Tencent và Alipay của Alibaba là các ứng dụng thống trị tại Trung Quốc. Người dùng có thể dùng chúng để thanh toán trong cửa hàng bằng cách quét mã QR của sản phẩm, hoặc đưa mã cá nhân cho thu ngân. Số tiền sẽ được trừ vào ví di động đã liên kết với tài khoản ngân hàng của họ.
Trong khi đó, nhờ ứng dụng thanh toán di động Paytm, mã QR cũng đang dần phổ biến tại Ấn Độ. Biểu tượng ô vuông đen trắng này đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng tạp hóa, xe bán rau củ hoặc quán trà trên khắp nước này.
Với khoảng 300 triệu người dùng smartphone, thanh toán qua mã QR là cách tiết kiệm nhất cho các công ty muốn tăng hiện diện trên Internet. Dù chưa thực sự bùng nổ, tốc độ tăng trưởng người sử dụng QR Code tại đây cũng đang tương đương Trung Quốc trong 3 năm qua.
Mã QR hiện là ưu tiên chính sách của Ấn Độ với thanh toán điện tử, không chỉ để mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán số, mà còn giúp người tiêu dùng thao tác đơn giản hơn. Điểm khác biệt so với Trung Quốc chỉ là Ấn Độ có thể phát triển theo hướng chỉ dùng hệ thống thanh toán do các ngân hàng khởi xướng và mã QR sẽ được chuẩn hóa với tất cả tổ chức và các dạng thanh toán.
Nhiều nước Đông Nam Á, như Singapore, Thái Lan hay Malaysia cũng đang tập trung phát triển mã QR. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) hồi tháng 8 cho biết sẽ phát triển một hệ thống thanh toán bằng mã QR chung cho cả nước. Việc này sẽ hỗ trợ đáng kể cho các cửa hàng nhỏ. Malaysia cũng muốn chuẩn hóa mã QR qua công ty nội địa – Payments Network Malaysia. Còn Thái Lan đã thực hiện việc này từ cuối quý III, nhằm hỗ trợ phát triển chương trình thanh toán phi tiền mặt của ngân hàng trung ương.
Hà Thu (tổng hợp)
Nguồn; vnepress