Anh Kiều Minh Tuấn viết phần mềm cung cấp các thông tin về bất động sản từ vị trí, hình dạng, kích thước, giá bán, hạ tầng, pháp lý…
Ý tưởng phần mềm Tpizi đến với kỹ sư Kiều Minh Tuấn vào khoảng đầu năm 2014. Khi đó, CEO thuộc thế hệ đầu 7X nhận thấy quy hoạch và quản lý đô thị còn bất cập.
Theo anh Tuấn, ngành công nghiệp xây dựng sử dụng một tỉ trọng rất lớn các nguồn lực xã hội (cả nhân lực và vật lực) nhưng phương thức và phối hợp làm việc của ngành này áp dụng rất ít công nghệ thông tin khiến hiệu quả làm việc không cao.
Nguồn cung – cầu bất động sản tăng cao, song cách chủ đầu tư quản lý dự án vẫn theo mô tuýp cũ. Người dân phải liên hệ nhân viên môi giới, sau đó đến trực tiếp mục sở thị căn hộ. Khách hàng chưa có cái nhìn toàn cảnh về dự án, khó hình dung về bản vẽ thiết kế trên giấy, cũng như thiếu thông tin về bất động sản đang nhắm mua.
Không ít trường hợp cất công đến thăm 10 nơi, nhưng chưa tìm được căn hộ ưng ý. Thậm chí, nhiều dự án chưa được duyệt nhưng khách hàng không biết, vẫn mua bán bình thường dẫn đến tình trạng mất tiền, kiện tụng.
“Nếu có một phần mềm mô phỏng trực quan, dễ hình dung, đầy đủ thông tin cho người mua nhà không am hiểu về bản vẽ xây dựng, thì các bất động sản sẽ tiếp cận gần khách hàng hơn. Khi đó, chủ đầu tư tối ưu được chi phí quản lý dự án, dễ dàng kết nối đến người mua,”, kỹ sư Tuấn trăn trở.
Giao diện trực quan của Tpizi, cung cấp đầy đủ thông tin cho người mua nhà không am hiểu về bản vẽ xây dựng. |
Sau khi tìm hiểu, CEO 45 tuổi rủ người bạn tâm giao là kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn bắt tay xây dựng Tpizi. Cả hai từng chung vốn khởi nghiệp, mở một công ty xây dựng từ năm 2005 đến nay. Ở dự án mới, anh Tuấn phải mời thêm các chuyên gia thiết kế quy hoạch, bất động sản, công nghệ thông tin cùng phối hợp.
Tpizi là sản phẩm công nghệ tương đối lớn, bao gồm các lĩnh vực cơ sơ dữ liệu, điện toán đám mây, hệ thông tin địa lý toàn cầu GIS, quản lý thông tin xây dựng theo mô hình BIM (building information management) nên việc phát triển tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian.
Toàn bộ phần mềm hướng đến đô thị thông minh, số hoá đô thị, toà nhà và hệ thống hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở dữ liệu cho các ứng dụng quản lý. Ngoài ra, phần mềm còn là nền tảng cho quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp và tra cứu thông tin của người dân
Kỹ sư Kiều Minh Tuấn ví Tpizi như chiếc flycam bay trên cao, bao quát mọi thông tin về bất động sản đô thị Việt từ vị trí địa lý, hình dạng, kích thước, giá bán, hạ tầng đi kèm đến tình trạng mua bán, giấy tờ pháp lý…
Ứng dụng biến những bản vẽ thiết kế khó hiểu với đa số người dân, thành những hình ảnh trực quan sinh động trên bản đồ Google Map. Họ có thể tra cứu mọi thông tin minh bạch, nhanh chóng về dự án. Ngược lại, doanh nghiệp cũng dễ dàng quản lý (hồ sơ, hợp đồng, khách hàng, số lượng tồn kho…) từ lúc chuẩn bị đến khi mở bán và hoàn thiện.
Tính năng “Sàn giao dịch bất động sản” cho phép kết nối người mua và bán, đăng ký giữ chỗ, trao đổi trực tuyến… Với Nhà nước, phần mềm số hoá toàn bộ quy hoạch đô thị, số hoá các toà nhà giúp cơ quan quản lý trong việc công bố các dự án được quy hoạch, ở đâu, khi nào… cho doanh nghiệp và người dân
Dù rất nhiều ưu điểm nhưng sau hơn một năm, startup cũng chưa có đơn hàng vì đối tượng khách khá đặc biệt, chỉ hợp với doanh nghiệp nhiều dự án bất động sản.
Tín hiệu tốt đến với startup này khi nhận được đơn đặt hàng từ một dự án đô thị tại Thái Bình. Chủ đầu tư hy vọng phần mềm giúp họ giải quyết tình trạng nhiều khách hàng đặt mua cùng lúc một lô đất, chi phí vận hành đội ngũ kinh doanh cao… Sau một tháng thử nghiệm Tpizi, chủ đầu tư bán được 70% trong tổng số 1.000 lô đất mà không gặp sai sót đáng kể nào.
Từ sau lần giao dịch đầu tiên, tiếp tục nhiều chủ đầu tư lớn khác tìm đến anh Tuấn. Đến nay, ứng dụng đã số hóa gần 100 như dự án trên khắp các tỉnh thành Việt Nam..
Ngoài bất động sản, anh Tuấn còn sáng tạo Tpizi với chức năng là công cụ quản lý đô thị thông minh cho Nhà nước. Kỹ sư 7x cho biết, thế giới đang bước vào thời kỳ tăng tốc đô thị hóa. Năm 1950, khoảng 30% dân số thế giới sống ở các thành phố. Ngày nay, thị dân chiếm đến 55% tổng số 7,5 tỷ người. Theo dự báo đến năm 2050, khi dân số thế giới đạt 9 tỷ người, 65% sẽ chuyển đến thành phố. Đô thị giống như thỏi nam châm hút giới trẻ và doanh nghiệp bất động sản, càng phình to thì Nhà nước càng khó kiểm soát.
Kỹ sư Kiều Minh Tuấn (trái) ký hợp tác phát triển phần mềm với Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị. |
Theo đó, toàn bộ dữ liệu quy hoạch, hạ tầng được số hóa và kết nối với bản đồ trực tuyến, cung cấp cơ sở dữ liệu cho các phòng ban chuyên môn thực hiện nghiệp vụ quản lý, cấp phép xây dựng. Tpizi cũng số hóa các dự án quy hoạch theo từng phường, quận, thành phố, tỉnh và cho phép sửa đổi thông tin sau mỗi lần kiểm tra thực địa.
“Chúng tôi lèo lái startup hoạt động theo mô hình tiết kiệm. Đặc thù công việc cần chất xám và máy tính kết nối Internet, nên giảm thiểu được nhiều chi phí. Tpizi sử dụng nền tảng mã nguồn mở như MongoDB, backend dùng NodeJs, GIS server dùng Geo-Server… Các mã nguồn này có chi phí thấp, chạy được trên nhiều nền tảng, mà vẫn chủ động công nghệ khi mở rộng quy mô”, anh Tuấn chia sẻ cách tháo dỡ khó khăn trong giai đoạn đầu.
Ngày 4/5/2017, Tpizi còn ký hợp tác phát triển phần mềm với Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị. Phần mềm dễ học, dễ sử dụng, tương thích với mọi thiết bị, được đánh giá là giải pháp quản lý đô thị thông minh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Trải qua quá trình phát triển dự án phần mềm Tpizi, kỹ sư CEO Kiều Minh Tuấn cho biết phải thực sự kiên trì và đam mê thì mới có thể đi hết con đường. “Sáng tạo, thông minh thì bạn trẻ nào cũng có nhưng phải thêm kiên trì thì mới mang lại thành công”, nam kỹ sư 7x chia sẻ.
An San
Nguồn: vnexpress