Room tín dụng đã được nới, nguồn vốn cho nền kinh tế tiếp tục được “bung” ra thông qua các chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các ngân hàng thương mại đã sẵn sàng cho mùa kinh doanh cuối năm và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay ở mức 21-22%.
Ngân hàng tăng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm an toàn, hiệu quả |
Hàng loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nới room tín dụng nhằm bảo đảm cung ứng vốn cho doanh nghiệp thực hiện kế hoạch kinh doanh cuối năm. Thực tế 8 tháng đầu năm, mức tăng tín dụng của toàn hệ thống khá tốt, nhiều ngân hàng đã chạm hoặc gần đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Đơn cử, Vietcombank đạt 13,86%, BIDV đạt 11,4%, VietinBank 10,2%, VIB đạt 15,7%, MB đạt 14,6%, VPBank tăng trưởng 13,3% …
Theo đề xuất của các NHTM, NHNN chấp thuận tăng chỉ tiêu tín dụng với mức tăng từ 2-8% tùy theo quy mô của từng ngân hàng. Theo đó, Vietcombank được chấp thuận nới tăng trưởng tín dụng từ 16% lên 18%, room tín dụng của VietinBank cũng tăng lên mức 18%; OCB tăng từ 14% lên 22%; VIB từ 16% lên 24% và TPBank từ 16% lên 20%…
Hiện tại, nhiều NHTM đã thực hiện các chương trình tài trợ vốn cho doanh nghiệp với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, đặc biệt hướng vào các doanh nghiệp SME, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã dành gói tín dụng 2.500 tỷ đồng triển khai 2 chương trình: “Tiếp sức thành công” và “Tài trợ nhanh theo khu vực” với mức lãi suất vay ưu đãi từ 6,5%/năm. Với chương trình “Tiếp sức thành công”, sẽ có 17 ngành nghề được ưu tiên cho vay thời hạn 6 tháng với mức ưu đãi từ 6,5%/năm như: Thuốc, hóa dược, dược liệu; cao su, nhựa, phân bón, hóa chất; điện tử, máy vi tính quang học, thiết bị viễn thông; dệt, may, sản xuất trang phục và da giày; nông sản, lương thực, thực phẩm… Chương trình “Tài trợ nhanh theo khu vực” được SHB tập trung cấp vốn cho các ngành kinh tế ưu tiên dựa trên kết quả khảo sát đặc điểm kinh tế – xã hội vùng. Với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm, thời gian vay lên tới 12 tháng, các doanh nghiệp SME thuộc vùng kinh tế ở các khu vực: Đông Nam bộ, Nam Trung bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; TP. Hồ Chí Minh; Tây Nguyên; Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Hồng sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp để tháo gỡ các khó khăn và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại VPBank, bên cạnh nguồn vốn với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp, ngân hàng còn tổ chức huấn luyện chuyên sâu về kỹ năng xuất khẩu cho hơn 50 cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại tại các địa phương và doanh nghiệp SME trên địa bàn Hà Nội nhằm cung cấp các kỹ năng liên quan tới xuất khẩu như: Nghiên cứu thị trường, các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm xuất khẩu, marketing xuất khẩu… cũng như cách thức tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phục vụ hoạt động xuất khẩu.
Maritime Bank tháo gỡ khó khăn tài sản thế chấp cho doanh nghiệp thông qua gói vay tín chấp. Theo ông Huỳnh Bửu Quang – Tổng giám đốc Maritime Bank – gói sản phẩm vay không cần thế chấp tài sản hoàn toàn có thể được giải ngân với số tiền lên tới 4 tỷ đồng, được giải quyết trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ với lãi suất cạnh tranh. Với gói vay này, các doanh nghiệp có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, tài trợ thương mại, phát hành tín dụng thư L/C hay dự phòng vốn sử dụng khi đột xuất đều có thể được ngân hàng hỗ trợ.
Theo thống kê của NHNN, hiện tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chiếm khoảng 80%. 8 tháng qua, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 10%; công nghiệp, xây dựng tăng 9,46%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,12%; vận tải kho bãi tăng 13,24%. |