Bán lại công ty mang tới khoản tiền lớn trước mắt, còn IPO giúp startup có nguồn lợi lâu dài nếu sản phẩm được thị trường đón nhận.

Từ năm 2016, các startup thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) như Blue Apron, Cloudera, Snap và Tintri có những bước phát triển mạnh. Bên cạnh các công ty IPO thành công, nhiều startup lựa chọn bán lại cho những công ty lớn, trong số đó có thương vụ mua lại AppDynamic trị giá 3,7 tỷ USD đầu năm nay của Cisco – công ty áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong bảo mật.

Các công ty lớn mua lại startup khi họ muốn củng cố thị trường sản phẩm cùng phân khúc hoặc triệt tiêu những đối thủ tiềm năng tương lai. Trường hợp của Dollar Shave Club được Unilever mua lại với giá 1 tỷ USD năm 2016. Số tiền này cao gấp 5 lần lợi nhuận kỳ vọng của hãng trong năm đó, đây được đánh giá là một trong những thương vụ mua bán lớn nhất trong ngành thương mại điện tử.

Lựa chọn IPO để giúp doanh nghiệp phát triển.

Lựa chọn IPO để giúp doanh nghiệp phát triển.

Theo Adena Friedman – giám đốc điều hành Nasdaq (một trong những sàn chứng khoán lớn nhất Mỹ), các công ty IPO giúp tăng 76% số việc làm, đây cũng là thời điểm quyết định đến sự thành công của startup.

Mặc dù nhiều nhà đầu tư dễ bị hấp dẫn bởi số tiền và quyền lợi các doanh nghiệp lớn bỏ ra để mua lại startup của mình, tuy nhiên điều quan trọng chính là các lãnh đạo startup nhận định thế nào về tiềm năng của công ty. Việc bán lại startup có thế mang tới nguồn lợi lớn trước mắt, nhưng nếu startup đó có sản phẩm tốt, có tiềm năng phát triển sau khi IPO, đó sẽ là món “lỗ” không thể nào bù đắp được của các nhà đầu tư.

Sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư trên thị trường là cơ hội để startup tăng mức định giá cho doanh nghiệp. Từ tháng 1/2004 đến tháng 3/2017, số lượng các quỹ đầu tư tại Mỹ từ 5.350 lên thành 16.064 quỹ (theo số liệu thống kê từ Dow Jones, VentureSource). Trong khi đó, không có nhiều unicorn (startup được định giá trên 1 tỷ USD) xuất hiện trên thị trường.

Mặt khác, IPO cũng mang tới những rủi ro tiềm ẩn. Startup quyết định niêm yết lần đầu phải cẩn trọng hơn trước những quy định nghiêm ngặt và chi phí hoạt động cao. Áp lực từ thị trường có thể khiến những công ty này chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, gặp nhiều thách thức lớn. Nhưng xét về dài hạn, việc IPO giúp startup có nhiều lợi nhuận hơn so với việc bị mua lại, trong trường hợp sản phẩm của startup đó phải thực sự tốt và được thị trường đón nhận.

Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo startup cần phải cân nhắc rõ điều gì có lợi nhất cho công ty mình. IPO hay bán lại công ty đều mang tới những cơ hội và thách thức khác nhau, buộc người lãnh đạo phải lựa chọn.

Lạc Thảo (Theo VentureBeat)

Nguồn: vnexpress.net

BÌNH LUẬN