Một khảo sát được Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện và công bố gần đây cho thấy bữa ăn của trẻ 6-11 tuổi ở 6 tỉnh thành được khảo sát chỉ đáp ứng 76% nhu cầu năng lượng.
Sức vóc của trẻ em sau này phụ thuộc vào bữa ăn và sự rèn luyện.-Ảnh: Quang Định |
Bữa ăn của trẻ cũng rất thiếu canxi, nhóm 6-9 tuổi chỉ được đáp ứng 59% canxi, khẩu phần sắt của nhóm 6-9 tuổi đạt 68%, nhóm 9-11 tuổi đạt 54%…
Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Trương Hồng Sơn trao đổi với TTCT rằng cách đây hơn 10 năm, khi ông còn là thư ký của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, chương trình đã xây dựng thực đơn chuẩn cho bữa ăn học đường.
“Khó khăn khi đó là tài chính, các nhà tài trợ chưa mặn mà, chưa có hỗ trợ từ Chính phủ và nếu áp dụng đúng chuẩn, chi phí bữa ăn học đường cao thì cha mẹ ở nhiều vùng sâu, vùng xa không đủ tiền cho trẻ đến trường, số các cháu được đến trường sẽ giảm. Vì thế chương trình chỉ thí điểm được bữa ăn chuẩn ở một số nơi, chưa phát triển được nhiều” – ông Sơn nói.
Mạnh ai nấy lo
Chị Châu, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho hay cách đây hai năm chị đã phải mua một hộp ủ cơm để con gái học cấp II mang cơm đến trường, dù rất lích kích và trường có nhà bếp phục vụ bữa ăn cho trẻ.
Khi tìm hiểu, chị Châu và ban phụ huynh té ngửa là hầu hết các cháu chê cơm nhà trường không ngon và đều ăn rất ít, các cháu không đủ no và rủ nhau mang cơm từ nhà đến trường học.
Mỗi bữa trưa, tất cả các ổ điện của lớp đều được sử dụng để cắm hộp ủ cơm, lớp học có thêm mùi nước mắm, mùi đồ ăn rất bất tiện cho các giờ học sau đó.
Có hai hình thức chính cung cấp suất ăn cho học sinh hiện đang được các nhà trường áp dụng: nhà trường tự tổ chức bếp ăn và giao cho một nhà thầu cung cấp suất ăn cho nhà trường.
Đại diện một cơ sở kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cho hay năm 2016 đã “làm ầm lên” hai vụ việc liên quan đến chất lượng bữa ăn trường học ở quận Ba Đình và quận Tây Hồ.
Ở Tây Hồ phát hiện rau bẩn tuồn vào bếp nhà trường, còn ở trường thuộc quận Ba Đình thì học sinh bị nôn và buồn nôn sau bữa ăn.
“Sau đó chúng tôi có làm một nghiên cứu về chất lượng và an toàn bữa ăn trường học ở Hà Nội, nhưng cái khó là các trường đều được báo trước khi đoàn đến kiểm tra, lấy mẫu.
Vì thế chúng tôi đến đều thấy người chế biến sử dụng găng tay, quy trình chế biến chuẩn, chỉ có một lần đến lấy mẫu được và không báo trước thì kết quả khác hẳn” – vị đại diện này cho biết.
Hiện chưa có khảo sát nào đủ rộng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, định lượng bữa ăn học đường.
Trong khi ở nhiều trường lớn mỗi bữa trưa phục vụ tới gần 2.000 học sinh, nếu không đảm bảo quy trình chế biến, định lượng thực phẩm cho mỗi cháu và nguồn thực phẩm chuẩn thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe trên diện rộng, chưa nói đến yêu cầu nâng cao sức khỏe và thể chất của trẻ khó có thể đạt được.
Bữa ăn trường học: 50% nhu cầu năng lượng cho trẻ
Theo ông Trương Hồng Sơn, ở nhóm trẻ mầm non thì có những trường học cung cấp 2-3 bữa ăn trong số 5 bữa ăn trong ngày của trẻ, chất lượng bữa ăn trường học đáp ứng đến 50% nhu cầu năng lượng cho trẻ phát triển.
“Trước đây khi xây dựng thực đơn chuẩn, chúng tôi chú ý thực đơn theo mùa, theo vùng và chú ý yếu tố giá cả, do cha mẹ đóng góp chính trong tiền ăn này, nếu giá cao quá cha mẹ sẽ khó khăn, nhưng bữa ăn trong ngày phải đáp ứng nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi của trẻ, như nhóm 1-3 tuổi cần 1.170 kcl/ngày, nhóm từ 3 tuổi cần trên 1.400 kcl/ngày…” – ông Sơn cho hay.
Ông Sơn cũng cho rằng thực đơn này cần được tính toán cho phù hợp với từng nhóm trẻ, các cháu béo phì sẽ phải có chế độ ăn khác với cháu suy dinh dưỡng, vì vậy nếu triển khai thì cần tập huấn đầy đủ cho các cô nuôi dạy trẻ và người phụ trách bếp ăn nhà trường.
Nếu làm tốt bữa ăn học đường, ông Sơn cho rằng chắc chắn tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng sẽ giảm, từ đó phát triển được tầm vóc tốt hơn.
“Có hai giai đoạn trẻ sẽ phát triển tốt về tầm vóc, đó là thời điểm từ lúc trẻ trong bào thai đến khi trẻ 2 tuổi, và giai đoạn thứ hai là giai đoạn học đường.
Nếu can thiệp để cải thiện tầm vóc của trẻ thì bên cạnh can thiệp hỗ trợ cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, cũng cần can thiệp vào bữa ăn của lứa trẻ đi nhà trẻ và lứa trẻ học đường.
Nhưng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì trẻ ít đến nhà trẻ, vì thế nên tính đến yếu tố địa lý và vùng miền khi thực hiện các biện pháp can thiệp” – ông Sơn khuyến cáo.
Theo kết quả các khảo sát ít ỏi đã có, khẩu phần ăn hiện nay của trẻ (bao gồm cả bữa ăn ở trường học) chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho trẻ.
Cụ thể ở 6 tỉnh thành tham gia khảo sát, bữa ăn của nhóm trẻ 6-11 tuổi chỉ đáp ứng được 76% nhu cầu năng lượng, bữa ăn cũng chưa cung cấp đủ các vi chất như sắt, kẽm, canxi… theo khuyến nghị của cơ quan y tế.
Trong gần ba năm qua, tại Đà Nẵng, TP.HCM, mới đây là Hải Phòng và Hà Nội đã có một số trường học áp dụng bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú với 40 thực đơn chuẩn, bộ thực đơn này cũng đã được cung cấp miễn phí từ đầu năm 2017 trên Internet để các trường tiện áp dụng.
Theo bà Bùi Thị Nhung – trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề Viện Dinh dưỡng quốc gia, ở Nhật có luật quy định mỗi trường phải có một cử nhân dinh dưỡng tiết chế để xây dựng thực đơn cho học sinh, song hành với chuyên gia dinh dưỡng này là giáo viên dinh dưỡng giúp học sinh làm quen với bữa ăn lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ.
“Mỗi trường học của chúng ta ít thì có vài trăm học sinh, nhiều là hàng ngàn học sinh, giờ bắt đầu triển khai quản lý và giáo dục dinh dưỡng cho trẻ như người Nhật liệu có quá sức mình?” – bà Nhung đặt vấn đề.■
Theo Tuổi Trẻ