Nữ nạn nhân kể cô cũng như nhiều nạn nhân khác luôn phải ngồi túc trực tại nhà thổ, khách sạn và cả sòng bạc trong tình trạng khỏa thân chờ khách tới.

Shandra Woworuntu, người Indonesia, chia sẻ với BBC về quá khứ đau buồn khi cô vô tình trở thành nô lệ tình dục tại xứ sở cờ hoa:

Tôi đến Mỹ đầu tháng 6/2001. Vừa đáp xuống sân bay, Johnny đã đứng đợi sẵn ở sảnh để đưa tôi về khách sạn, nơi tôi sẽ làm việc trong 6 tháng tới. Khách sạn này nằm ở Chicago, trong khi tôi đáp chuyến bay xuống sân bay quốc tế JFK ở New York, cách xa đến hơn 1.000 km.

Lúc đó tôi mới 24 tuổi, còn ngây thơ nên chẳng mảy may nghi ngờ.

Khi tiếng gọi “Mama – san” cất lên

Sau khi lấy bằng đại học về Tài chính, tôi trở thành chuyên gia phân tích và giao dịch viên cho một ngân hàng quốc tế ở Indonesia. Song, vào năm 1998, tôi bị sa thải, do khủng hoảng kinh tế.

Nu cu nhan vo tinh tro thanh no le tinh duc o My hinh anh 1
Shandra Woworuntu – Nạn nhân của vụ buôn người gây chấn động nước Mỹ. Ảnh:

BBC.

Để có thể trang trải cuộc sống và chăm sóc cô con gái 3 tuổi, tôi tìm kiếm những công việc ở nước ngoài, trong lĩnh vực khách sạn.

Tôi quyết định đặt chân tới Mỹ. Ngay khi mới gặp nhau, Johnny đã yêu cầu giữ toàn bộ giấy tờ, bao gồm cả hộ chiếu, của tôi và 5 người khác. Mọi chuyện cũng bắt đầu trở nên kỳ quặc từ đây.

Chúng tôi đổi xe liên tục, mỗi lần như vậy lại có một tài xế mới. Họ trao đổi tiền bạc, thì thầm to nhỏ và chẳng có vẻ gì sẽ đi đến khách sạn tại Chicago. Cuối cùng, người tài xế thứ 4 dẫn tới một ngôi nhà ở Brooklyn, nhốt chúng tôi lại và cất tiếng gọi: “Mama -san. Có gái mới”.

Đến lúc này thì tôi sợ hãi thật sự, bởi tôi biết “mama – san” là cách mà người ta gọi những bà chủ chứa. Hơn nữa, tôi còn nhìn thấy một bé gái, tầm 12 – 13 tuổi, bị đánh đập trên sàn nhà, mặt đầm đìa máu.

Chỉ vài giờ sau khi đến Mỹ, tôi bị cưỡng hiếp. Quá sợ hãi, tôi chỉ kịp nghĩ rằng mình nên làm theo những gì chúng yêu cầu, nếu muốn sống, muốn tồn tại.

Ngày hôm sau, Johnny đến và giải thích mọi chuyện chỉ là hiểu nhầm. Anh ta nói rằng chúng tôi sẽ làm thẻ nhân viên và may đồng phục.

“Sẽ ổn thôi. Yên tâm là chuyện này sẽ không xảy ra nữa”, Johnny trấn an. Tôi tin hắn và tự nhủ rằng cơn ác mộng này đã kết thúc, và tôi sẽ đến Chicago để bắt đầu công việc.

Nhưng không, hắn đưa chúng tôi đến cửa hàng đồ lót. Tôi biết rằng mình đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Những gã đi theo tôi, chúng cầm súng và ra dấu hiệu rằng: “Mày đừng cố làm bất cứ điều gì đó ngu ngốc”.

Ngày hôm sau, chúng đưa tôi tới quán bar, bắt tôi phải trở thành vũ nữ. Những kẻ buôn người đến từ Indonesia, Đài Loan, Malaysia, và cả Mỹ. Chỉ một vài người trong số chúng nói được tiếng Anh, thậm chí có kẻ còn cầm trong tay huy hiệu cảnh sát.

“Kẹo ngọt” của những kẻ buôn người

Chúng gọi tôi là “Candy” (kẹo ngọt) và nói rằng tôi nợ chúng 30.000 USD. Tôi sẽ được trả 100 USD cho mỗi lần phục vụ khách.

Về sau, tôi được đưa tới nhà thổ, khách sạn và cả sòng bạc dọc con đường cao tốc Interstate 95. Những cô gái như tôi luôn phải ngồi túc trực tại đó, khỏa thân chờ khách tới.

Ngay cả khi vắng người, chúng tôi cũng không bao giờ có nổi một giấc ngủ trọn vẹn, khi liên tục bị hãm hiếp bởi những kẻ buôn người. Đôi khi tôi ước mình là gái bán dâm. Ít ra, họ phục vụ khách và được trả tiền, tự do ra vào, không phải là những nô lệ tình dục.

Nu cu nhan vo tinh tro thanh no le tinh duc o My hinh anh 2
Nhà thổ tại Brooklyn, nởi đầu tiên Shandra được đưa tới khi đến Mỹ. Ảnh: BBC.

Khi đưa tôi đến các khách sạn của sòng bạc để tiếp khách, những tên bảo vệ luôn trực chờ ở ngoài sảnh. Khách hàng thì đủ cả, từ những gã mafia châu Á, đến những người đàn ông da trắng, da đen. Trong số họ có cả người già và sinh viên đại học. Họ sở hữu tôi trong 45 phút, và có quyền làm tất cả điều gì họ thích với tôi, thậm chí là đánh đập hành hạ. Lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ đến việc phải bỏ trốn.

Rồi một ngày, tôi được đưa trở lại nhà thổ ở Brooklyn, nơi đầu tiên tôi tới khi đặt chân đến Mỹ. Tôi ở đó với Nina, cô bé đồng hương 15 tuổi, và sau này trở thành người bạn thân thiết của tôi.

Không lâu sau, tôi và Nina đã cùng nhau bỏ trốn. Tôi gọi tới số điện thoại được quản lý nhà thổ cho trước đó. Một người đàn ông Indonesia ở phía bên kia đường dây trả lời. Anh ta tới gặp, mang theo đồ ăn và cả thức uống, đồng thời cho chúng tôi chỗ nghỉ.

Chỉ vài tuần sau đó, hắn bắt đầu ép chúng tôi tiếp khách. Khi chúng tôi từ chối, hắn gọi cho Johnny. Đến lúc này, tôi mới biết rằng, cả hắn ta, người đàn bà trong nhà thổ Brooklyn và Johnny là cùng hội cùng thuyền.

Hành trình tìm lại chính mình

Một lần nữa, tôi bỏ trốn nhưng không thể nào đưa Nina theo cùng. Tôi đến đồn cảnh sát, Lãnh sự quán Indonesia cầu xin sự giúp đỡ nhưng không một ai tin tưởng.

Tôi lang thang trên khắp những con phố ở New York, đêm nằm vạ vật ở ga tàu điện ngầm hay Quảng trường Thời đại. Và rồi một ngày, tại công viên Grand Ferry, tôi gặp thủy thủ tên Eddy tới từ Ohio. Anh ta mang cho tôi đồ ăn và còn dặn rằng hãy quay trở lại đây vào trưa ngày mai, sau khi nghe câu chuyện của tôi.

Hôm sau, Eddy đưa tôi đến sở cảnh sát. Hai thám tử đã liên tục đặt cho tôi những câu hỏi về địa chỉ chính xác của các nhà thổ và danh sách những sòng bạc nơi tôi bị bắt tiếp khách.

Tôi được đưa tới nhà thổ ở Brooklyn và ở đó đã có sẵn những cảnh sát ngầm giả trang thành những người vô gia cư, sẵn sàng ập vào bất cứ lúc nào.

Chỉ một tiếng sau khi cuộc đột kích chính thức diễn ra, ngôi nhà đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Johnny bị bắt cùng 3 cô gái khác, và trong số đó, tôi nhận ra Nina. Cuối cùng, sau biết bao đau khổ, chúng tôi lại được tự do, được sống cuộc đời của chính mình.

Nu cu nhan vo tinh tro thanh no le tinh duc o My hinh anh 3
Shandra Woworuntu chụp ảnh cùng với kẻ buôn người. Ảnh: BBC.

Johnny bị kết tội buôn bán người trái phép. Còn tôi được Safe Horizon, một tổ chức chuyên giúp đỡ nạn nhân của những vụ trọng án, hỗ trợ tìm kiếm nơi ở cũng như một công việc mới  tại Mỹ.

15 năm đã trôi qua, đôi khi những ký ức vẫn ùa về nhưng tôi biết rằng, mình không thể một lần nữa gục ngã. Con gái tôi giờ đã là một cô gái trưởng thành, tôi cũng có thêm một cậu con trai 10 tuổi. Tôi nghĩ rằng mình cần giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh như mình.

Tôi thành lập tổ chức Mentari, chuyên hỗ trợ những nạn nhân buôn người tái hòa nhập với cộng đồng, giúp đỡ tìm kiếm cho họ công việc. Đồng thời, tôi xuất bản sách hay làm diễn giả, giúp mọi người nhận ra, nước Mỹ không phải lúc nào cũng đầy hứa hẹn, rằng mỗi năm có từ 17.000 đến 19.000 người được đưa tới đây và trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người vô nhân tính

Nguồn:zing.vn

BÌNH LUẬN