“Chúng ta cũng không đồng tình với việc gây áp lực bằng cách giữ cán bộ. Nhưng chúng ta phải rút kinh nghiệm, đối thoại với người dân”, Chủ tịch nước nói về vụ việc ở xã Đồng Tâm
Sự việc ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được nhiều cử tri TP.HCM chất vấn tại phiên tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trần Đại Quang chiều 26/4. Phát biểu trước đông đảo cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thừa nhận việc khiếu kiện, tranh chấp về đất đai đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Đối với sự việc tại Đồng Tâm, Chủ tịch nước cho biết “đang chỉ đạo TP Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện vụ việc”, từ nguyên nhân, quá trình xử lý đến bài học rút ra.
Theo Chủ tịch nước, vấn đề quan trọng phải nắm chắc tình hình, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao để xảy ra tình trạng đó. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp giải quyết có hiệu quả có tình, có lý.
“Muốn vậy, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời, cũng phải giải thích cho dân hiểu được những chủ trương chính sách, quyết định của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở để tạo nên sự đồng thuận”, Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh phải luôn lắng nghe ý kiến của người dân để tránh những vụ việc tương tự như ở Đồng Tâm. Ảnh: H.Hương. |
Trao đổi với cử tri TP.HCM, ông Trần Đại Quang một lần nữa nhấn mạnh phải luôn giữ nghiêm kỷ cương phép nước nhưng đồng thời cũng phải mở rộng dân chủ, phải gần dân, sâu sát dân để lắng nghe ý kiến người dân, tìm hiểu ngọn nguồn nguyên nhân sự việc.
“Chúng ta cũng không đồng tình với việc gây áp lực bằng cách giữ cán bộ. Nhưng chúng ta phải rút kinh nghiệm việc này. Phải đối thoại, trao đổi với người dân để tạo sự đồng thuận”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Trước đó, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) bày tỏ: “Vụ việc ở xã Đồng Tâm nếu như không có phản kháng gay gắt của người nông dân và nếu như người đứng đầu TP Hà Nội không trực tiếp đối thoại với dân thì biết bao giờ tiếng nói của dân mới đến tai lãnh đạo thành phố?”
Từ sự việc này, cử tri đề nghị Quốc hội giám sát quá trình quy hoạch và thực hiện các dự án tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội chứ không chỉ với dự án lớn từ ngân sách Nhà nước. Việc Thủ tướng mới đây dừng dự án thép Cà Ná cũng do các phản biện và áp lực từ dư luận.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu bày tỏ sự nghiệp ở Đồng Tâm thể hiện người dân bức xúc đến mức “tức nước vỡ bờ”. Ảnh: H.Hương. |
Cử tri Lê Văn Sỹ (quận 4) cũng chất vấn: “Vụ việc ở Đồng Tâm tại sao để kéo dài không giải quyết đến khi người dân bức xúc, bắt giữ công an gây sức ép lên chính quyền rồi mới giải quyết”.
Từ đó, cử tri cũng bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước xem xét lại các dự án đã và đang thực hiện có ảnh hưởng đời sống người dân. “Cái gì người dân đồng ý mới được thực hiện”, ông Sỹ nói.
Sự việc tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) bùng phát vào ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất đai ở đồng Sênh. Nhiều người dân đã phản ứng lực lượng thi hành công vụ và bắt giữ 38 cán bộ, công an.
Ngày 17/4, người dân đã thả 15 cảnh sát cơ động, 3 người khác tự giải thoát. Ngày 21/4, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức được thả về.
Chiều 22/4, sau khi đối thoại với Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người dân xã Đồng Tâm đã thả tự do 19 cán bộ huyện Mỹ Đức và các chiến sĩ công an, cảnh sát cơ động. Lãnh đạo Hà Nội cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự toàn bộ người dân Đồng Tâm. Thành phố cũng sẽ tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương trong vòng 45 ngày.
Nên có lộ trình giảm xe máy
Ông Lê Minh Số (quận 1, TP.HCM) đề xuất lộ trình giảm xe gắn máy. Ông Số cho rằng đây là chủ trương sáng suốt, nên làm. “Tại sao người dân quay lưng với xe buýt? Vì xe buýt trễ giờ, chạy chậm, vì đường đã đặc kín xe máy và xe buýt không chạy được”, ông Số nói.
Cử tri này cho hay phải nghiêm cứu từng bước, phân luồng riêng cho xe máy và xe buýt. Bên cạnh đó, chính quyền phải tuyên truyền để người dân tin dùng các phương tiện giao thông công cộng.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3, TP.HCM) đề nghị khoan tính việc cấm xe máy vì trước mắt Nhà nước chưa đủ ngân sách để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, xe buýt, tàu điện ngầm, chưa có khả năng bán rẻ xe ô tô đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Từ đó, ông Châu cho rằng cũng chưa thể cấm lập tức việc nhập khẩu xe gắn máy.
Cử tri này cho rằng phải có giải pháp khả thi và lộ trình lâu dài theo từng bước. Ông Châu ví von việc cấm xe máy ngay lập tức chẳng khác gì bắt học sinh tiểu học chỉ trong vài ba năm nhảy vọt lên học đại học.
Kiến nghị về hoạt động giành lại vỉa hè cho người đi bộ thời gian vừa qua, ông Châu cho rằng sau một thời gian thực hiện, Nhà nước phải xây dựng thành mô hình để áp dụng trên diện rộng. “Điều quan trọng là phải thường xuyên giám sát, tránh rơi vào tình trạng ‘đánh trống bỏ dùi’”, ông Châu nói.
Nguồn: zing.vn