“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là câu nói rất đúng và không bao giờ cũ trong thời đại ngày nay. Đối với trẻ em nói riêng, việc tiêm chủng càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, vì vaccine kích hoạt hệ miễn dịch trong cơ thể bé mà không hề gây bệnh. Đây là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.
Kể từ lúc sinh, trẻ bắt đầu tiếp xúc với rất nhiều virus, vi khuẩn và các vi sinh vật gây bệnh khác ngoài môi trường. Đa số các vi sinh vật này có hại, một số ít sẽ có lợi tuy nhiên vẫn có thể gây bệnh cho bé. Chính hệ miễn dịch của trẻ sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi các tình trạng nhiễm trùng. Khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, hệ miễn dịch sẽ tạo ra rất nhiều các phản ứng để trung hòa và tiêu diệt chúng. Một số phản ứng đặc hiệu của hệ miễn dịch với các tác nhân gây bệnh sẽ tạo ra kháng thể để bảo vệ trẻ suốt đời và giúp trẻ không mắc bệnh lần sau. Đó là cơ chế “trí nhớ miễn dịch” của cơ thể, giúp các nhà khoa học phát minh ra vaccine.
Vaccine là một sinh phẩm chứa các kháng nguyên hoặc các phần nhỏ hơn của kháng nguyên. Kháng nguyên là những thành phần có trong virus hay vi khuẩn, có thể gây bệnh nhưng có thể giúp kích thích hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể bảo vệ cơ thể. Các kháng nguyên trong vaccine hoặc là đã được làm bất hoạt, hoặc là làm yếu đi nên không thể gây bệnh. Tuy vậy, chúng lại đủ mạnh để kích thích hệ miễn dịch non trẻ của bé sinh ra các kháng thể bảo vệ. Nói cách khác, vaccine là sự thay thế an toàn hơn so với việc phải mắc bệnh để trẻ có “trí nhớ miễn dịch” tránh một bệnh nào đó. Thông qua tiêm chủng, trẻ được bảo vệ và phát triển khả năng miễn dịch mà không phải chịu đựng những ngày mệt mỏi, đau nhức, sốt cao, ăn kém… và đặc biệt là biến chứng, hay thậm chí tử vong do các bệnh nhiễm trùng.
Đối với một số bệnh, vaccine có thể bảo vệ trẻ suốt đời. Một số vaccine khác đòi hỏi cần tiêm nhắc lại sau nhiều năm.
Tại Việt Nam, theo điều 29 của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, trẻ em và phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, chương trình này cung cấp vaccine miễn phí để tiêm ngừa 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã từng gây tử vong và biến chứng cho hàng triệu trẻ em trên thế giới.
- Lao.
- Viêm gan siêu vi B.
- Bạch hầu.
- Ho gà.
- Uốn ván.
- Viêm màng não do Hib.
- Bại liệt.
- Sởi.
- Rubella.
- Viêm não Nhật Bản.
Ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng, các cơ sở y tế tại nước ta cũng triển khai tiêm chủng tự nguyện theo hình thức dịch vụ đối với các vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như sau:
- Tiêu chảy do Rotavirus.
- Các bệnh lý nhiễm trùng do phế cầu.
- Thủy đậu.
- Viêm gan siêu vi A.
- Cúm.
- Nhiễm HPV (ung thư cổ tử cung).
- Viêm màng não do não mô cầu.
- Thương hàn
- Dại.
- Tả.
Trẻ sơ sinh có miễn dịch với nhiều bệnh nhờ kháng thể mẹ truyền cho, nhưng miễn dịch này chỉ kéo dài trong những tháng đầu đời.
Các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như ho gà, sởi, bại liệt… vẫn chưa được tiệt trừ. Chúng ta ít thấy các ca bệnh vì vắc xin rất hiệu quả và độ bao phủ cao trong cộng đồng. Nếu tỉ lệ bao phủ giảm xuống, các ca bệnh sẽ gây bùng phát dịch bệnh.
Việc tiêm chủng không chỉ bảo vệ trẻ mà có tác dụng bảo vệ những người thân chung quanh trẻ chưa được tiêm chủng như trẻ nhỏ chưa đủ tuổi tiêm chủng, trẻ bị dị ứng với thành phần của vắc xin…
BS Đặng Lê Như Nguyệt
Trưởng khoa Sức khỏe Trẻ em – BV Nhi Đồng TP.HCM
Theo Tạp chí Sức khỏe