Với sự gia tăng nhanh chóng số lượng người mắc bệnh, bệnh đái tháo đường ngày nay đã trở thành thảm họa sức khỏe toàn cầu. Con số dự báo WHO đưa ra cho thấy, tỉ lệ đái tháo đường trên toàn thế giới có thể tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 – 2030). Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc đái tháo đường cao nhất thế giới. Hiện nay, mỗi ngày có 80 người Việt tử vong mỗi ngày vì đái tháo đường.
- Thưa BS, tại VN hiện nay, cứ 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Hiện bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3. Nguyên nhân vì sao, thưa BS?
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý đặc trưng bởi rối loạn chuyển hóa trong cơ thể với sự gia tăng đường huyết, đó là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng cấp tính cũng như lâu dài. Các biến chứng cấp tính nặng thường gặp trên bệnh nhân đái tháo đường như hôn mê do tăng hay hạ đường huyết, các bệnh lý nhiễm trùng nặng cần can thiệp tích cực sớm để hạn chế tử vong. Các biến chứng mãn tính của bệnh diễn tiến theo thời gian có thể gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống như: giảm thị lực, mù lòa, tổn thương thần kinh gây mất cảm giác, tê buốt, nóng rát… hậu quả dễ biến dạng, loét chân, vết thương lâu lành, hay nặng hơn là nhiễm trùng… Các biến chứng mạn tính có thể ảnh hưởng đến sinh mạng như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não… Phần lớn các biến chứng nặng hay mãn tính liên quan đến chẩn đoán sớm, điều trị sớm và tuân thủ điều trị để đạt mục tiêu. Các mục tiêu được chứng minh cá thể hóa cho từng cá nhân và cần điều trị đa yếu tố như kiểm soát đường huyết, huyết áp, tình trạng mỡ máu, các yếu tố thuận lợi như thuốc lá, thói quen ăn uống không lành mạnh… Tuy nhiên sự thành công vẫn còn hạn chế, ngay cả các nước có hệ thống y tế tốt và vẫn là thách thức với thầy thuốc và bệnh nhân.
- Với bệnh đái tháo đường, hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân trong độ tuổi từ 18 – 69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán. Vướng mắc từ đâu, thưa BS?
Ngày nay với hệ thống y tế đang phát triển đã hỗ trợ rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe và điều trị sớm bệnh tật. Tuy nhiên vẫn còn không nhỏ bệnh nhân chưa được chẩn đoán, mà nguyên nhân là từ sự chủ quan và sự hiểu biết về bệnh tật. Nhiều người chưa có thói quen khám và tầm soát bệnh định kì hàng năm. Khi có những triệu chứng, lại tìm đến nhà thuốc hoặc tự điều trị qua sự mách bảo của mọi người xung quanh, chứ không đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Đôi khi người bệnh được bác sĩ chẩn đoán bệnh đái tháo đường vẫn không chấp nhận bệnh lý, đến khi bệnh nặng và triệu chứng rầm rộ mới đến bác sĩ và lúc này bệnh mới được phát hiện và điều trị thường chậm trễ.
- Điều nguy hiểm hơn là bệnh đái tháo đường không chỉ tăng theo cấp số nhân mà còn có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt lo ngại khi đã ghi nhận các ca mắc là trẻ nhỏ 9 – 13 tuổi; thanh niên 20 – dưới 30 tuổi, trong khi hơn 10 năm trước, bệnh hầu hết chỉ ghi nhận sau tuổi 40 tuổi. Điều này nói lên vấn đề gì, thưa BS?
Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ một phần do được chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất đó là thực trạng hiện nay của xã hội với tỉ lệ béo phì ngày càng gia tăng, theo các nghiên cứu đánh giá gần đây cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh do lối sống thụ động hơn, ít tập luyện đặc biệt là tình trạng ăn uống không hợp lý, thừa dinh dưỡng quá mức từ sự chăm sóc của phụ huynh cũng như thói quen ăn uống của các trẻ. Béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa trong đó có các bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
- BS có thể cho lời khuyên để có thể phát hiện sớm và kiểm soát các yếu tố nguy cơ?
Lối sống lành mạnh là cách hiệu quả để ngăn chặn hoặc trì hoãn khởi phát bệnh và để ngăn ngừa bệnh tiến triển các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Chúng ta nên chú ý các điều sau:
- Cố gắng và duy trì cân nặng chuẩn.
- Tránh thụ động: với tập luyện thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
- Có chế độ ăn hợp lý và dinh dưỡng, tránh thức ăn nhiều đường bột và chất béo.
- Hạn chế thuốc lá: vì làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ và bệnh lý tim mạch.
- Một số đối tượng có yếu tố nguy cơ như: thừa cân, béo phì, có người thân trực hệ bị đái tháo đường như cha mẹ, anh chị em ruột, có các bệnh lý như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, phụ nữ có tiền căn sinh con to, có tiền căn được thầy thuốc chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, hay người được chẩn đoán rối loạn đường huyết đói, rối loạn dung nạp đường… nên định kỳ kiểm tra sức khỏe hàng năm.
- Trên thực tế cũng đã có những bệnh nhân ĐTĐ tử vong vì tự điều trị ĐTĐ bằng thuốc “gia truyền”. Không ít người dân vẫn cứ tin vào cây này, lá kia, mà không tuân thủ chỉ định điều trị. BS có lời khuyên gì cho người dân?
Việc sử dụng thuốc tùy tiện không theo hướng dẫn của thầy thuốc là vấn đề lớn và thường gặp. Vài năm trước đây bệnh nhân đái tháo đường sử dụng các thuốc gọi là thuốc cặp điều trị ĐTĐ trong đó có viên thuốc có chứa Phenformin (là thuốc có tác dụng hạ đường nhưng gây biến chứng nghiêm trọng do nhiễm toan lactic đã cấm sản xuất từ những năm 1970), gây tỷ lệ tử vong cao. Với những nỗ lực rất tích cực của ngành y tế trong việc cảnh báo, tư vấn về những tác hại khi sử dụng thuốc cặp, việc sử dụng các thuốc này đã lắng xuống. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, vấn đề sử dụng Phenformin điều trị đái tháo đường lại ngày càng trở nên phức tạp, đa dạng và khó kiểm soát hơn. Người bệnh sử dụng các dạng thuốc được gọi là thuốc gia truyền có dạng như viên hoàn nhưng thật sự là thuốc có chứa Phenformin đã gây hậu quả, nhiều trường hợp phải nhập viện và tử vong được ghi nhận nhiều bệnh viện trong cả nước.
Người bệnh tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, hay tin những lời quảng cáo trên internet, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị, làm cho các biến chứng ngày càng nặng nề và có thể nhiễm Lactic nguy hiểm chết người.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, kết hợp với việc dùng thuốc và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế sẽ giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng.
- Thưa BS, cần làm gì để giảm biến chứng từ ĐTĐ, các biến chứng hiện tại thường nhập viện như thế nào??
Khi người bệnh bị ĐTĐ, việc điều trị để giảm tiến triển và biến chứng của bệnh là một thách thức của thầy thuốc và người bệnh. Ngày nay người ta đã chứng minh được các vai trò kiểm soát đa yếu tố trên bệnh nhân đái tháo đường là cần thiết, không chỉ đơn giản là kiểm soát đường huyết. Mục tiêu điều trị cho mỗi bệnh nhân cần cá thể hóa và trao đổi cụ thể với người bệnh. Các mục tiêu trong điều trị được gợi ý bởi thầy thuốc dựa vào nhiều yếu tố như tuổi, tình trạng hiện tại của người bệnh, bệnh lý đồng mắc, thời gian bị bệnh đái tháo đường, có triệu chứng hạ đường huyết trước đó khi dùng thuốc hay không… và sau sự trao đổi và đồng thuận từ bệnh nhân. Thành công để đạt mục tiêu trong điều trị là sự đóng góp từ bác sĩ và người bệnh, đặc biệt là sự tuân thủ điều trị và hợp tác với thầy thuốc về các quyết định quan trọng. Bên cạnh đó người bệnh cần nên:
- Khám định kỳ thường xuyên theo hướng dẫn của thầy thuốc, dùng thuốc thường xuyên tránh bỏ thuốc.
- Chế độ ăn uống hợp lí cùng tập luyện thể dục.
Ngoài các biến chứng nặng như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… thì tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do biến chứng bàn chân đái tháo đường hiện tại cao đáng kể trong các đơn vị Nội tiết như khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy. Biến chứng bàn chân đái tháo đường nhập viện trong tình trạng thường trễ với các đặc điểm như nhiễm trùng nặng, các vết loét nhiễm trùng lâu lành, các biến dạng bàn chân do ĐTĐ, do đó sự can thiệp điều trị thường khó khăn.
Sự phối hợp nhiều chuyên khoa như Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật mạch máu, Đơn vị can thiệp mạch máu, Tạo hình bỏng cùng chăm sóc trên bệnh nhân. Vì vậy trong những năm gần đây khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy đã giảm tỷ lệ đoạn chi đáng kể, chăm sóc tốt các vết thương mạn tính, và giải quyết một phần các biến dạng bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường.
- Những xu hướng mới trong điều trị ĐTĐ như thế nào?
Hiện nay, quan niệm về điều trị với bệnh nhân đã có những thay đổi đáng kể, quan điểm mới với bệnh nhân trở thành trung tâm và các vấn đề điều trị cần cá thể hóa để có phương thức cụ thể điều trị hiệu quả hơn nên không thể có công thức chung để điều trị với mọi bệnh nhân. Sự tiến bộ của thuốc điều trị mới và kết quả thành công của các nghiên cứu lớn trong điều trị đã thay đổi cách tiếp cận và điều trị ban đầu cho bệnh nhân. Sự chọn lựa thuốc điều trị cụ thể hơn với các lợi ích lâu dài, phối hợp các thuốc sớm trong điều trị là khuynh hướng mới nhằm nâng cao tỷ lệ mục tiêu và hạn chế tối đa các biến chứng. Vai trò kiểm soát dinh dưỡng góp phần lớn trong thành công, cần liên tục trong suốt quá trình có kết hợp và không kết hợp với thuốc. Vai trò giảm cân trong nhóm bệnh nhân thừa cân béo phì đã chứng minh lợi ích tích cực trong kiểm soát ĐTĐ và phòng ngừa biến chứng. Gần dây người ta quan tâm nhiều đến tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể như thế nào là cần thiết và vai trò các thực phẩm tốt cho người ĐTĐ như cung cấp chất xơ, ăn các chất béo tốt, thành phần dinh dưỡng hợp lý.
Chế độ ăn hạn chế tối đa chất bột đường không thích hợp cho người ĐTĐ. Các vitamin, chromium không xác định thiếu hụt không cần thiết cung cấp thường quy cho người ĐTĐ.
Giáo dục truyền thông đóng vai trò nâng cao kiến thức và ý thức cho cộng đồng luôn cần thiết, hiệu quả.
- Liệu pháp Gen và Tế bào gốc được xem là phương pháp chữa ĐTĐ trong tương lai? BS có thể chia sẻ thêm về phương pháp này và triển vọng trong tương lai ở VN?
Hiện nay nhiều người quan tâm về liệu pháp tế bào gốc trong điều trị bệnh đái tháo đường. Cố gắng của các nhà nghiên cứu sử dụng tế bào gốc đa năng, bắt nguồn từ tế bào đã biệt hóa qua chương trình sẵn tái tạo từ virus để tạo các tế bào gốc mới hoạt động như tế bào chưa biệt hóa, chuyển dạng tế bào gốc thành tế bào chuyên biệt như tế bào beta tụy tiết ra insulin sẽ kiểm soát được bệnh đái tháo đường type 1, type 2. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong kết quả điều trị. Hiện nay, việc sử dụng liệu pháp tế bào gốc chưa có bằng chứng lâm sàng cụ thể, vẫn còn trong thực nghiệm và trên cơ sở lý luận. Một số các nghiên cứu về tế bào gốc kiểm soát các biến chứng của ĐTĐ như biến chứng võng mạc, biến chứng thần kinh, mạch máu… Các nghiên cứu vẫn còn trong thực nghiệm là chủ yếu, do đó, liệu pháp tế bào gốc chưa được xem là biện pháp trong điều trị ĐTĐ. Tuy nhiên vẫn hy vọng trong tương lai có thể góp phần trong điều trị bệnh đái tháo đường.
- Được biết, tại VN, chương trình hợp tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn điều trị bệnh đái tháo đường và chương trình giáo dục bệnh nhân đái tháo đường đã khởi động và thực hiện trong 2 năm 2019 – 2020 với 3 giai đoạn. Hàng ngàn bác sĩ nội tiết và bác sĩ đa khoa trên toàn quốc được nâng cao kiến thức tổng quát về điều trị bệnh đái tháo đường và điều trị bằng insulin. Hàng ngàn bệnh nhân đái tháo đường sẽ được hướng dẫn quản lý bệnh tại nhà, bảo đảm tuân thủ thuốc trong quá trình điều trị và nâng cao hiệu quả kiểm soát đường huyết. Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP.HCM cũng đang tập trung cho những công việc này?
Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cũng như Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP.HCM thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên ngành cập nhật và chia sẻ các kinh nghiệm điều trị cho các bác sĩ đa khoa và chuyên khoa. Hội đã có các chương trình giáo dục và đào tạo chuyên về điều trị ĐTĐ, giáo dục cho bệnh nhân và người quan tâm các kiến thức thường thức phòng ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường qua các chương trình vẫn tiếp tục hằng năm.
Cảm ơn Tiến sĩ Bác sĩ Lâm Văn Hoàng!
Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BV Chợ Rẫy
Tổng Thư ký Hội Đái tháo đường VÀ NỘI TIẾT TP.HCM
Kim Ánh
Theo Tạp chí Sức Khỏe