Cùng với tham vọng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là đòi hỏi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp.
Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, nước do tính ưu việt của các công nghệ này như công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa sản xuất.
Cũng nhờ thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp mà các thương hiệu được tạo ra có sức cạnh tranh trên thị trường. Lợi thế về quy mô và chi phí thấp cũng là các yếu tố đảm bảo cho sản phẩm nội địa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập ít nhất ở chi phí vận chuyển và maketing.
Do đó, giải pháp tất yếu cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam với gần 14 triệu hộ nông dân và 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ chính là ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, hiện nay các nông hộ, hợp tác xã còn khá bỡ ngỡ với công nghệ cao, ngại thay đổi phương thức sản xuất truyền thống. Chính vì vậy, cần phải có người đồng hành, hướng dẫn, áp dụng quy trình, công nghệ đơn giản, linh hoạt để giúp họ nhanh thích ứng. Thách thức lớn nhưng tiềm năng còn lớn hơn.
Nhận thấy thực trạng trên, được sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ chủ trì tổ chức Hội thảo Quốc tế: “Ứng dụng công nghệ cao trong Nông nghiệp tại Việt Nam”, nhằm mang đến một sự kiện đủ lớn, gắn kết giữa nhu cầu thực tiễn về đổi mới trong sản xuất với các công nghệ tiên tiến hiện nay, tạo nên một diễn đàn quy tụ được các đối tác khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao từ đó xây dựng được các hợp tác, các nhóm đối tác tiềm năng, phát triển được các mô hình sản xuất hiện đại trong nông nghiệp tại Việt Nam.
T.H