Trẻ uống kháng sinh bừa bãi dễ loạn khuẩn đường ruột, tổn thương gan thận, suy giảm miễn dịch, kháng thuốc…
Việc dùng thuốc bừa bãi, mua bán kháng sinh không cần kê đơn… khiến trẻ nhỏ dễ gặp những nguy cơ dưới đây:
Loạn khuẩn đường ruột
Kháng sinh dùng để diệt vi khuẩn. Việc lạm dụng kháng sinh phổ rộng hoặc liều cao, dài ngày, không chỉ vi khuẩn có hại mà cả vi khuẩn có lợi cho cơ thể cũng bị tiêu diệt. Đối với trẻ em, hệ vi sinh đường ruột chưa hoàn thiện, nên dễ bị loạn khuẩn đường ruột, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, phát ban…
Tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn đường ruột, hen suyễn, dị ứng
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ có mối liên hệ chặt chẽ với thành ruột và hệ vi sinh có lợi tại ruột. Các rối loạn điều hòa miễn dịch có thể xảy ra khi hệ vi sinh này mất cân bằng do lạm dụng kháng sinh. Hệ quả là trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi màng kết, eczema hoặc bệnh tự miễn như viêm đường ruột Crohn, tiêu chảy phân mỡ Celiac…
Lạm dụng kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. |
Gây hại gan, thận
Trẻ lạm dụng kháng sinh có nguy cơ gặp tác dụng phụ rất lớn. Tùy cơ địa, trẻ có thể bị tiêu chảy, dị ứng hay nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ. Một số loại kháng sinh còn gây tổn thương gan, nếu chỉ định cho bệnh nhân gan thì phải điều chỉnh liều lượng, kiểm soát chức năng gan trước và sau khi dùng thuốc.
Kháng sinh nhóm quinolon cũng có thể làm hủy hoại mô sụn, không dùng cho trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú. Một số kháng sinh được dùng phổ biến trước đây còn gây suy tủy, điếc, suy thận… nhưng nay đã được hạn chế.
Tạo ra vi khuẩn siêu kháng thuốc
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm trên thế giới có ít nhất 2 triệu người nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Trong đó 23.000 người chết vì không còn loại kháng sinh nào cứu chữa được. Nếu siêu vi khuẩn tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện nay, đến năm 2050, con số tử vong vì những căn bệnh vốn có thể chữa được sẽ tăng lên 10 triệu người.
Thực tế, kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn không chứa gen kháng thuốc, để lại những khuẩn chứa gen kháng thuốc. Chúng nhân lên nhanh chóng rồi chuyển gen kháng thuốc sang cho các nhóm vi khuẩn khác. Cuối cùng, quá trình này tạo ra siêu khuẩn có khả năng kháng nhiều thuốc. Việt Nam từng ghi nhận trường hợp bé trai 1 tuổi ở Cần Thơ tử vong do nhiễm khuẩn E.Coli kháng thuốc và nhiều trường hợp khác nhiễm siêu khuẩn kháng mọi loại kháng sinh.
Suy giảm miễn dịch
Trẻ càng dùng kháng sinh thường xuyên, càng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp… Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ vốn non yếu, lại không có cơ hội trưởng thành khi lạm dụng kháng sinh. Nếu chưa trị đúng cách, trẻ có thể vượt qua bệnh tật đồng thời tạo cơ hội cho hệ miễn dịch “tập dượt chiến đấu”, chống chọi tốt hơn để không nhiễm khuẩn lần sau.
Trẻ ốm nên ăn các chất lỏng giàu dinh dưỡng. |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn nhi, Đại học Y Hà Nội tư vấn, để hạn chế lạm dụng kháng sinh cho trẻ, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp kết hợp sau:
– Không sử dụng kháng sinh cho trẻ khi không cần thiết: Những bệnh phổ biến không cần sử dụng kháng sinh đó là cảm lạnh, cảm cúm, sốt siêu vi, viêm nhiễm đường hô hấp trên. Thậm chí, các trường hợp viêm phế quản, viêm tai – mũi – họng ở mức độ nhẹ, trẻ vẫn ăn uống bình thường, vẫn chơi, không có biểu hiện khó thở nặng lên… thì cha mẹ không nên vội vàng dùng kháng sinh.
Thay vào đó, cha mẹ nên chăm sóc tích cực, hạ sốt bằng chườm mát, giảm ho bằng các liệu pháp thảo dược, tăng cường uống nước, ăn các chất lỏng giàu dinh dưỡng… Sau một vài tuần bệnh sẽ tự khỏi. Trong trường hợp bệnh có dấu hiệu nặng lên, cần đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp sau khi có kết luận chính xác trẻ nhiễm virus hay vi khuẩn.
– Dùng kháng sinh đúng bệnh, đúng cách: Trong trường hợp bệnh bắt buộc phải sử dụng kháng sinh, cha mẹ lưu ý phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng về thời gian, liều dùng, các lưu ý khi kết hợp thuốc kháng sinh với các thức ăn đồ uống thông thường… để thuốc phát huy tối đa tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Như vậy, chúng sẽ không có cơ hội phát triển các thể kháng thuốc.
– Tăng cường miễn dịch cho trẻ: Miễn dịch là vũ khí lợi hại nhất mà cơ thể dùng để chống lại các bệnh do vi khuẩn và virus. Hệ miễn dịch mạnh khỏe cũng là hàng rào bảo vệ giúp trẻ phòng tránh hoặc vượt qua dễ dàng các bệnh nhiễm trùng.
Trẻ cần được tăng cường miễn dịch thường xuyên bằng các biện pháp gián tiếp và trực tiếp. Các biện pháp gián tiếp gồm bổ sung dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ, vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, tốt nhất là vui chơi ngoài trời nơi không khí trong lành. Các biện pháp trực tiếp gồm tiêm văcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, bổ sung chất tăng cường miễn dịch như vitamin, hoạt chất Beta-(1.3/1.6)-D-glukan thuộc nhóm betaglucan…
An San
Theo vnexpress