“Quay lại câu chuyện của thầy Thành, tôi ủng hộ tư duy đổi mới của thầy, có thể có nhiều cách khác nhau để kích thích sự sáng tạo, nhưng cách ăn mặc khác người như vậy là cách của thầy đã chọn, sao chúng ta cứ phải đòi hỏi thầy giống chúng ta?”

Hai ngày trước, những bức ảnh của thầy Thành – Phó hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, mặc quần đùi, áo thun lên giảng đường đã tạo ra một làn sóng tranh luận khá gay gắt trong cộng đồng mạng. Người thì tỏ ra thích thú, cảm thấy mới mẻ và độc đáo bởi cách tiếp cận gần gũi với sinh viên của thầy. Nhưng cũng có không ít người cho rằng thầy Thành mặc quần đùi, áo thun là không tôn trọng người đối diện, nhất là trong môi trường sư phạm cần phải nghiêm túc.

Trước luồng dư luận xẻ làm hai, chúng tôi xin được trích đăng 2 ý kiến từ chị Ngọc Diệp – một nhà báo Việt Nam đang phóng viên đang học tập tại Nhật Bản, và anh Tuấn Nguyễn – một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, đưa ra góc nhìn mở và đa chiều hơn nữa trong chuyện GS. Trương Nguyện Thành mặc quần sooc, áo thun đứng lớp giảng dạy.

Có nhiều cách để kích thích sáng tạo, sao lại đòi hỏi cách của thầy Thành phải chuẩn mực hay phải giống chúng ta? - Ảnh 1.

Trang phục gây tranh cãi của GS. Trương Nguyện Thành trong buổi giảng về “Lộ trình sáng tạo” ngày 22 và 23/4. (Ảnh: Vũ Anh)

Mặc áo thun, quần sooc lên giảng đường không có nghĩa là thầy “kém cỏi” và thiếu tôn trọng sinh viên của mình

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, phóng viên báo Etsujin, trụ sở tại Hatagaya, Tokyo, Nhật Bản đã thẳng thắn chia sẻ:

“So với nhiều người trong danh sách bạn bè Facebook của mình, dù mình cũng được trải nghiệm các nền giáo dục khác nhau của thế giới, nhưng cũng chỉ như ếch ngồi đáy giếng nên cũng không dám to mồm. Thế nhưng thấy mọi người ồn ào quá cũng muốn góp vài câu về trang phục của giáo sư Nhật và Ý nơi mình từng theo học.

Ngày xưa ở Việt Nam, trường Sư phạm và Ngoại thương nơi mình theo học, giảng viên lên lớp rất mực thước, tối thiểu nam giảng viên cũng quần bò dài, áo có cổ. Nữ giảng viên cũng váy dài qua gối. Đến khi sang Nhật, mình cứ nghĩ chắc giáo sư đại học Nhật còn mực thước hơn nữa nhưng cuối cùng không phải.

Giáo sư nữ lên giảng đường cũng có người mực thước, nhưng cũng rất nhiều người khác diện váy rất ngắn. Hoặc nếu váy không ngắn thì nó sẽ xẻ cao, trang điểm đậm và sắc, rất xinh đẹp. Ngồi học mà mình cứ nghĩ đang xem Next Top Model chứ không phải ngồi trên giảng đường học thạc sỹ nữa.

Giáo sư nam còn sốc hơn nữa. Các thầy buộc cả băng đô lên đầu, tóc bù xù, đi dép giống kiểu dép tông, quần rách te tua dài chưa đến gối. Áo phông của mấy thầy thì nhăn và nhàu nhĩ không tưởng.

Có nhiều cách để kích thích sáng tạo, sao lại đòi hỏi cách của thầy Thành phải chuẩn mực hay phải giống chúng ta? - Ảnh 2.

Nếu gặp ở ngoài, chắc sẽ có nhiều người tưởng lầm đấy là những người theo đuổi phong cách hippy chứ chả ai nghĩ là giáo sư. Thế nhưng cũng chính những người đó tốt nghiệp tiến sỹ từ những trường hàng đầu thế giới, liên tục có các nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học và giảng dạy cho sinh viên cực kỳ nhiệt tình.

Giáo sư luôn có câu: Cửa phòng tôi lúc nào cũng mở, tôi sẵn sàng tranh luận với các anh chị đến cùng. Giáo sư lao động nhiệt tình để kiếm học bổng cho sinh viên, giúp mang cơ hội học tập đến cho bao nhiêu cuộc đời.

Sau này sang nước Ý, học tại trường Bocconi, một trong những trường kinh doanh tốt nhất thế giới, giáo sư người Ý cũng có nhiều người ăn mặc siêu phá cách kiểu Ý với quần bò thủng, áo phông rách xộc xệch, nhưng cũng nhiều người ăn mặc như người mẫu lên sàn diễn. Nói chung lại, mình thấy việc giáo sư ăn mặc lên giảng đường thế nào là quyền của họ, miễn không quá lố là được. Giáo sư các trường nghệ thuật của Ý còn phá cách hơn nhiều.

Suy cho cùng, quần áo không làm nên thầy tu. Thiếu gì những người quần là áo lượt mà nghiên cứu thì “mượn” của người khác. Ngừng bàn mấy chuyện này đi thôi.”

Có nhiều cách để kích thích sáng tạo, sao lại đòi hỏi cách của thầy Thành phải chuẩn mực hay phải giống chúng ta? - Ảnh 3.

“Họ cười tôi vì tôi không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau” – Joker

Anh Tuấn Nguyễn, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông lại xâu chuỗi câu chuyện của thầy Thành với thầy Lê Thẩm Dương vào 7 năm trước, để nói lên thực trạng ngại đổi mới tư duy của nhiều người trong xã hội hiện nay:

“Chuyện thầy Thành – Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen mặc quần sooc lên giảng đường làm tôi nhớ đến chuyện của thầy Lê Thẩm Dương 7 năm về trước, khi thầy liên tục dùng những ngôn từ suồng sã trong bài giảng của mình.

Lúc đó dư luận ném đá tới tấp, nhưng ngạc nhiên là những người ném đá lại là những người đạo mạo, chức cao vọng trọng, còn các em sinh viên lại tỏ ra thích thú và ủng hộ bởi ngôn từ cuốn hút của thầy và hợp “gout” với các em. Hiện tại để mời được thầy Lê Thẩm Dương đến nói chuyện tại hội thảo thì phải bỏ ra chi phí không nhỏ, lên tới vài ba nghìn đô, bên cạnh đó thầy đã có lượng fan cực kỳ đông đảo, và thầy vẫn giữ phong cách tếu táo, suồng sã như ngày xưa.

Có nhiều cách để kích thích sáng tạo, sao lại đòi hỏi cách của thầy Thành phải chuẩn mực hay phải giống chúng ta? - Ảnh 4.

Chúng ta liên tục phàn nàn vì những lối dạy cũ kĩ hay không đủ hấp dẫn, liên tục đòi hỏi sự cải cách và đổi mới, nhưng cứ có một chút gì không đúng như những gì chúng ta đang suy nghĩ là chúng ta cho rằng điều đó là xấu, là đáng phê phán. Nếu chúng ta không chịu tập trung vào phần chất, chỉ săm soi để ý cái vẻ bên ngoài thì thử hỏi liệu có cải cách được gì không? Có thể phát triển được không?

Quay lại câu chuyện của thầy Thành, tôi ủng hộ tư duy đổi mới của thầy, có thể có nhiều cách khác nhau để kích thích sự sáng tạo, nhưng cách ăn mặc khác người như vậy là cách của thầy đã chọn, sao chúng ta cư phải đòi hỏi thầy giống chúng ta? Khi bộ não người ta được thoải mái nhất thì lúc đó mới có sức sáng tạo cao nhất. Đừng vội chê, đừng vội lên án khi ai đó không giống bạn, mà hãy để ý xem những hành động đó nó mang lại lợi ích gì, ý nghĩa gì, đó mới là điều quan trọng.”

Có nhiều cách để kích thích sáng tạo, sao lại đòi hỏi cách của thầy Thành phải chuẩn mực hay phải giống chúng ta? - Ảnh 5.

(Bài viết có tham khảo ý kiến từ tác giả Tuấn Nguyễn, Nguyễn Thị Ngọc Diệp)

Nguồn: kenh14

BÌNH LUẬN