Người ra đi lúc nào cũng mang tiếng bội bạc, vậy thì người ở lại lúc nào cũng là kẻ đáng thương?
Khi chuyện tình tan vỡ, hoặc xuất hiện thêm một người thứ ba, người ta thường trách móc rằng đối phương là kẻ bạc tình, có mới nới cũ. Người ta cũng thường nấp đằng sau cái dáng vẻ đáng thương, tội nghiệp của một người vừa mới bị phản bội mà rưng rức khóc lóc, tủi thân.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Chuyện ham thích cái mới khi mà cái cũ đang dần trở nên nhàn nhạt, thì ở cả hai giới đều có. Cả đàn ông lẫn đàn bà, cả người già lẫn người trẻ, có riêng gì ai đâu.
Vậy mà khi yêu nhau, dường như hầu hết chúng ta đều quên đi hết điều tự nhiên vốn có đó. Chúng ta mải miết trao yêu thương mà không cần xem lại chính bản thân mình, xem tình yêu đó là đúng hay sai, xem cả cách yêu của mình là ổn hay chưa ổn.
Có người thì sẵn sàng thay đổi bản thân để làm vừa lòng đối phương. Nhưng sau một thời gian, sự thay đổi 180 độ có thể khiến đối phương cảm thấy dường như mình đang quen và yêu một người khác hoàn toàn, chứ không còn là người xưa mà họ đã từng rung động nữa. Cho nên thay đổi quá cũng không phải là điều tốt, giữ lại cốt cách và cá tính riêng của mình mới là tốt nhất.
Cũng có người vì yêu mà sẵn sàng làm mọi thứ, trên trời dưới bể, vào hang sâu hay xuống chảo lửa vẫn hồn nhiên gồng mình lên chịu đựng. Cuối cùng, cái mà họ cho đi lại vượt quá những điều mà họ được nhận về.
Đối phương cảm thấy choáng ngợp, có thể cảm động lúc ban đầu, nhưng về sau thì dần thành thói quen, cứ thế mà hưởng thụ sự dâng hiến vô điều kiện. Mối quan hệ một chiều như một mũi tên, vỗn dĩ chỉ có chiều đi chứ không có chiều quay trở lại. Và tình yêu cũng chấm dứt từ bao giờ mà không ai hay biết.
Còn vân vân và mây mây những ví dụ khác cho chuyện yêu một người nhưng không đúng cách, để rồi đến lúc nhận được câu chia tay phũ phàng khi người ta đã tìm được tình yêu mới, thì lúc bấy giờ mới khóc lóc trách than.
Đa phần, người ta thường cảm thấy số phận của mình bi thương đến bẽ bàng vì là người phải ở lại trong một cuộc tình không còn tròn vẹn nữa. Nhưng người ta cũng có xu hướng trách móc người ra đi hơn là tự nhìn nhận lại bản thân mình.
Chuyện ba người, xin hỏi, nếu hai người đang yên ổn, liệu người thứ ba có chút đất diễn nào không? Nếu người trong cuộc không chán chường tình yêu hiện tại, thì sự xuất hiện của người mới chắc gì đã làm nên một cuộc hoán đổi ngoạn mục?
“Anh yêu em, nhưng mà anh cũng yêu cô ấy nữa…”. Đó không phải là trái tim chia đôi, mà chẳng qua chỉ là một câu nói gian dối để mũi dao đâm vào tim bớt sắc nhọn hơn mà thôi. Nghĩa là, quá khứ của chúng ta đã từng rất đẹp, và anh cũng đã từng yêu em. Nhưng bây giờ, sau một khoảng thời gian, anh cảm thấy em đã không còn đủ hấp dẫn, em đã không còn khiến anh rung động, tim anh lạc nhịp… thì cô ấy mới là người cho anh tất cả những cảm xúc như thuở ban đầu.
Cuối cùng, người muốn đi thì vẫn sẽ tìm mọi cách để ra đi. Có chăng là sau mỗi lần đổ vỡ, hãy xem lại cách trao yêu thương của chính mình. Trách móc họ vô tình là một nhẽ, nhưng chính bản thân mình không giữ được lửa yêu thương, thì liệu mình có đáng trách hay không?
Nguồn: Kenh14