Từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung các tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán phụ gia thực phẩm giả gồm các chất tạo hương, chất điều vị (bột ngọt/ mì chính) … chính thức có hiệu lực. Đây là một trong những động thái mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh việc phòng chống tội phạm trong lĩnh vực sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả, góp phần đẩy lùi những vấn nạn về an toàn vệ sinh thực phẩm, bao gồm cả bột ngọt giả.

Cụ thể hơn, việc sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm đều bị phạt tù thấp nhất từ 2 – 5 năm không kể số lượng và giá trị hàng hóa. Tùy theo giá trị hàng hóa và mức vi phạm nghiêm trọng như phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng hoặc gây chết người, đối tượng phạm tội phải đối mặt với án tù tăng nặng từ 5-20 năm và cao nhất là tù chung thân, kèm theo đó là xử phạt hành chính từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu tài sản.

Luật sư Trần Minh Hùng (Văn phòng Luật sư Gia Đình – Đoàn Luật sư TP. HCM) chia sẻ: “Những mức vi phạm về hành vi này bị chế tài hình sự nặng hơn thậm chí có thể chịu tới mức án tù cao nhất là chung thân đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018. Với mức xử phạt “mạnh tay” và mang tính răn đe cao, tin rằng những phụ gia thực phẩm giả như bột ngọt giả sẽ không còn cơ hội đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.”

Phụ gia thực phẩm kém chất lượng và không có nguồn gốc rõ ràng bị các cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu.

Vừa qua, bị cáo Đinh Văn X đã bị Tòa án Nhân dân Quận 12, TP. HCM xét xử và tuyên phạt 2 năm tù giam về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 đã phát hiện bị cáo X vận chuyển hơn 150 gói bột ngọt, hạt nêm giả không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Tiến hành điều tra tại nơi ở, cơ quan chức năng cũng phát hiện và tịch thu thêm 25 gói bột ngọt, hạt nêm thành phẩm cùng nhiều dụng cụ dùng để sản xuất bột ngọt giả. Bị cáo X khai nhận đã mua bột ngọt nhập lậu từ Trung Quốc với trọng lượng 25kg/bao và hạt nêm Việt tại các tiệm tạp hóa với trọng lượng 10kg/bao rồi cho vào vỏ bao bì đã in sẵn nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng, ép nhiệt rồi bán ra thị trường.

Song song đó, tại Điều 76 Bộ luật Hình sự còn quy định về trách nhiệm hình sự đối về việc buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, với mức xử phạt thấp nhất là 01 tỷ đồng và cao nhất lên đến 18 tỷ đồng. Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây ra sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Việc nâng cao mức mức phạt đối với hành vi sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả trong Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung sẽ đẩy lùi những vấn nạn về an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp ngăn chặn những nguy cơ, hiểm họa đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như bảo vệ những nhà sản xuất và kinh doanh chân chính.

Phạm Hoàn

BÌNH LUẬN