Các chuyên gia Anh cho biết, các hạt bụi từ khí thải động cơ có thể xâm nhập sâu vào cơ thể, tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ.
Các nhà khoa học từ lâu đã biết ô nhiễm không khí là “chất độc” đối với phổi nhưng đến tận bây giờ họ cũng chưa dám chắc chắn rằng liệu các hạt bụi từ khí thải động cơ có thể xâm nhập sâu vào cơ thể hay không?
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH Edinburgh đã chỉ ra, những hạt bụi siêu nhỏ trong khí thải động cơ có thể “vượt mặt” thiết bị đo tiêu chuẩn chất lượng và xâm nhập vào phổi, máu, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng 1 loạt hạt nano vàng vô hại có kích thước tương tự như hạt bụi trong khí thải động cơ diesel trong thí nghiệm mô phỏng việc đi xe đạp quanh thành phố.
Bằng cách nhìn vào các mẫu cơ thể đã được phẫu thuật, giới chuyên gia phát hiện ra, các hạt nano vàng đã tích tụ lại các vùng chứa chất béo trong các mạch máu, từ đó gây ra hội chứng đau tim và đột quỵ.
Một nghiên cứu trước đã cho thấy bệnh tim mạch, đột quỵ chiếm khoảng 80% trong số khoảng 50.000 ca tử vong do ô nhiễm không khí mỗi năm ở Anh.
Phát hiện này sẽ khiến nhiều người lo ngại bởi thiết bị tiêu chuẩn chỉ có khả năng đo khối lượng hạt ô nhiễm trong không khí chứ không phải số lượng của chúng.
Trong khi tổng khối lượng ô nhiễm đã giảm, nhưng rất có thể số lượng các hạt bụi từ khí thải lại gia tăng, có khả năng thâm nhập sâu trong cơ thể.
Tiến sĩ Nicholas Mills – giáo sư tim mạch tại ĐH Edinburgh – một trong những đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ: “Chúng tôi luôn nghi ngờ rằng các hạt nano trong không khí mà chúng ta hít thở có thể thoát ra từ phổi và xâm nhập vào bộ phận khác của cơ thể, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có bằng chứng cụ thể.
Nhưng với phát hiện lần này, điều đó thực sự quan trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bây giờ chúng ta cần tập trung chú ý vào việc cắt giảm khí thải và tiếp xúc với hạt bụi siêu nhỏ trong không khí”.
Giới nghiên cứu cho biết, tuy động cơ xăng thải ra lượng khí thải ít hơn 50 lần so với động cơ diesel nhưng các hạt bụi siêu nhỏ từ khí thải động cơ xăng cũng có thể xâm nhập vào phổi.
Tiến sĩ Mark Miller nói thêm: “Thật đáng kinh ngạc khi không khí chúng ta hít thở mỗi ngày lại chứa những hạt bụi siêu nhỏ có thể chảy vào trong máu của ta rồi xâm nhập vào từng ngóc ngách, cơ quan khác nhau của cơ thể. Và khi chúng tiếp xúc vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể thì sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng”.
Do đó, giải pháp đưa ra đó là tất cả các loại xe đều phải lắp đặt bộ lọc để giảm lượng hạt bụi thải ra. Mặc cho chúng có thể khiến xe bị ngốn thêm nhiên liệu và hoạt động kém hiệu quả hơn nhưng đó là điều bắt buộc để bảo vệ chính ta và Trái đất này.
Nguồn: Telegraph
Nguồn: kenh14