GNO – Các nhà khảo cổ học gần đây đã phát hiện ra dấu tích một ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ 4 – bị tàn phá bởi chiến tranh cách đây hơn bảy thế kỷ. Tại đây, người ta đã khai quật hơn 1.500 tác phẩm điêu khắc bằng đá và thẻ in kinh điển Phật giáo bằng đất sét.

Báo West China City Daily cho biết rằng những dấu tích này thuộc về ngôi chùa Fugan, một khu phức hợp Phật giáo nổi tiếng từ thời Nam Bắc triều (317-589) đến triều đại nhà Tống (1127-1279), được các nhà khảo cổ phát hiện gần phố Shiye ở Thành Đô (Tứ Xuyên).

Theo bản báo cáo, cho đến nay có hơn 1.000 thẻ đất sét khắc kinh điển Phật giáo và hơn 500 tác phẩm bằng đá chạm trổ hình ảnh Đức Phật và nhiều vị Bồ-tát đã được khai quật.

Nhiều gốm sứ dùng cho sinh hoạt hàng ngày và vật liệu xây dựng cũng đã được phát hiện.

the lost temple in China.jpg

Một nhà nghiên cứu tên Yi Li nói rằng các nhà khảo cổ học chỉ mới khai quật khoảng 11.000 m2 tức một phần của ngôi chùa (ảnh). Nhưng điều này cũng đủ để cho các nhà khảo cổ thấy được hình ảnh vang bóng một thời của chùa Fugan, Yi nói thêm.

Fugan nghĩa là “cảm nhận hạnh phúc”, là một ngôi chùa cổ nổi tiếng, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hưng thịnh của triều đại nhà Đường và suy tàn trong cuộc chiến tranh của triều đại nhà Tống.

Ông Wang Yi – giám đốc Viện nghiên cứu di tích văn hóa Thành Đô cho biết – phát hiện này đã cung cấp thêm những thông tin vô giá để nghiên cứu về văn hoá Phật giáo nhà Đường.

Lệ Tường
(theo South China Morning Post)

BÌNH LUẬN