Từ ngày 01/01/2019, hành vi sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả có thể bị phạt lên đến mức án tù chung thân, theo quy định tại Điều 193 Bộ Luật Hình Sự (BLHS) 2015 đã được sửa đổi và bổ sung.

Cụ thể, Điều 193 của Bộ luật quy định về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” nêu rõ người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng,… thì mức án tù cũng tăng tương ứng từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là mức án chung thân. Cá nhân phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hay tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Các thương hiệu nổi tiếng thường bị làm giả, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tại Điều 76 BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 còn quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, với mức xử phạt thấp nhất là 01 tỷ đồng và cao nhất lên đến 18 tỷ đồng. Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây ra sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Áp dụng Điều 193 BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018, vừa qua, Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh, TP. HCM đã quyết định tuyên phạt 2 bị cáo H.V.L và H.T.L tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Theo đó, H.V.L nhận án phạt 2 năm 6 tháng tù và H.T.L nhận 2 năm tù.  Đồng thời, Tòa cũng yêu cầu hai bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 5 triệu đồng (đối với H.V.L) và 3 triệu đồng (đối với H.T.L) để tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước.

Được biết, trước đó Đội Quản lý thị trường Bình Chánh và Công an xã Qui Đức, huyện Bình Chánh đã khám xét “nhà xưởng” của H.T.L ở xã Qui Đức, huyện Bình Chánh và phát hiện hơn 1.800 gói bột ngọt giả thành phẩm với trọng lượng hơn 600 kg, 78 gói hạt nêm giả thành phẩm với trọng lượng hơn 27kg cùng một số lượng lớn các bao bì nhựa đã được in sẵn tên các thương hiệu và nhiều dụng cụ dùng để sản xuất bột ngọt giả như bàn ép nhựa, cân, can xúc, thau nhựa, v.v. Cảnh sát còn phát hiện 10 bao bột ngọt loại 25kg hiệu HULUNBEIER. Bị cáo H.V.L khai nhận đã mua số bột ngọt hiệu HULUNBEIER này tại chợ Bình Tây (Quận 5) từ nhiều người không rõ lai lịch để làm nguyên liệu sản xuất bột ngọt giả; H.T.L chỉ tham gia sản xuất bột ngọt giả, đi chào hàng và giao thành phẩm theo yêu cầu của H.V.L.

Như vậy, với những đổi mới của BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018, mọi hành vi sản xuất và buôn bán lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả đều bị phạt tù ít nhất từ 2 – 5 năm, không kể số lượng và giá trị hàng hóa. Với những mức xử phạt hình sự mang tính răn đe mạnh mẽ được bổ sung, BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 sẽ đẩy lùi những vấn nạn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất và buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, đặc biệt là bột ngọt; ngăn chặn những nguy cơ, hiểm họa đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như bảo vệ những nhà sản xuất và kinh doanh chân chính. “Từ nay, các cơ quan chức năng đã có thể mạnh tay xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, các vấn nạn về hàng giả là phụ gia thực phẩm theo BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018.”, Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Công ty Luật TNHH Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP. HCM) bày tỏ sự tin tưởng đối với Bộ luật.

Hồng Nga

  • Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của Pre Media

BÌNH LUẬN