Theo thống kê của các chi cục quản lý thị trường, Trong tháng 8 vừa qua các cơ quan này đã thu giữ 547.8kg bột ngọt hình “cái muôi” đang được bày bán tràn lan tại 38 chợ thuộc 7 tỉnh thành gồm Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Phú Yên và Bình Định.
Bột ngọt “cái muôi” được Công ty Thai Fermentation Ind. Co.Ltd. sản xuất và xuất khẩu sang Lào. Tại đây, bột ngọt được nhập lậu qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh) và theo các đầu nậu phân phối đến khắp các chợ của các tỉnh, thành miền Trung như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình….
Mặt hàng bột ngọt nhập lậu trong thời gian qua đã âm thầm chảy vào VN, lấn chiếm đến phân nửa thị phần. Đến mức, Cục Quản lý thị trường (QLTT) – Bộ Công Thương, trong một văn bản ngày 24/6/2010 gửi chi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoá đơn, chứng từ hàng hoá và việc ghi nhãn hàng hoá nhằm ngăn chặn bột ngọt lậu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nền sản xuất trong nước.
Hành trình tìm hiểu về đường đi của bột ngọt lậu
Nhóm phóng viên bắt đầu từ cửa khẩu Lao Bảo, đi sâu vào đất Lào khoảng 150km là thị trấn Se Tha Muoc thuộc huyện Muong Phin, tỉnh Savan Nakhet. Chợ thị trấn nằm trên đường cái quan, đều đặn cứ vài ba ngày, những chuyến xe chở các loại hàng Thái lại đổ về. Những gói bột ngọt hiệu “cái muôi” trọng lượng 500gr chứa trong bao tải dứa hoặc bao nylon được chuyển đến các quầy sạp
Bước vào chợ thị trấn Se Tha Muoc lụp sụp và ẩm tối mới thấy hết sự phức tạp của các loại bột ngọt nhãn hiệu “cái muôi” với ít nhất 4 loại như thế nhưng khác nhau về một số yếu tố như trọng lượng, hình chiếc muôi, nhà sản xuất…, cùng chung đặc điểm là không có nhãn ghi rõ xuất xứ và thời hạn sử dụng.
Tại sạp chị Mon – một tiểu thương người Lào – lại thấy xuất hiện loại bột ngọt “cái muôi” trọng lượng 50gr được sản xuất tại Côn Minh (Trung Quốc). Nhóm phóng viên đang cầm trên tay săm soi thì một người phụ nữ bước đến bên buột miệng: “Hàng dỏm đó”. Chị Võ Thị Quý, từ Lao Bảo sang, cũng có một sạp hàng chuyên bán giày dép tại chợ này
Ngọt hơn là ngon hơn, chất lượng hơn – dường như đây là mẫu số chung trong các câu trả lời không chỉ của những người Lào và người Việt ở thị trấn Se Tha Muoc, Sepon, mà cả những tiểu thương tại các chợ ở Huế, Quảng trị… cũng cho là như vậy. Trong “ma trận” của hiệu bột ngọt “cái muôi” rất khó xác định được thật, giả, nhái, thì hiệu “cái muôi” dài vốn lâu nay được bà con người Việt ở Huế, Quảng Trị tin dùng lại có những gói vơi đi với trọng lượng chỉ còn 400gr, được bán với giá từ 20.000 – 22.000 đồng. Những gói như thế cũng xuất hiện tại chợ thị trấn Se Tha Muoc và Sepon, được bán với giá 10.000K (kip Lào)
Mối nguy sức khỏe
Kết quả phân tích thành phần các gói bột ngọt hình “cái muôi” mua tại chợ Đông Hà của Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm – Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho thấy hàm lượng bột ngọt tinh khiết chỉ khoảng 98%. Theo quy định của Việt Nam, bột ngọt phải có độ tinh khiết lớn hơn 99%. Bên cạnh đó, vì bột ngọt lậu không được công bố chất lượng nên chất lượng của bột ngọt này cũng không được kiểm soát. 2% còn lại có thể sẽ lẫn những loại tạp chất không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo ông Chu Quốc Lập, nguyên phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ thì không rõ chất lượng, không xác định được độ tinh khiết của sản phẩm cũng như lượng hóa chất nguy hại bị nhiễm trong đó.Vì thế, mỗi chúng ta hãy là những người tiêu dùng thông minh, cần cân nhắc và lựa chọn những sản phẩm tốt cho sức khỏe cho gia đình mình
Ông Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhận xét: “Sử dụng gia vị như mì chính (bột ngọt) không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhẹ thì gây ra những cơn ngộ độc cấp tính với biểu hiện đau đầu, chóng mặt… Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi. Về lâu dài, những ngộ độc mãn tính do các chất độc tích tụ trong cơ thể có thể gây ra những chứng bệnh nan y như ung thư”.
Uy Vũ
Theo GDVN