Mỗi quốc gia trên thế giới có truyền thống khác nhau do xuất phát từ các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói, điểm tương đồng nổi bật giữa các quốc gia là tất cả đều tin tưởng vào việc chọn những loại thực phẩm và món ăn truyền thống mang lại nhiều may mắn cho năm mới tuyệt vời. Hãy cùng sức khỏe tìm hiểu!
Lựa chọn các thực phẩm để ăn sao cho vừa bổ dưỡng vừa mang lại nhiều may mắn trong năm mới (Ảnh Internet) |
Bánh baoỞ miền Bắc Trung Quốc, mọi người đều ăn bánh bao Jiaozi trong ngày đầu năm. Họ chế biến từ bột, bọc nhân thịt heo và bắp cải, đem hấp chín, ăn với nước tương và giấm. Hình dạng bánh này hơi giống đồng tiền của Trung Quốc thời cổ đại, họ tin rằng ăn chúng sẽ mang lại sự thịnh vượng. Có thể thêm vào vài hạt đậu phộng (để mang lại cuộc sống lâu dài).
Chả giò cuộn trứng
Đây là món ngon thường dùng trong các lễ hội mùa xuân và cũng là món ăn truyền thống của người châu Á.
Cơm chiên thập cẩm
Đây là món ăn thân thiện của mọi gia đình trên khắp thế giới, đặc biệt với trẻ em. Sự phối hợp giữa gạo trắng cùng các loại rau củ quả đủ màu sắc, vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng, vừa tượng trưng cho sự no đủ, thịnh vượng và hạnh phúc trong năm mới.
Mì trứng
Khi chế biến món mì sợi được làm từ bột và trứng, người Trung Quốc tin tưởng tuyệt đối về sự trường thọ và khỏe mạnh. Họ cho rằng, kéo sợi mì càng dài, càng tốt. Ngày đầu năm mới, họ luôn luôn ăn món mì sợi xào thịt và rau củ.
Thịt heo xào chua ngọt
Ăn với cơm trắng, thịt heo là món ăn phổ biến cho năm mới, vì nó tượng trưng cho sự no đủ. Trong ngũ vị, người ta thường tránh mặn, cay, đắng vì cho rằng chúng sẽ mang lại điều không may mắn; chua và ngọt thường được tin tưởng sẽ giúp mọi việc ngọt ngào và êm ả trong năm mới. Cũng như người Việt, các phong tục ăn thịt heo vào năm mới dựa trên ý tưởng rằng heo tượng trưng cho sự tiến bộ. Món heo sữa quay được phục vụ cho năm mới ở Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary và Áo. Người Áo cũng làm món bánh hạnh nhân với thịt heo bằm. Món giò heo hầm được người Thụy Điển ưa chuộng trong khi người Đức hay ăn thịt lợn nướng và xúc xích. Thịt heo cũng được tiêu thụ nhiều tại Ý và Hoa Kỳ do hàm lượng chất béo phong phú và biểu thị sự giàu có và thịnh vượng.
Ảnh minh họa |
Khay bánh mứt 8 loạiNgày Tết, mỗi gia đình đều chuẩn bị một khay hoặc hộp có 8 ngăn (người ta quan niệm số 8 là số tốt) để chung các loại bánh kẹo, trong đó bao giờ cũng có: quả quất tượng trưng cho sự giàu có, dừa tượng trưng cho sự sum họp gắn bó với nhau, long nhãn để sinh được nhiều con trai nối dõi và hạt dưa đỏ tượng trưng cho sự hạnh phúc.
Quýt và cam
Loại trái cây này được cho là mang lại sự giàu có và may mắn. Theo từ điển Trung Quốc, do cách phát âm của vàng và cam hơi giống nhau nên họ tin tưởng những quả cam quýt màu vàng mang lại nhiều may mắn tài lộc.Hơn nữa, quả có nhiều múi tượng trưng cho sự phồn vinh thịnh vượng trong năm mới. Theo các nhà phong thủy học, tốt hơn nếu có lá vì lá tượng trưng cho tuổi thọ. Lưu ý, không xếp 4 quả vì số 4 (tứ) có thể đọc thành “tử”, không hay.
Các loại rau đậu màu xanh và dài
Các loại rau cải có màu xanh đậm và dài như cải bó xôi, cải xoong, cải bắp collard… được ăn trong những ngày đầu năm, thể hiện các con cầu mong cha mẹ trường thọ. Một ý nghĩa khác là màu xanh lá cây trông giống như các tờ tiền giấy, biểu tượng của tiền tài. Người Đan Mạch ăn món cải xoong hầm rắc đường và quế, người Đức ăn dưa cải xanh, còn ở miền Nam Hoa Kỳ, người ta chọn cải collard. Họ tin rằng màu xanh còn là biểu tượng cho sự may mắn giàu có ở những năm tiếp theo.
Các loại đậu quả dài bao gồm đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu đen, đậu que, đậu đũa… cũng là biểu tượng của tiền bạc. Người Ý, Đức, Brazil, Nhật, người miền Nam Hoa Kỳ đều ăn các món từ các loại quả này vào đầu năm.
Ăn cá
Người Trung Hoa phát âm từ cá gần giống “sự giàu có, dư dật”. Họ chọn cá còn nguyên vẹn, đảm bảo cho sự khởi đầu và kết thúc tốt đẹp, tránh mọi sự xui xẻo trong năm. Còn theo nhà nghiên cứu Mark Kurlansky, cá tuyết là loại thực phẩm lễ vật phổ biến từ thời Trung Cổ. Lý do là có thể bảo quản và vận chuyển cá tuyết rất xa mà không bị hư. Kurlansky cho biết, do chính sách của Giáo hội Công giáo chống tiêu thụ thịt đỏ vào những ngày lễ tôn giáo đã giúp cá tuyết cũng như các loài cá khác trở nên phổ biến tại các bữa tiệc. Người Đan Mạch ăn cá tuyết luộc, trong khi tại Ý, cá tuyết muối phơi khô được để dành ăn từ Giáng Sinh qua năm mới. Người Đức cũng ăn món cá chép và tin rằng ăn cá càng nhiều vảy càng may mắn. Tại Nhật Bản, cá trích trứng và cá mòi được ăn nhiều nhất vì nó tượng trưng cho khả năng sinh sản, cuộc sống lâu dài, phồn vinh.
Ảnh minh họa |
Kẹo hoặc bánh ngọtNgười ta ăn kẹo đậu phộng, kẹo dừa, kẹo mè đen – mè trắng… vào năm mới hi vọng mang lại cuộc sống ngọt ngào. Bánh và bánh nướng cũng thường được chuẩn bị cho năm mới. Đặc biệt, những loại bánh hình tròn được xem là biểu tượng của sự đầy đủ và may mắn. Ở Ấn Độ có bánh Jalebi, ở Ý có chiacchiere. Người Ba Lan, Hungary và Hà Lan cũng ăn bánh rán, bánh ngọt donut rắc đầy táo, nho khô. Ở một số nước có phong tục giấu một món đồ đặc biệt hoặc đồng xu trong bánh, ai nhận trúng phần bánh đó sẽ được may mắn. Ví dụ, tại Hy Lạp, một chiếc bánh tròn đặc biệt gọi là vasilopita được nướng với một đồng tiền ẩn bên trong. Thụy Điển và Na Uy cũng có các nghi lễ tương tự, trong đó họ giấu các hạt hạnh nhân.
Đầu năm không nên ăn gì?
Có một vài món cần tránh:
– Tôm hùm: Người ta cho rằng không nên ăn tôm hùm ngày đầu năm vì loại này luôn di chuyển về phía sau và do đó, có thể dẫn đến thất bại.
– Gà cũng không được khuyến khích vì các vết trầy xước thường bị ở phía sau đuôi, dẫn đến sự hối tiếc hoặc hay gợi nhớ về quá khứ. Một giả thuyết khác cảnh báo không nên ăn bất kỳ loại gia cầm có cánh vì may mắn có thể bay đi.
– Tại Đức, người ta có phong tục để lại một chút của mỗi món ăn trên đĩa quá nửa đêm để đảm bảo có một phòng đựng thức ăn dự trữ trong năm mới. Tương tự, ở Philippines, điều quan trọng là phải có thức ăn trên bàn vào lúc nửa đêm.
Tóm lại, việc lựa chọn các thực phẩm để ăn sao cho vừa bổ dưỡng vừa mang lại nhiều may mắn trong năm mới đều nằm trong suy nghĩ và quyết định của chúng ta, chỉ cần đừng quá tham lam và hãy biết bảo vệ sức khỏe của bản thân!
DS. Lê Kim Phụng
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. HCM
Theo Tạp chí Sức Khỏe