Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) do Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL cùng phối hợp tổ chức từ năm 1994, định kỳ 2 năm một lần, nhằm thúc đẩy sáng tạo kiến trúc; tôn vinh các tác giả, tác phẩm kiến trúc xuất sắc; Góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc.
Một phối cảnh trong đồ án quy hoạch Điểm du lịch nhân văn tưởng niệm Nhà văn hóa liệt sỹ Văn Cao của KTS Nguyễn Thu Hạnh.
GTKTQG 2016 tập trung vào chủ đề: “Kiến trúc vì mọi người” nhằm đề cao trách nhiệm xã hội của giới KTS Việt Nam đối với mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt đối với các cộng đồng yếu thế, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa hay chịu nhiều tác động của thiên tai do biến đổi khí hậu… GTKTQG 2016 có sự tăng thêm số lượng giải, nhằm thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng KTS ở các vùng miền khác nhau.
Theo Hội đồng thẩm định, GTKTQG 2016 đã thu hút được 120 hồ sơ dự giải ở 9 thể loại, với 16 hạng mục tác phẩm. Kết quả, Hội đồng GTKTQG năm nay đã chọn trao 4 giải Vàng, 13 giải Bạc và 13 giải Đồng. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng trao thêm 4 Bằng khen KTS Trẻ và 1 Bằng khen cho đơn vị đạt nhiều thành tích tại Giải thưởng kỳ này.
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng GTKTQG 2016 KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết: Hội đồng GTKTQG 2016 chú trọng đánh giá các tác phẩm theo các tiêu chí: ý tưởng sáng tạo, giải pháp mới, có tính đột phá theo hướng tiến bộ; Giải pháp tổ chức không gian tận dụng tối đa lợi thế môi trường cảnh quan và đảm bảo dây chuyền công năng; Có ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, đáp ứng nhu cầu thực tế và cấp bách của cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng yếu thế, vùng sâu, vùng xa… Và nhất là thiết kế hướng tới tính bền vững theo tiêu chí Công trình Kiến trúc Xanh Việt Nam.
KTS Nguyễn Tấn Vạn nhận định: Các công trình kiến trúc, quy hoạch đạt giải năm nay khá phong phú về thể loại, đa dạng về ý tưởng, hướng tới các giá trị văn hóa, tinh thần như “Quy hoạch chi tiết xây dựng điểm du lịch nhân văn tưởng niệm nhà văn Nam Cao”; “Khu Trung tâm hành lễ và Nhà Tưởng niệm nghĩa trang liệt sỹ A1 tỉnh Điện Biên”; “Công viên Đất nung Thanh Hà” ở Hội An.
GTKTQG 2016 cũng phản ánh khá trung thực bối cảnh kiến trúc – xây dựng trong nước hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Đa số các công trình ở quy mô vừa và nhỏ, không còn tập trung ở các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM mà ở những nơi có sức trẻ, năng động, hướng tới phát triển bền vững. TP Đà Nẵng là một điển hình nổi bật. “Cung Văn hóa Thiếu nhi Đà Nẵng” được tạo hình độc đáo với những mảng khối, sắc màu trẻ trung, sinh động và nhịp điệu hấp dẫn, tạo nên một điểm nhấn thú vị cho TP. Bên cạnh đó, ngôn ngữ kiến trúc tinh tế và khúc chiết, sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên của “Thư viện tổng hợp TP Đà Nẵng” cũng như “Bana Hill Golf Club” đều tạo được ấn tượng gần gũi, thân thiện với con người và thiên nhiên.
Trong khi đó, đồ án“Quy hoạch phân khu khu vực ven Đầm Nại huyện Ninh Hải, Ninh Thuận” được phát triển trên quan điểm tiết kiệm đất trong phát triển đô thị, phục hồi khu sinh thái ngập mặn, cải tạo và nâng cao hiệu quả khu vực nuôi trồng thủy sản, cân bằng tỷ lệ đất xây dựng đô thị với các loại đất khác và cảnh quan môi trường đã tạo bản sắc, đồng thời phát huy hiệu quả giá trị từng quỹ đất trong khu vực.
Giải thưởng năm nay cũng ghi nhận nhiều ấn phẩm kiến trúc tham dự và đoạt giải như “Cơ sở tạo hình”, “Đọc và hiểu kiến trúc”, “Sự chuyển đổi và bảo tồn nhà vườn truyền thống trong khu vực kinh thành Huế, Việt Nam”, “Đô thị Việt Nam – Góc nhìn từ những nơi chốn”. Đây đều là các ấn phẩm có giá trị trong đào tạo KTS, có giá trị khoa học và thực tiễn, bổ ích cho cộng đồng và góp phần truyền thêm cảm hứng sáng tạo cho KTS.
Đặc biệt, hưởng ứng chủ đề “Kiến trúc vì mọi người”, nhiều công trình đã vươn đến phục vụ cộng đồng người dân miền núi còn nhiều khó khăn như “Hoa rừng – Trường học vùng cao” ở Thái Nguyên, “Làng đất” ở Quản Bạ – Hà Giang, hay đáp ứng nhu cầu ở của công nhân khai khoáng như “Nhà ở công nhân Lào Cai”. Phần lớn các tác phẩm đoạt giải hướng đến tính hiện đại, thực tế, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người sử dụng nhưng vẫn không quên giá trị nghệ thuật song hành, thể hiện trách nhiệm xã hội của giới KTS với các vấn đề đa dạng của xã hội.
Các tác giả trẻ tuy chưa đạt nhiều giải thưởng cao nhưng cũng cho chúng ta thấy những ý tưởng kiến trúc theo xu hướng thân thiện, tiến bộ như “Ccasa Hostel” ở Nha Trang, “Không gian thân thiện BE” ở Quảng Ninh hay “Nhà máy may mặc Đức – DBW” ở Long An.
KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết thêm: Thành tựu của các KTS không thể không nhắc đến sự đóng góp của các chủ đầu tư. Chính vì vậy mà Hội đồng GTKTQG 2016 cũng Trao Bằng chứng nhận “Nhà đầu tư thông minh” cho 3 đơn vị và cá nhân đã có tư duy tiến bộ, ủng hộ KTS trong việc quan tâm đến cảnh quan môi trường, tiết kiệm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng và xã hội.
4 tác phẩm được Hội đồng GTKTQH 2016 trao giải VàngGiải Vàng ở hạng mục Nhà ở nông thôn cho tác phẩm “Làng đất” của KTS Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Duy Thanh, thuộc Văn phòng Kiến trúc 1+1>2, được xây dựng ở Quản Bạ, Hà Giang.
Giải Vàng ở hạng mục thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan cho đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Điểm du lịch nhân văn tưởng niệm Nhà văn hóa liệt sỹ Văn Cao của KTS Nguyễn Thu Hạnh, thuộc Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững, xây dựng tại Hà Nam. Giải Vàng cho hạng mục quy hoạch đô thị cho đồ án quy hoạch phân khu khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận của các tác giả Phó Đức Tùng và các cộng sự tại Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia. Giải Vàng cho hạng mục Tác phẩm kiến trúc tại Việt Nam của KTS nước ngoài cho tác phẩm Cung văn hóa thiếu nhi TP Đà Nẵng, của các KTS Nguyễn Bá Huệ, Hồ Huy Hùng, Trần Hào, thuộc đơn vị tư vấn Jina Architec, Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng. |