Nhiều sản phẩm mì chính được đóng gói tại Việt Nam nhưng không ghi rõ xuất xứ được bày bán tràn lan tại chợ lẻ và cả trong các siêu thị lớn.
Vừa qua, nhiều độc giả của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gửi thông tin về tòa soạn bày tỏ những lo ngại liên quan đến các sản phẩm mì chính (bột ngọt) không rõ nguyên liệu nhập từ nước nào được san chiết, đóng gói và tiêu thụ trong nước.
Độc giả khá lo lắng về chất lượng của các sản phẩm mì chính nói trên khi trên bao bì vẫn có thương hiệu và công ty đóng gói lại không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ để người tiêu dùng có thể biết. Đặc biệt, thời gian qua, cơ quan chức năng từng thu giữ nhiều sản phẩm bột ngọt loại 25kg được nhập lậu từ Trung Quốc về. Các bao bột ngọt Trung Quốc này thường không có hóa đơn, chứng từ mua bán.
Đơn cử, trong năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên phối hợp Phòng PC08 – Công an tỉnh Phú Yên đã kiểm tra và bắt giữ gần 10 tấn bột ngọt (loại bao 25 ký) trên bao bì in sản xuất bởi Fufeng, nước sản xuất Trung Quốc. Toàn bộ số bột ngọt trên được in nhãn gốc trên bao bì bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định của pháp luật. [1]
Nhiều người lo lắng khi sản phẩm bột ngọt được đóng gói không ghi rõ xuất xứ, tên, tổ chức sản xuất trước khi sản phẩm mì chính được san chia, đóng gói bởi doanh nghiệp ở Việt Nam.
Độc giả mong muốn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tìm hiểu và cung cấp thông tin về quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, tên tổ chức sản xuất mỳ chính gốc trước khi sản phẩm được san chia, đóng gói. Qua đó truyền tải thông tin liên quan về lo ngại của họ đến cơ quan chức năng để rà soát nhằm góp phần làm trong sạch thị trường, giúp người tiêu dùng được biết và sử dụng những phụ gia thực phẩm an toàn.
Các quy định về nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa
Theo tìm hiểu của phóng viên, hướng dẫn từ cơ quan chức năng về ghi nhãn hàng hóa với sản phẩm bột ngọt san chia để đóng gói như sau:
Tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm có:
1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa;
d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan. [2]
Về cách ghi tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đối với hàng hóa đóng gói, đóng chai:
Tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định: “Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép”. [3]
Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ngày 26/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết thi hành khoản 6 Điều 12 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định:
“Hàng hóa chỉ thực hiện việc san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai khi được tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa cho phép và phải bảo đảm chất lượng như công bố của nhà sản xuất trên nhãn gốc.
Ví dụ: cho phép san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai theo hợp đồng.
Hàng hóa được san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đóng gói, đóng chai và ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai”. [4]
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm có quy định yêu cầu đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm như sau:
“Chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản”. [5]
Qua đó, các doanh nghiệp khi ghi nhãn hàng hóa san chia, đóng gói phải đáp ứng quy định của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, đáp ứng quy định ghi nhãn trong nước đối với hàng hóa sản xuất trong nước và đáp ứng quy định ghi nhãn với hàng hóa san chia, sang chiết.
Thông tin về xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 7 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.
2. Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.
Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt” [6]
Đối chiếu với các quy định trên, nhiều sản phẩm bột ngọt (mì chính) bạn đọc cung cấp tới phóng viên có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Tràn lan sản phẩm bột ngọt không rõ nước sản xuất
Cụ thể, bạn đọc ở tỉnh An Giang gửi một số thông tin, hình ảnh về sản phẩm gia vị có tên “Bột ngọt SELA”.
Thông tin trên bao bì ghi: Sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên SELA tím, có địa chỉ tại số 64H3 Nguyễn Trường Tộ, phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên. Nơi đóng gói: Địa điểm kinh doanh Thoại Sơn – Công ty TNHH một thành viên SELA tím, tỉnh lộ 943, tổ 14, ấp Hòa Thới, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Qua quan sát trên bao bì sản phẩm này, phóng viên không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai theo quy định. Ngoài ra, cũng không đề thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Theo thông tin phóng viên được biết, Công ty TNHH một thành viên SELA tím đã bị Đội Quản lý thị trường số 3 Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ hàng hóa sau một đợt kiểm tra vào ngày 23/10 vì hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định.
Ngoài ra, độc giả tại tỉnh Bình Định cũng cung cấp thông tin, hình ảnh về sản phẩm có tên trên bao bì là “Bột ngọt (mì chính) Phuta 777”.
Trên bao bì ghi thông tin: Cơ sở sản xuất, đóng gói bột ngọt 777, địa chỉ tại tổ 13, khu vực 2, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Quan sát trên bao bì, phóng viên cũng không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Độc giả tại thành phố Hà Nội cũng đã gửi thông tin, hình ảnh của một số sản phẩm gia vị có tên trên bao bì như sau:
Các sản phẩm: “Bột ngọt – mì chính Vua – King”; “Bột ngọt (mì chính) Aji – Gold”; “Mì chính (bột ngọt) Arion”.
Trên bao bì ghi thông tin: Sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm Starfood Việt Nam, địa chỉ tại số 27/533 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Đóng gói tại: Số 93 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Sản phẩm có tên “Bột ngọt (mì chính) Kimochi” trên bao bì ghi thông tin: Sản xuất và đóng gói tại Công ty cổ phần dịch vụ TM & XNK thực phẩm Đông Tây; Phân phối bởi: Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Xuất nhập khẩu Đông Tây. Địa chỉ: 12/180 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, Hà Nội.
Sản phẩm có tên “Bột ngọt (mì chính) Fuji-Moto” trên bao bì ghi thông tin: Sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Homefood có địa chỉ tại số 26, Khu Bộ đội biên phòng, phường Văn Quán, quận Hà Đông.
Sản phẩm có tên “Bột ngọt (mì chính) Sakara” trên bao bì ghi thông tin: Công ty chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại thực phẩm Nam Thắng. Địa chỉ: Số 39T Phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Cơ sở đóng gói: Số nhà 8/10, ngõ 53 phố Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.
Các sản phẩm nói trên, qua quan sát trên bao bì phóng viên không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh bạn đọc cũng đã gửi các thông tin về một số sản phẩm cũng không ghi đầy đủ thông tin theo quy định trên bao bì hàng hóa.
Cụ thể, sản phẩm có tên “Bột ngọt (mì chính) Aj-Food” thông tin trên bao bì ghi: Sản phẩm của Công ty TNHH Quốc tế ECOFOOD có địa chỉ tại 237/98/22 Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp. Đóng gói tại: Công ty TNHH Liên Sen, địa chỉ tại số 19 đường 44, khu phố 1, tổ 6, phường 16, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm có tên “Bột ngọt (mì chính) Han’Ei Suru”; “Bột ngọt (mì chính) Kjmoto” trên bao bì ghi thông tin: Công ty TNHH Liên Sen, địa chỉ tại số 19 đường 44, khu phố 1, tổ 6, phường 16, quận 8. Cơ sở đóng gói: 17 Phạm Đức Sơn, phường 16, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, sản phẩm có tên “Bột ngọt Meizan” trên bao bì ghi thông tin: Đóng gói tại Việt Nam bởi: Công ty TNHH Thực Phẩm Quốc Tế Nam Dương có địa chỉ tại Lô C20a-3, đường số 14, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Sản phẩm khác có tên “Bột ngọt Queen” trên bao bì ghi thông tin: Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Bình có địa chỉ tại 135/22 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh. San chia đóng gói tại: Miền Nam: Chi nhánh 1 Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Bình, địa chỉ 1827/4, Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức. Miền Bắc: Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Bình, địa chỉ: QL 5A, Km 15, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Một sản phẩm khác có tên “Bột ngọt (mì chính) Oji – Star” thông tin trên bao bì ghi: Công ty TNHH sản xuất – đóng gói – gia công – thương mại và dịch vụ Nam Phong có địa chỉ tại 114 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp.
Các sản phẩm nói trên, qua quan sát trên bao bì phóng viên không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Riêng sản phẩm có tên “Bột ngọt Queen” của Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Bình trên bao bì có ghi thông tin “xuất xứ: Trung Quốc”, tuy nhiên không ghi rõ thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Ngoài ra, ở một số địa phương khác như tỉnh Quảng Trị, độc giả cũng gửi thêm các thông tin về sản phẩm tương tự.
Trong đó sản phẩm có tên “Bột ngọt – mì chính Awin” trên thông tin bao bì ghi: Đóng gói và chịu trách nhiệm sản phẩm: Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Minh Đức, địa chỉ tại khu phố Hòa Lý Hải, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh.
Bên cạnh đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc, độc giả gửi thông tin về sản phẩm có tên “Bột ngọt (mì chính) Asato” trên bao bì ghi thông tin: Công nghệ sản xuất và thương mại thực phẩm Nhân Thịnh có địa chỉ tại Trung tâm thương mại Phúc Sơn, Thượng Trưng, Vĩnh Tường.
Đồng thời, tại tỉnh Phú Thọ, một sản phẩm có tên “Mì chính (bột ngọt) Famimoto” trên bao bì ghi: Đóng gói và phân phối bởi: Công ty TNHH SX&TM Thực phẩm Gia Đình, địa chỉ tại đội 12, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì.
Theo quan sát, thông tin về xuất xứ hàng hóa, cũng như thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói không được ghi rõ trên bao bì các sản phẩm nói trên theo quy định.
Trước phản ánh và ghi nhận thực tế trên, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã chuyển các thông tin trên đến các cơ quan chức năng liên quan đề nghị kiểm tra, rà soát nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật liên quan ghi nhãn hàng hóa được thực hiện nghiêm túc.
Tư liệu tham khảo:
[1] https://haiquanonline.com.vn/tam-giu-gan-10-tan-bot-ngot-trung-quoc-vi-khong-co-nhan-phu-172616.html
[2], [3], [6] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-43-2017-ND-CP-nhan-hang-hoa-346310.aspx
[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-05-2019-TT-BKHCN-huong-dan-Nghi-dinh-43-2017-ND-CP-ve-nhan-hang-hoa-421184.aspx
[5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-24-2019-TT-BYT-quy-dinh-ve-quan-ly-va-su-dung-phu-gia-thuc-pham-360857.aspx