Chè long nhãn hạt sen, đậu đỏ, dưỡng nhan… thích hợp để ăn hàng ngày mà không ngán.
Những món chè ngon xuất hiện quanh năm trong thực đơn của mọi nhà. Mùa hè oi bức thì ăn chè lạnh, mùa đông buốt giá thì rủ nhau quây quần bên quán chè nóng. Nông Nghiệp Sạch giới thiệu 5 món chè được nhiều người yêu thích.
Chè long nhãn hạt sen
Hạt sen có tác dụng bồi bổ cơ thể, giúp thanh nhiệt, giải độc, an thần, chữa chứng mất ngủ, thiếu máu, tiêu chảy kéo dài… Người Việt trân quý hạt sen nên chế biến thành nhiều món ăn mang hồn cốt dân tộc: chè long nhãn hạt sen, mứt sen, gà hầm hạt sen, chè hạt sen đậu xanh…
Chè long nhãn hạt sen là món tráng miệng tiêu biểu cho ẩm thực cung đình. |
Xứng danh ẩm thực cung đình dâng cho vua chúa thời xưa, chè long nhãn hạt sen được kết hợp từ nhãn “vương giả chi quả” và sen “vương giả chi hoa”. Món ăn tinh tế từ nguyên liệu, cách làm đến hương vị, ăn một lần rồi sẽ nhớ mãi. Hương vị chè sen mang đậm chất Huế: ngọt dịu dàng, nhãn thanh mát, hạt sen thơm và bùi.
Chè đậu đỏ
Đậu đỏ (hồng đậu) còn được gọi với tên là đậu tương tư. Món ăn này giúp giữ dáng, đẹp da, giảm stress, trị chứng mất ngủ. Bởi trong hạt đậu đỏ chứa hàm lượng chất xơ và xơ hòa tan, protein, carbohydrat và sắt.
Đậu đỏ lành tính và có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác: hạt sen, cốt dừa, hạt đác, yến mạch… Chè ngon bởi vị ngọt thanh mát, hạt đậu mềm mềm vừa ngọt vừa bùi, thêm một chút nước cốt dừa thì quả là thơm ngon hết ý.
Chè dưỡng nhan
Hoa mỹ đúng như cái tên, chè dưỡng nhan được làm từ những nguyên liệu quyền quý: nhựa đào, tuyết yến, bồ mễ, nấm tuyết, táo đỏ, kỷ tử, long nhãn, hạt chia, hạt sen, đường phèn. Món ăn có tác dụng bổ sung collagen thực vật, giúp giữ dáng, đẹp da, thư giãn tinh thần, cân bằng khí huyết, chống lão hóa…
Nấu chè dưỡng nhan nên đảm bảo được độ sệt nhất định, chè loãng sẽ không ngon. Bát chè ngon đảm bảo hương vị hài hoà giữa hạt bồ mễ vị bùi, nhựa đào khi cho vào miệng sẽ mềm và dai, mùi thơm lôi cuốn từ hạt sen, kỷ tử giúp người thưởng thức giải toả căng thẳng.
Chè dưỡng nhan được chế biến từ nhiều nguyên liệu quý. |
Tuy nhiên, loại chè này có tính hàn, mỗi tuần chỉ nên sử dụng 2 – 3 lần. Những người bị dạ dày, tiêu hóa kém, phụ nữ mang thai nên chú ý khi sử dụng món chè này bởi thành phần nhựa đào dễ gây ức chế dạ dày người có bệnh.
Chè khoai dẻo
Chè khoai dẻo là món đặc sản của miền Tây mang hương vị mộc mạc, dân dã, màu sắc hài hoà. Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản: khoai lang ruột tím, ruột vàng, nước cốt dừa, đường, bột năng qua bàn tay khéo léo của các bà nội trợ đã trở thành món ăn thơm ngon, hấp dẫn.
Chè khoai dẻo là món ăn bổ dưỡng, tốt cho tiêu hóa. |
Chè bưởi
Để nấu chè bưởi, từ nguyên liệu đến cách làm đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, chỉ một chút sơ suất cùi bưởi sẽ bị đắng hoặc mềm, không ngon. Vỏ bưởi được tận dụng, sơ chế nhiều lần qua nước muối cho hết he, đắng rồi sên đường sao cho cùi vẫn mọng nước, sau đó khoác lớp bột năng cho cùi bưởi. Cuối cùng nấu cùi bưởi cùng đậu xanh và nước cốt dừa.
Món ăn sẽ thêm phần hấp dẫn nếu nhỏ thêm một vài giọt tinh dầu bưởi. Món chè thoang thoảng mùi thơm của bưởi, cắn một miếng dai giòn sần sật, đậu xanh hòa quyện trong nước cốt dừa thơm ngon hết lời. Đây cũng là món tráng miệng ưa thích của nhiều gia đình Việt.
Phạm Mơ
Theo VnExpress