Người xưa có câu: “Đói ăn rau, đau uống thuốc” nhưng một số cây rau thường được dùng trong bữa ăn hằng ngày ngoài bổ dưỡng cho sức khỏe còn là những vị thuốc có tác dụng trị bệnh rất tốt.
Rau đay, mồng tơi, tía tô là ba loại rau vừa bổ dưỡng vừa có tác dụng trị bệnh. Hãy cùng Sức Khỏe tìm hiểu rõ hơn!
Rau đay: mát, bổ, giúp tăng sức đề kháng
Rau đay có tính mát, vị hơi đắng nhưng có tác dụng cầm máu, giải nắng, trợ tim, giải độc cá thối.
Trong rau đay chứa 78,3% nước; 5,3% protid; 0,8% lipid; 2,5% cellulose; 10,6% dẫn xuất không protein; 2,5% khoáng toàn phần, 5,5mg% can-xi và 1,6mg% phốt-pho. Quả chứa vitamin C. Hạt chứa 2 digitalin glucosid là corchoroside A và corchoroside B; một chất đắng là corechorin. Lá đay giàu betacaroten, sắt, can-xi, vitamin C. Các loại đay có tính hoạt hóa chống ô-xy hóa với lượng đáng kể tương đương Alpha tocopherol (vitamin E). Rau đay có công dụng làm thuốc:
• Trị táo bón, ho, suy nhược: Dùng lá non nấu canh ăn mỗi ngày, sau 7 ngày có kết quả.
• Chữa tắc sữa, kém sữa, không đủ sữa cho con bú: mỗi ngày dùng từ 200-300g, ăn hằng ngày, sau 7 ngày có kết quả.
Rau đay khi nấu với cua, mồng tơi, mướp lại trở thành món ăn mát, bổ, giúp tăng sức đề kháng chống lại bệnh dịch mùa hè.
Rau đay, mồng tơi, tía tô là ba loại rau vừa bổ dưỡng vừa có tác dụng trị bệnh (Ảnh Internet) |
Rau ngổ: gia vị, thuốc giải độcRau ngổ (rau ngổ thơm, ngổ trâu, cúc nước, mò ôm) có tính mát, vị cay, thơm. Trong rau ngổ có 92% nước; 2,1% protid; 1,2% glucid; 2,1% xenluloza; 0,8% tro; 0,29% vitamin B; 2,11% vitamin C; 2,11% carotene và ít tinh dầu.
Rau ngổ được dùng làm gia vị kèm theo ngò gai, húng quế trong các món canh chua hoặc xào với thịt bò hay tép, ăn kèm mắm kho, lươn um.
Rau ngổ được dùng làm thuốc trị:
– Nhiễm độc thức ăn, dị ứng các thức ăn do chất tanh, lạnh: rau ngổ tươi 100g, ăn sống hoặc giã vắt lấy nước uống.
– Rắn cắn: dùng 100g cả cây tươi, rửa sạch, cho ít muối, giã nát, vắt lấy nước uống, phần xác dùng đắp lên vết thương, ngày 2 lần.
– Lở ngứa, sần da, chảy nước vàng: dùng 80g cây lá tươi, rửa sạch, giã nhuyễn, xoa xát vào chỗ ngứa lở ngày vài lần, sau 3 ngày sẽ khỏi.
Mồng tơi: ngọt mát, giải nhiệt
Mồng tơi có tính bình, bị ngọt, không độc (có sách nói vị chua, tính hàn). Trong mồng tơi có chứa vitamin A3, B3, saponin, chất nhầy và chất sắt.
Mồng tơi thường được dùng làm thức ăn, nấu canh cho mát, nhuận trường, phòng nổi mụn; ít dùng làm thuốc, tuy nhiên được dùng trong:
– Giải nhiệt, lợi tiểu, nhuận trường (nấu canh hoặc luộc ăn).
– Trẻ em bị táo bón, mắt nóng đỏ: ép lấy nước uống.
– Nhũ hoa bị sưng, nóng đỏ (chưa có mủ): dùng 1 nắm lá tươi rửa sạch, cho ít muối, giã nhuyễn, cho 50ml nước, vắt lấy nước cốt, chia làm 2 lần uống (sáng, chiều), lấy xác đắp lên chỗ sưng.
– Trị rôm sảy: lấy hạt khô tán bột mịn, xoa ngoài da sẽ khỏi.
BS. Huỳnh Liên Đoàn
Hội Y học TP. HCM