Các nhà thiên văn học NASA phát hiện một hành tinh cực lạnh có khối lượng giống Trái Đất và quay quanh sao mẹ ở khoảng cách tương tự Trái Đất quay quanh Mặt Trời.

phat-hien-hanh-tinh-bang-sieu-lanh-co-khoi-luong-giong-trai-dat

OGLE-2016-BLG-1195Lb hầu như không tồn tại sự sống do quá lạnh. Ảnh: NASA.

Hành tinh mới được phát hiện mang tên OGLE-2016-BLG-1195Lb, cách Trái Đất gần 13.000 năm ánh sáng. Hành tinh này quay quanh một ngôi sao nhỏ đến mức các nhà khoa học không dám chắc đó thực sự là một ngôi sao, Sci Tech Daily hôm qua đưa tin.

Theo họ, đó có thể là sao lùn nâu, một thiên thể giống sao nhưng lõi không đủ nóng để sản sinh năng lượng thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân. Ngôi sao đặc biệt này có khối lượng chỉ bằng 7,8% Mặt Trời. Nó cũng có thể là một sao lùn siêu lạnh như Trappist-1, hệ sao chứa 7 hành tinh kích thước tương đương Trái Đất.

Theo nhóm nghiên cứu, OGLE-2016-BLG-1195Lb hầu như không có khả năng tồn tại sự sống bởi hành tinh cực lạnh, thậm chí lạnh hơn sao Diêm Vương trong hệ Mặt Trời, đến mức nước trên bề mặt của nó sẽ đóng băng nếu tồn tại.

Các nhà khoa học tìm thấy hành tinh nhờ kỹ thuật mang tên khuếch đại hấp dẫn (microlensing). “Quả cầu băng này là hành tinh có khối lượng thấp nhất được phát hiện thông qua khuếch đại hấp dẫn”, Yossi Shvartzvald, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA tại Pasadena, California, cho biết trong báo cáo công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.

Phát hiện về OGLE-2016-BLG-1195Lb sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự phân bố các hành tinh trong dải Ngân hà.

Nguồn:vnexpress

BÌNH LUẬN