Dân văn phòng phải ngồi nhiều, do đó bản thân họ có nguy cơ mắc rất nhiều chứng bệnh. Nhưng cách để giải quyết chúng thực ra cực kỳ đơn giản.
Dân văn phòng có lẽ là những người phải dành nhiều thời gian để ngồi nhiều nhất. Nhưng đừng tưởng được ngồi là sướng! Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ngồi nhiều có thể gây ra nhiều hệ lụy không hay cho sức khỏe: đau lưng, đau cơ, mệt mỏi… thậm chí là rút ngắn tuổi thọ.
Tuy nhiên theo các bác sĩ, sự mệt mỏi, đau nhức ở cơ và khớp 75% là do tư thế sai, 25% là do không cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
Vậy nên, chỉ cần biết cách ngồi cho đúng, cơ thể của bạn ít nhất cũng an toàn với một số loại bệnh chỉ dành riêng cho dân văn phòng dưới đây.
1. Đau chân
Chứng đau chân của dân văn phòng chủ yếu là do ngồi bắt chéo như hình trên. Đó là tư thế khiến cho máu lưu thông kém, tĩnh mạch bị siết chặt, gây khó chịu dưới dạng tê liệt.
Ngoài ra, tư thế này còn gây ra hội chứng “chân không yên” (restless legs syndrome – RLS). Đây là hội chứng gây đau nhức chân tay bất cứ khi nào nghỉ ngơi, khiến cho họ phải cử động luôn luôn mới bớt khó chịu.
Giải pháp: Điều đầu tiên bạn cần làm là điều chỉnh ghế ngồi. Không nên để chân lơ lửng, và mép ghế không được nằm thấp hơn đầu gối. Hãy đặt bàn chân của bạn trên sàn nhà, hoặc để chân lên một giá đỡ để tạo thành một góc hơn 90 độ như hình vẽ.
2. Đau lưng
Cách ngồi đúng là phải chọn được một chiếc ghế có độ sâu phù hợp với chiều dài của hông. Nếu bạn ngồi trên một chiếc ghế quá lớn, hãy đặt một chiếc gối dưới eo. Chiếc gối sẽ ngăn bạn không bị trượt xuống, tạo thành tư thế kéo căng, dễ gây đau đớn.
Ghế ngồi phải có lưng dựa thoải mái với một đường cong tự nhiên để lưng không bị cong.
Tuy nhiên, đừng vội vàng thay đổi tư thế đột ngột nếu cảm thấy không thoải mái. Hãy để cơ bắp của bạn thư giãn và từ từ trở về tư thế đúng.
3. Mỏi tay
Khi bạn làm việc ở máy tính, tay bạn luôn trong tình trạng bị kéo căng. Tay đặt sai vị trí sẽ gây áp lực, khiến tay đau đớn, chậm chạp cũng như cảm giác tê tay vào buổi sáng.
Giải pháp: Vị trí của vai và cánh tay sẽ đúng nếu bàn phím và chuột ngang bằng với khuỷu tay, đồng thời tay và khuỷu phải tạo được một góc 90 độ khi đặt trên bàn. Hãy giữ thẳng cổ tay, không quay cổ tay sang hai bên.
4. Đau cổ
Để tránh đau cổ và đau đầu, điều quan trọng là phải đặt màn hình đúng vị trí. Nếu quá thấp, nó vô tình khiến bạn phải trượt xuống ghế để nhìn, làm gia tăng áp lực lên mặt trước của đĩa đệm, có thể dẫn đến thoát vị hoặc lồi đĩa đệm.
Giải pháp: Cách ngồi đúng là ngồi trên ghế, nhắm mắt lại và thư giãn. Khi bạn mở mắt ra, điểm ở trung tâm màn hình phải ở ngay trước mắt – điều này sẽ giảm thiểu áp lực lên cổ và mắt của bạn.
Nếu cần thiết, sử dụng giá đỡ dưới màn hình để nhìn được ngang tầm mắt.
5. Mỏi mắt và đau mắt
Khi bạn làm việc trên máy tính quá lâu, có thể bị một số hội chứng rối loạn thị giác như: mờ mắt, khô mắt, đỏ mắt… Các hội chứng này có thể dẫn đến đau đầu và dễ cáu giận.
Vậy phải làm gì? Đầu tiên, hãy điều chỉnh lại màn hình. Các bác sĩ cho rằng vị trí tối ưu là điểm chính giữa màn hình phải ngang tầm mắt và cách mặt bạn khoảng 50 cm.
Tiếp theo là chỉnh lại ánh sáng: hãy hạn chế ánh sáng chiếu từ phía trước mặt – như ánh sáng từ cửa sổ. Điều chỉnh độ sáng, độ tương phản và kích thước phông chữ.
Ngoài ra, sẽ rất hữu ích nếu bạn đeo loại kính đặc biệt để bảo vệ mắt trong lúc làm việc với máy tính. Bằng cách này, mắt sẽ ít mỏi hơn, đồng thời thị lực của bạn cũng được bảo vệ.
Cuối cùng, đừng quên tập mắt theo quy tắc 20 – 20 – 20: cứ mỗi 20 phút, hãy nhìn một vật ở khoảng cách 20ft (khoảng 6m) trong vòng 20s.
6. Nhanh chóng béo phì
Nếu một người ngồi thường xuyên và thích ăn những thực phẩm ngọt, béo, cholesterol sẽ tích tụ bên trong các mạch máu.
Những cảm giác không thoải mái sẽ xuất hiện: đau, cảm giác mệt mỏi ở chân và bàn chân, sưng chân, huyết áp cao. Triệu chứng thường xuất hiện vào cuối buổi tối.
Giải pháp: Hãy dành một ít thời gian để tập luyện thể dục mỗi ngày, những bài tập đơn giản này sẽ mất không quá 15 phút. Cố gắng đi bộ nhiều hơn và quan trọng nhất là phải có chế độ ăn uống lành mạnh.