Chúng tôi có chuyến bay sớm rời Bagan đến Mandalay lúc 6g30 sáng. Sân bay chỉ cách khách sạn chừng 15 phút chạy xe, đường phố lại vắng vẻ, nên cùng với mấy vị khách phương Tây, cả nhóm ngồi ăn sáng trên ban công nhà trong ánh đèn màu vàng le lói hắt lên từ dưới lòng đường.
Thật bất ngờ, khi chúng tôi có mặt tại sân bay Bagan thì sân bay đang mất điện. Vẫn biết, Bagan là một sân bay nhỏ, lạc hậu nhưng kinh nghiệm mất điện ở sân bay, quả thật tôi chưa từng trải qua.
Bạn có thể tưởng tượng rằng, mình sẽ được làm thủ tục check in, ký gửi hành lý trong ánh đèn pin nhờ nhờ chỉ đủ soi tỏ mặt người và cuốn hộ chiếu hay không. Nhân viên của Air Bagan có lẽ đã quá quen với hoàn cành, nên cho dù các du khách đang mắt tròn, mắt dẹt kinh ngạc, họ vẫn nhanh chóng hướng dẫn và làm thủ tục cho khách hàng.
Và với sự cố mất điện, chuyến bay của chúng tôi bị trễ khoảng 1 tiếng so với giờ bay dự kiến, hành khách có thể vui lòng dạo chơi bên ngoài sân bay trong thời gian chờ đợi.
Đồng hồ chưa chỉ đến 6g. Ngoài kia, trời mới tang tảng sáng. Làm gì cho hết 1 tiếng rưỡi bây giờ. Hội ý và quyết định rất nhanh sau độ 5 phút giằng co giữa việc đi và ở, nguy cơ trễ máy bay nếu chúng tôi tính toán sai. Tôi chạy ra ngoài sân, tìm một lái taxi và đề nghị một hành trình “đi về phía mặt trời” trong vòng hơn 1 tiếng.
Người lái taxi lập tức hiểu ra vấn đề của 2 vị khách “tranh thủ thời gian” và tận dụng đến cùng “từng khoảnh khắc Bagan”, anh lập tức đi lấy xe và chúng tôi hối hả… lên đường rời sân bay.
Bagan – thành phố cổ ở miền trung Myanmar nằm bên bờ đông sông Ayeyarwady, một vùng đất khô cằn nhưng là thiên đường của những ngôi chùa tháp. Trên một diện tích khoảng 64km2 là sự tồn tại của hàng ngàn ngôi chùa lớn nhỏ, cũ mới, phần lớn là các chùa tháp không có người ở.
Các cụm đền tháp ở Bagan cổ không được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi sự trùng tu vội vàng, thiếu chuyên nghiệp của chính phủ đối với các công trình dẫn đến sự thay đổi ý nghĩa lịch sử và hình thái kiến trúc của các di tích có tuổi đời hàng ngàn năm. Tuy vậy, Bagan vẫn đã, đang và sẽ là một điểm đến tuyệt vời cho dân đi.
Chúng tôi lần theo lối mòn buổi sớm khi cát vẫn còn ướt đầm sương đêm, những bụi cây lúp xúp mảnh khảnh để vào một ngôi đền mà người lái xe nói rằng có vị trí khá đẹp để ngắm mặt trời mọc.
Không phải là buổi bình minh cô độc và huyền thoại ở đền Tayoke Paya hôm nào, sớm nay chúng tôi chia sẻ không gian đón mặt trời cùng với cả du khách và dân địa phương, thậm chí, tôi đã rất hạnh phúc khi bất ngờ nghe thấy tiếng nói của bạn đồng hương vang lên ngay phía sau lưng mình.
Nhóm bạn vừa đi xe buýt đêm đến Bagan và thay vì về khách sạn nghỉ ngơi, họ đến thẳng nơi có thể gặp nữ thần mặt trời. Bình minh Bagan hay hoàng hôn tắt nắng đã trở thành những việc không thể không làm khi đến thăm thành phố cổ tích này.
Chúng tôi cùng ngồi tựa lưng vào bức tường gạch trần vẫn còn lạnh ướt sương đêm, rầm rì chuyện trò và hướng ánh mắt về phía đông, đợi chờ vị nữ thần đến vén tấm áo của màn đêm.
Trong ánh sáng mờ ảo của buổi sớm mai, hàng ngàn ngôi đền tháp ẩn hiện, trải dài trên một vùng đất rộng mênh mang, mang lại cho người lữ hành vô vàn cảm xúc. Phần lớn trong số đó chúng tôi không nhớ tên, không chắc liệu mình đã ghé qua và dừng chân trong hai ngày lang thang khám phá.
Dhammayangyi, ngôi đền mang hình kim tự tháp có diện tích lớn nhất Bagan là một trong những công trình dễ nhận thấy nhất từ các điểm quan sát trên cao ở thành cổ Bagan.
Ngôi đền được vua Narathu (Kalagya Min) xây dựng năm 1167 bằng gạch đỏ đất nung không mạch vữa, không có chóp và có những hành lang dài sâu hun hút lạnh lẽo, bao quanh là bức tường thành dù nhiều phần đã đổ nát.
Một số người địa phương trải tranh cát ra nền, vừa tỉ mẩn làm tranh vừa đợi khách tham quan đi ngang mua vài bức. Họ không mời mọc, không chèo kéo, sự im lặng và ánh nhìn đợi chờ của họ gieo vào lòng tôi một nỗi buồn nhẹ tênh không thể đặt tên.
Ananda là ngôi đền lộng lẫy nhất ở Bagan với kiến trúc hình thập tự, một tòa tháp trung tâm sơn son thếp vàng kiêu hãnh vươn mình trên nền trời. Bên trong ngôi đền này là bốn bức tượng Phật vô cùng đẹp đẽ và nguy nga, với những tư thế thiền khác nhau ở bốn lối đi chính. Ngôi đền được xây dựng dưới thời vua Kyanzittha vào những năm vàng son của quá khứ 1105.
Thatbyinyu là ngôi đền cao nhất Bagan (khoảng 61 – 66m) được xây dựng vào năm 1144 dưới thời vua Alaungsithu cách đền Ananda chừng 500m theo hướng tây nam. Ngôi đền đồ sộ mặc tấm áo loang màu thời gian, rêu phong, cổ kính. Tương truyền bên trong Thatbyinyu là một kho tàng bích họa nhưng đã bị phủ lên một lớp vôi trắng sai lầm trong quá trình trùng tu vội vã.
Tôi ngồi bệt xuống phiến đá bóng láng trong hành lang lặng vắng, tự hỏi, những bức tường im lìm kia đang giấu trong lòng câu chuyện gì của quá khứ, của những nghệ nhân tài hoa đã từng tạo ra kiệt tác tranh tường?
Ở phía mặt trời còn có Shwesandaw được xây dựng theo khối hình kim tự tháp, bốn mặt với bốn cầu thang dốc ngược, trên đỉnh là stupa (tháp) theo hình quả chuông úp. Shwesandaw có 5 tầng với các dãy hành lang luôn kín người khi mặt trời lặn. Đây được coi là vọng cảnh đài đón hoàng hôn đẹp nhất ở Bagan.
Tôi không nhận ra trong vô số những ngọn đền tháp lớn bé, bất chấp thời gian, mưa nắng vẫn đứng sừng sững bên nhau trên nền cát bụi kia đâu là ngôi chùa Htilominlo kiêu hãnh, một trong số những ngôi chùa lớn có kiến trúc rất đẹp của Bagan.
Chùa cao 46m được xây 3 tầng bề thế bằng gạch đỏ, các chi tiết được trang hoàng và điêu khắc rất cầu kỳ. Cũng như tôi không quan sát được đâu là Shwezigon, ngôi chùa linh thiêng và là bản sao của chùa vàng Shwedagon Yangoon ở Bagan, nơi lưu giữ xá lợi của Đức Phật.
Dưới ánh mặt trời, những ngôi đền vô danh cùng dần bừng sáng như những ngôi đền lẫy lừng tên tuổi. Vô vàn bảo tháp nhấp nhô từ từ khắc họa trên nền trời đêm đang được xóa đi bởi một lớp sương trắng mỏng toang, mờ ảo. Dường như ai đó đang dùng cọ màu hồng tía tô lên đường chân trời màu của sự rực rỡ và ấm áp.
Và rồi, tấm áo khói sương bảng lảng tan biến, mặt trời hiện lên tròn trịa như một chiếc đĩa than khổng lồ.
Thành Bagan như bừng tỉnh. Tiếng vó ngựa vang lên trên đường xa thanh vắng. Tiếng xe đạp lọc cọc của người nông dân ra đồng. Tiếng dê kêu be be, tiếng người chuyện trò như xa như gần, như hư như thực. Những thanh âm trong trẻo và rộn rã của buổi sớm mai, ngân nga như một bản hòa tấu dung dị và mềm mại, ẩn sâu vào tận trái tim người.
Bagan miền cổ tích, nơi chúng tôi đã nắm tay nhau đi về phía mặt trời…
Bài: THỦY TRẦN
Ảnh: MUM
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp