Đường Sách tổ chức thư viện mini theo mô hình xe buýt, sạp báo không người bán… phục vụ độc giả xuyên Tết.
Hội sách là một trong những sự kiện trọng tâm, diễn ra từ 6-16/2. Ngoài các buổi trưng bày ấn phẩm về Tết, các buổi workshop tại các quầy hàng, hướng dẫn viết thư pháp trên bao lì xì, liễn, postcard về Sài Gòn; vẽ lên dụng cụ bằng tre như ly, bình nước; tặng tò he đầu năm, hướng dẫn làm mứt gừng, mứt dừa 3 vị, làm chocolate sấy dẻo nhân dịp Valentine… được tổ chức.
Đường Sách ra mắt xe buýt sách mang tên Chuyến xe chở tri thức – chở tương lai. Mô hình xe trở thành một thư viện mini phục vụ xuyên Tết với nhiều đầu sách, đáp ứng nhu cầu đọc và mượn sách của độc giả nhiều lứa tuổi. Ở khu vực chiếu nghỉ trước các quầy hàng, nhiều họa sĩ, thầy đồ hướng dẫn trẻ em vẽ tranh con trâu, áo thun, túi xách với họa tiết dân gian; trải nghiệm viết thư pháp tiếng Anh, Hoa…
Hội nhà báo TP HCM tổ chức chương trình Sạp báo không người bán. Độc giả tự chọn tờ báo xuân yêu thích, trả tiền vào thùng từ thiện với mức giá 50 nghìn đồng mỗi tờ. Theo ban tổ chức, sự kiện nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa đầu năm, tiến đến hình thức phát hành báo chí không người bán đầu tiên trong nước. Công ty Đường Sách dùng tiền bán báo hỗ trợ người dân hoàn cảnh khó khăn, không thể về quê ăn Tết. Sau một tuần tổ chức, sự kiện thu về hơn 25 triệu đồng (tương đương 500 tờ báo xuân).
Ông Lê Hoàng – giám đốc Đường Sách – cho biết đơn vị thường nhắc nhở bạn đọc, du khách đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn khi tham quan, mua sắm. Ban tổ chức đặt panô khuyến cáo ở hai đầu đường về kiến thức phòng, chống dịch; bố trí khu vực rửa tay, nước sát khuẩn; xịt khuẩn bề mặt tiếp xúc…
5 năm qua, Đường Sách thu 181 tỷ đồng với hơn 3,5 triệu bản sách bán ra, là địa điểm văn hóa đọc quen thuộc của người Sài Gòn. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi Covid-19, số tên sách mới giảm 37%, lượt khách giảm gần phân nửa so với 2019, nhiều hoạt động ra mắt tác phẩm, giao lưu tác giả bị dời lại.
Tam Kỳ – VnExpress