Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra vào tháng 9/2013 là một chương trình do Chính phủ Trung Quốc xúc tiến nhằm gia tăng sự kết nối trong khu vực châu Á, hướng tới thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

BRI sẽ đưa các hoạt động kinh tế trở thành động lực tăng trưởng mới

Hiện có 65 quốc gia tham gia sáng kiến BRI, trải dài từ châu Á, châu Phi và châu Âu. Sáng kiến cũng bao trùm 62% dân số thế giới, khoảng 30% GDP toàn cầu và khoảng 34% thương mại hàng hóa thế giới. Tổng số vốn đầu tư trong sáng kiến này dự kiến đạt ít nhất 1 nghìn tỷ USD, chủ yếu từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (900 tỷ USD), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (100 tỷ USD) và Quỹ Con đường tơ lụa mới (40 tỷ USD) trong 10 năm tới. Trong khi nhiều quốc gia khá thân thiện với sáng kiến này thì cũng có nhiều nước tỏ ra lo ngại về việc tham gia BRI.

Đối với Trung Quốc, có ba lợi ích tiềm năng từ sáng kiến này. Thứ nhất, BRI là một cách để chính phủ thúc đẩy sự bình đẳng giữa phía tây nghèo nàn của Trung Quốc và phần phía đông giàu có. Bằng cách hội nhập phần phía tây với phần phía đông và với các nước khác ngoài BRI, hy vọng lợi ích kinh tế của khu vực phía tây sẽ được cải thiện nhờ gia tăng kết nối trong khu vực. Thứ hai, sáng kiến BRI được xem là một cách thức để Trung Quốc nâng cấp ngành công nghiệp và xuất khẩu các tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất cao sáng các nước kém phát triển trong khu vực. BRI sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm chế biến sang các nước đang phát triển là những sản phẩm mà không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển như đường sắt cao tốc và máy phát năng lượng. Bằng cách đặt ra tiêu chuẩn về xây dựng đường sắt và các dự án dầu mỏ, khí đốt, Trung Quốc sẽ tạo ra thị trường cho sản phẩm của mình ở các nước đang phát triển thuộc BRI. Thứ ba, BRI cải thiện năng suất công nghiệp của Trung Quốc theo hướng giảm áp lực dư thừa năng suất ở thị trường nội địa khi chuyển ra các nước.

Trong khi đó, BRI sẽ là một trong những cách mà các nước châu Á có thể giải quyết về khoảng cách cơ sở hạ tầng và đưa hoạt động kinh tế trở thành động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ và EU đang tăng trưởng thấp. Cơ sở hạ tầng được cải thiện kỳ vọng trở thành chìa khóa để tăng trưởng cao hơn ở các nước xuất khẩu trong khu vực Châu Á, vì tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển hàng hóa giữa các nước cả trong và ngoài BRI. Ngoài ra, kết nối tốt hơn giữa các nước trong BRI cũng sẽ cải thiện điều kiện kinh tế của các nước này, vì bản than việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới tạo ra việc làm và nâng cao hiệu quả kinh tế ở mỗi nước.

Mặc dù có những lợi ích tiềm năng đối với nền kinh tế Trung Quốc và khu vực, nhưng việc thực thi BRI cũng phải đối mặt với ba thách thức chính. Đầu tiên, sự thiếu lòng tin chính trị giữa Trung Quốc và các nước quan trọng trong BRI. Ví dụ như Ấn Độ bảo lưu việc tham gia sáng kiến và cho rằng cần phải tham vấn trước khi quyết định. Thứ nữa, chỉ có 23 trong số 65 quốc gia trong BRI có chỉ số đầu tư được xếp hạng tín dụng từ các tổ chức như Standard and Poor’s, Fitch và Moody’s. Có một chỉ số cho thấy hầu hết quốc gia liên quan đều không có đủ năng lực thể chế để giải quyết các vấn đề của sáng kiến này, trong đó có rủi ro cho các nhà đầu tư. Sau cùng, bản thân Trung Quốc hiện cũng đang đối mặt với vấn đề tài chính như tỷ lệ nợ trong GDP đang ở mức báo động, 277% GDP từ cuối năm 2016.

Việt Dũng

BÌNH LUẬN