“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”

Câu thơ Nguyên Sa thuở nào cho ta thấy một cách… làm mát tức thời nhờ hiệu ứng tâm lý, tình cảm. Nhưng kiến trúc sư khác thi sĩ. Trong thiết kế nhà ở, kiến trúc sư phải lo việc làm mát bằng cả một hệ thống những giải pháp vật lý – môi trường, tất nhiên không loại trừ yếu tố cảm quan, tâm lý. Bàn tròn Kiến Trúc Nhà Đẹp kỳ này muốn giúp bạn đọc có thêm cơ sở khi chọn lựa những giải pháp làm mát ngôi nhà mình.

Cách nhiệt hay thông thoáng?

Theo KTS Nguyễn Văn Tất, có hai lĩnh vực: mát vật lý và mát tâm lý. Mát vật lý là tạo cho ngôi nhà sự thông thoáng tự nhiên (nhờ cách tổ chức không gian, nhờ môi trường, cây xanh…) và thông thoáng cưỡng bức (nhờ các thiết bị điện máy, kể cả thủ công). Mát tâm lý là mát lòng mát dạ, với môi trường cảnh quan phù hợp tác động lên tình cảm, tâm lý chủ nhà.

Đi sâu phân tích từng yếu tố, KTS Hồ Lê Phương cho rằng ngôi nhà được làm mát chủ yếu là do được cách nhiệt tốt. KTS dẫn chứng những ngôi nhà Tây – chỉ những biệt thự xây theo kiểu kiến trúc thuộc địa thời Pháp – sở dĩ rất mát bởi tường dày 30-40cm, cộng với diện tích cửa lớn, không dùng kính (với nhà ở phía Nam) hoặc cửa hai lớp (một kính, một chớp ở phía Bắc). Trong trào lưu theo mode hiện nay, nhà dùng kính bao che nhiều sẽ rất tốn hao điện chạy máy lạnh, vì kính không cách nhiệt mà chỉ “nhốt” thêm khí nóng.

NT-nhadep-250415-ha-nhiet (1)
Giếng trời bố trí bên hông nhà, nội thất sáng màu, thêm nguồn ánh sáng tự nhiên và bức tranh treo tạo một góc nhìn dễ chịu

Sự thông thoáng trong nhà nhờ tổ chức không gian tốt được nhiều chuyên gia quan tâm. Theo đó, tác dụng của giếng trời rất quan trọng, vừa hút thông gió, vừa giúp tầm mắt không bức bí, thêm nguồn ánh sáng tự nhiên và góc nhìn đẹp. Các KTS nêu kinh nghiệm làm giếng trời không cần phải mở toang cửa lùa trên miệng giếng mà có thể che kín, chỉ cần bố trí làm nơi tường sát mái để tạo khe hút khí nhờ chênh lệch áp suất. Mặt khác, với hệ thống các cửa đi và cửa sổ, chủ nhân cũng phải biết mở đúng cửa thì mới tạo được khí đối lưu trong nhà. Luồng khí đối lưu không hẳn là gió, mặc dù mùa nóng ở xứ ta – ngoại trừ gió lào ở bắc miền Trung – gió thổi luôn cho cảm giác mát mẻ.

Hiện đại và “hại điện”

Quan sát thực trạng kiến trúc nhà ở miền Tây Nam Bộ và không chỉ ở miền Tây Nam Bộ, KTS Lê Công Sĩ (Sở Xây dựng Trà Vinh) nhận xét: Người dân nông thôn đang có xu hướng “lên sàn, đúc tấm”. Họ quan niệm ở nhà trệt, nhà lá, nhà lát gạch tàu, nhà có hàng hiên, sân trong… là không sang, không hiện đại. Hiện đại đang được hiểu thiên về hình thức, được biểu hiện bằng “hộp hóa”, “bưng bít hóa” trong thiết kế nhà ở. Đã thành hiện thực điều mà KTS Hoàng Đạo Kính cảnh báo: “Cái quạt nan thay bằng cái quạt điện. Đến lúc nào đó, nó sẽ phải thay bằng cái máy điều hòa không khí”. Và mặc dù được các nhà chuyên môn khuyến cáo, hội chứng “khách sạn 5 sao” dựa vào các phương tiện máy móc để tạo nên độ dễ chịu vẫn đang là niềm ao ước của số đông cư dân đô thị. KTS, nhà báo Vương Thừa Bình lý giải: Người ta không thể đi ngược tiến trình phát triển văn minh và cũng sẽ không có chỗ cho con người “trốn” khỏi nền văn minh. Các nhà sản xuất và cung ứng thiết bị điện máy hiểu rõ rằng khách hàng của họ đang dùng quạt nan trong những ngày bị cúp điện không phải vì ý thức “về nguồn” tự giác, và họ chú tâm cải tiến, tăng nhiều hơn nữa các tiện ích của máy điều hòa nhiệt độ, của các loại quạt điện, quạt hơi nước… KTS không bài bác, không dị ứng với thiết bị hiện đại mà chỉ nên tìm cách “bốc thuốc” phối hợp linh hoạt các giải pháp nhằm đạt hiệu quả tối ưu, phù hợp với từng loại nhà, từng loại phòng. Ví dụ, dùng máy lạnh sao cho đạt được hai yêu cầu như KTS Trần Cao Hiếu (Công ty Househomegroup) nêu lên: tiết kiệm điện và tích độ lạnh tốt. Đồng thời các nhà chuyên môn, nhà sản xuất thiết bị đừng né tránh việc khuyến cáo người tiêu dùng về những tác hại chưa khắc phục được của các sản phẩm điện máy.

NT-nhadep-250415-ha-nhiet
Giàn dây leo trước nhà vừa cách nhiệt vừa đem lại cảm giác thư thái, tạo cảnh quan đẹp cho không gian ở

Là người hay chu du thiên hạ, KTS Tạ Mỹ Dương đặt vấn đề: Tại sao với ngôi nhà ở đô thị Việt Nam, cửa mặt tiền rất hiếm khi mở nhưng vẫn phải có, lại thêm khoảng sân lát gạch hoặc láng xi măng hắt nhiệt vào nhà? Nhà châu Âu không như thế. Phía mặt tiền được họ tận dụng “tống” hết những phần chịu nóng như bếp, kho…; mọi sinh hoạt giao tiếp chủ-khách luôn nhìn vào bên trong. Phải chăng có nhiều giải pháp ít “hại điện” chưa được chúng ta tính đến?

Cây xanh và cuộc “Vạn lý trường chinh”

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh (Cơ sở cây cảnh Út Tài) và chị Nguyễn Thị Kim Phượng (Cơ sở hoa cảnh Vườn Xinh) khẳng định: Phương pháp làm mát cổ truyền đắc dụng nhất hiện nay là trồng cây, vừa tạo cảnh quan đẹp vừa cân bằng độ ẩm, cải tạo vi khí hậu cho không gian ở. Trong hoàn cảnh tận dụng tối đa đất đô thị, “làm mát bằng cây xanh đang là cách xa xỉ nhất” – ý kiến của KTS Tạ Mỹ Dương – hai nữ chuyên gia về cây xanh môi trường cho rằng phải xử lý tùy theo không gian rộng hẹp từng nhà, phối hợp trồng cây sân vườn với cây trong nhà, cây trong phòng lạnh theo những yêu cầu kỹ thuật nhất định. Vườn cây tạo cảnh dù trồng theo lối “tỉa tót” hay “hoang dã” vẫn cần tính toán đúng cách để giảm công chăm sóc. Nhà thơ Đỗ Trung Quân – người tự nhận mình là một thứ bonsai và là tác giả tập thơ “Cỏ hoa cần gặp” nên anh khá quan tâm về cây xanh, hoa kiểng. Muốn lưu ý khi đưa cây xanh vào kiến trúc cần phải có kinh nghiệm phòng tránh bệnh cho chủ nhà, nhà thơ nêu dẫn chứng từ chính nhà mình: Một giàn dạ lý hương trùm kín mái nhà rất đẹp nhưng về khuya tỏa hương quá nồng nàn đã khiến người già phải đi cấp cứu. Một giàn dây cát đằng để mọc um tùm gây thi hứng, nhưng những phiến lá khô của nó có vô vàn lông tơ mịn đã khuếch tán vào nhà gây cơn suyễn cho trẻ nhỏ! Bà Nguyễn Thị Thu Thanh cũng cho biết khách hàng thường hỏi: Để cây xanh trong phòng có độc vì ban đêm cây thải ra thán khí CO2 hay không? Câu trả lời là không, vì lượng thán khí thải ra thật nhỏ nhoi so với không gian nhà ở có nhiều khoảng trống.

Với những ngôi nhà có diện tích hẹp, một hồ nước nhỏ như thế này cũng là một giải pháp vật lý khả thi
Với những ngôi nhà có diện tích hẹp, một hồ nước nhỏ như thế này cũng là một giải pháp vật lý khả thi

KTS Nguyễn Đăng Thanh Hải (Tổng công ty Bưu chính viễn thông) tâm đắc nhiều với mô hình tổ chức không gian ở cổ truyền của người Việt: ngôi nhà + sân + vườn + ao, điều đã được nhấn mạnh trong bài viết “Nhà ở sinh thái” của KTS Hoàng Đạo Kính “Vì sao chúng ta không tiến hành cuộc vạn lý trường chinh để trở về với thiên nhiên? Chí ít, trong kiến trúc” – dẫn lại câu hỏi của bài viết ấy, bài viết như là một tham luận nặng ký ở Bàn tròn, KTS Nguyễn Văn Tất tỏ ý tán đồng bởi theo ông, còn nhiều kinh nghiệm cũ cần được khai thác áp dụng vào điều kiện kinh tế – kỹ thuật mới.

Những kiểu tường hoa, tường song trong kiến trúc đình chùa cổ, nhà cổ vừa che chắn vừa giữ được độ thoáng. Những tấm rèm, tấm giại trước hiên thật cơ động, có thể nới rộng không gian nhà khi được chống lên hoặc khép thành một lớp bao che khi hạ xuống. Kể luôn những mô hình phong thủy ngỡ trừu tượng như “tả thanh long, hữu bạch hổ” cũng có thể cho ta những gợi ý theo khoa học khí động học… Một “nhà nàng ở cạnh nhà tôi / cách nhau một giậu mồng tơi xanh rờn” hay một “áo lụa Hà Đông” không lẽ chỉ là mỹ cảm thi ca khó bề được vật chất hóa trong cảnh quan kiến trúc hôm nay?

Cảm quan tâm lý không những do cây xanh bố trí trong nhà và ngoài sân vườn đem lại, mà còn do màu sắc, ánh sáng nội thất. KTS đã từng “phù phép” cho một ngôi nhà trở nên dễ chịu, mát mẻ bằng cách đập bỏ một số chi tiết, thay đổi màu sơn tường, kể cả thay đổi loại khung tranh treo tường…

Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, KTS Hồ Lê Phương đề nghị các chủ nhà không nên quá câu nệ yếu tố hướng nhà, hướng gió ở đô thị ngày nay. Chọn nhà hướng nam chưa chắc được hưởng hướng gió tốt, vì nguyên tắc tạo đối lưu gió trong nhà theo đúng lý thuyết nhưng còn phụ thuộc khoảng không xung quanh. Thực tế cho thấy có những ngôi nhà phố có mặt tiền chỉ 3-4m quay về hướng nam nhưng hai mặt hông đông – tây xây tường 10cm phải hứng chịu nắng nóng suốt ngày, do không gian hai bên hàng xóm trống trải.

Nếu có điều kiện bạn cứ xài điều hòa nhiệt độ. Với nhiệt độ đừng để thấp quá. Khoảng 26-27 độ C là tốt. Khi ở trong nhà có máy lạnh ra, bạn không nên đột ngột bước ra ngoài ngay mà phải có “một thời gian quá độ” nhất định. Mục đích tránh thay đổi môi trường đột ngột.

Hoang Linh (VietnamNet 4-5-2005)

Theo noithatmagazine

BÌNH LUẬN